Nghị viện các nước Ảrập chống tham nhũng

Giám sát ngân sách để minh bạch tài chính

- Thứ Sáu, 26/12/2014, 08:43 - Chia sẻ

Ngân sách của Chính phủ ở hầu hết các quốc gia đều do nghị viện giám sát và thông qua. Việc giám sát ngân sách không đầy đủ hoặc một hệ thống chính trị cản trở việc giám sát ngân sách hiệu quả cho phép nhánh hành pháp có cơ hội thao túng quy trình ngân sách, che giấu tham nhũng và quản lý kém. Một cách lý tưởng, nghị viện cần giám sát ngân sách một cách đầy đủ cũng như việc kiểm tra và chất vấn nhánh hành pháp về ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề ngân sách rất phức tạp, nhánh hành pháp, nếu muốn, vẫn có thể che giấu các thông tin và sử dụng quyền năng của mình theo các cách khác so với cách hiểu của các nghị sĩ. Vì vậy, tốt hơn hết, nên coi mục đích giám sát của nghị viện là giảm khả năng xảy ra của các hành vi như vậy.


Sự tham gia của nghị viện vào quy trình ngân sách nhằm bảo đảm nghị viện được thông tin về mọi nguồn ngân sách và biên độ dự kiến, kết quả của mỗi chương trình hoặc hoạt động và chi phí của chúng. Nghị viện nhận được thông tin kịp thời về các nguồn thu, khoản chi thực tế và những kết quả đã đạt được. Duy trì kỷ luật ngân sách bằng cách phê chuẩn hàng năm đối với hầu hết các chương trình, thiết lập các cơ quan giám sát chuyên môn - như cơ quan Kiểm toán - nhằm xem xét các thông tin mà cơ quan hành pháp đã cung cấp có chính xác hay không.  Các hoạt động giám sát nội bộ và các ủy ban nhằm bảo đảm các nghị sĩ và công chúng hiểu các thông tin và có thể xác minh rằng các kết quả đạt được là có thực và có thể tiến hành phân tích để kiểm tra liệu ngân sách có bị lãng phí do sử dụng kém hiệu quả hoặc tham nhũng hay không.

Cần cải thiện mạnh trong giám sát của nghị viện và cơ quan Kiểm toán quốc gia đối với ngân sách nhà nước, cũng như quyền của công chúng tiếp cận các thông tin về ngân sách. Nhất là hầu hết các nước khu vực Ảrập đều thuộc nhóm thu nhập cao hoặc trung bình, vì vậy có điều kiện vật chất để thực hiện các giải pháp tăng cường giám sát về ngân sách. Tuy nhiên, trên phương diện này, vai trò của nghị viện các nước Ảrập có khác nhau, với đặc điểm chung là không một nghị viện nào ghi điểm cao trong lĩnh vực này. Nghị viện Egypt, Iraq, Jordan, Lebanon có vai trò vừa phải, trong khi ở Algeria, Morocco, Tunisia, Yemen, và nhất là Qatar và Ảrập Xêút, cơ quan lập pháp chỉ có vai trò yếu ớt trong quy trình ngân sách.

Kuwait là một ví dụ về nghị viện có khá nhiều quyền trong lĩnh vực ngân sách. Ngay cả khi thông tin về các nguồn thu không được công khai, nghị viện vẫn thường yêu cầu và nhận được thông tin không chỉ về các nguồn thu được đưa vào ngân sách như từ dầu mỏ, thuế, phí, mà cả những nguồn từ đầu tư, hoặc nhờ bán tài sản nhà nước do Cơ quan đầu tư Kuwait quản lý. Nghị viện Bahrain đã từ chối, không thông qua quyết toán ngân sách của chính phủ do một số nghị sĩ cho rằng các vi phạm không được khắc phục, ví dụ như thiếu minh bạch trong chi tiêu, bội chi trong các dự án của Chính phủ phải đi vay, thiếu thông tin chi tiết về các khoản chi của chính phủ. Nghị viện Morocco đã thảo luận để thông qua luật về ngân sách quy định việc lập ngân sách theo chương trình và theo hiệu quả hoạt động nhằm tăng cường tính minh bạch, giải trình về các nguồn lực công. Một nữ nghị sĩ Ảrập Xêút đã phê phán Ủy ban chống tham nhũng quốc gia vì không kiềm chế được vấn nạn này, Ủy ban đã đánh mất lòng tin của người dân. Các nghị sĩ khác đòi công khai các cơ quan của Chính phủ không chịu hợp tác. Giải trình trước nghị viện, Al-Sharief cho biết sẽ nhanh chóng xây dựng đạo luật bảo vệ các nguồn ngân sách công, đề ra các giải pháp chống việc ký kết hợp đồng mua sắm công, đấu thầu các công trình công cộng một cách mờ ám.

Nguyên Lâm