Giám sát hoạt động đối ngoại tại Nghị viện Pháp: Nghị viện và thực quyền giám sát đối ngoại

- Thứ Sáu, 21/03/2008, 00:00 - Chia sẻ
Có thể thấy Nghị viện Pháp dưới thời Đệ ngũ Cộng hòa (1958 đến nay) có thẩm quyền tương đối hạn chế trong lĩnh vực đối ngoại. Điều này là hệ quả của những cải cách trong Hiến pháp năm 1958 nhằm mang lại tính ổn định cho chính phủ vốn quá ít quyền hạn so với Nghị viện trong thời kỳ Đệ tứ Cộng hòa (1946-1958).

CÁC BÀI TRONG CHUYÊN ĐỀ

Quyền giám sát của Nghị viện

Các công cụ giám sát

      Hiến pháp 1958 hạn chế phạm vi quyền lực của Nghị viện, đặc biệt là quyền giám sát. Quyền giám sát của Nghị viện đối với cơ quan hành pháp trong Hiến pháp 1958 chủ yếu thông qua kênh trao đổi và cung cấp thông tin hơn là giám sát trách nhiệm của Chính phủ. Trên thực tế, Nghị viện có thẩm quyền giám sát nhưng không thể lật đổ Chính phủ thông qua các cuộc bỏ phiếu. Trong các trường hợp bỏ phiếu, các quy định thường có lợi hơn cho Chính phủ nhờ vào sự ủng hộ của đảng chiếm đa số tại Nghị viện.
      Hơn nữa, tính chất của lĩnh vực đối ngoại cũng hạn chế sự tham gia giám sát của Nghị viện. Quyết sách đối ngoại thường được hoạch định không thông qua một quy trình pháp lý tại Nghị viện và phải đáp ứng các diễn biến mới trong quan hệ quốc tế nên không thể có chương trình được định sẵn trừ một số trường hợp đặc biệt. Vì vậy, Nghị viện không thể tham gia từ đầu trong tiến trình này. Vai trò của Ủy ban Đối ngoại cũng hạn chế hơn so với vai trò của các ủy ban thường trực khác đối với lĩnh vực mà họ phụ trách.
      Trong khi đó, với tư cách là người được cử tri cả nước trực tiếp bầu ra, Tổng thống Pháp có quyền trực tiếp điều hành chính sách đối ngoại. Đối với những quyết sách đối ngoại quan trọng, Tổng thống với tư cách là người điều hành cơ quan hành pháp có thể trực tiếp truyền đạt đến cử tri mà không nhất thiết phải qua kênh Nghị viện và vì vậy Nghị viện vừa không phải là thể chế dân cử duy nhất vừa không phải là cơ quan giám sát duy nhất đối với chính sách đối ngoại do Tổng thống điều hành. Trường hợp cuộc khủng hoảng Iraq năm 2003 là một điển hình cho sự phân định này giữa Tổng thống và Nghị viện.

      Thế lưỡng đảng hóa trong nền chính trị Pháp với một đảng hoặc liên minh đa số ủng hộ Chính phủ và đảng hoặc liên minh thiểu số đối lập cũng hạn chế quyền lực của Nghị viện so với Chính phủ. Trong mọi trường hợp, đảng hoặc liên minh đa số thường ủng hộ và bảo vệ chính phủ và điều này làm cho mọi nỗ lực giám sát, phản biện chính phủ của phe đối lập không có hiệu quả do không có đủ số phiếu cần thiết.
      Mặc dù vậy, Nghị viện Pháp vẫn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại ở một số khía cạnh sau:
      Thứ nhất, Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong công tác thông tin. Các phiên chất vấn, điều trần (audition) của các thành viên Chính phủ trước Ủy ban Đối ngoại hoặc các chuyến công tác thu thập thông tin, điều tra giúp Nghị viện có thêm thông tin về hoạt động đối ngoại của Chính phủ.
      Thứ hai, Nghị viện là thể chế dân chủ hàng đầu mà Chính phủ phải báo cáo về tất cả các chính sách, kể cả chính sách đối ngoại. Chính vì vậy, trong Chính phủ thường có một đại diện mang hàm Bộ trưởng hoặc Quốc vụ khanh đảm nhận vai trò liên lạc với Nghị viện. Trong mọi chính sách, do tính hợp pháp dân chủ của Nghị viện, các Chính phủ đều có lợi ích trong việc tham vấn Nghị viện.
      Thứ ba, vai trò của Nghị viện trong lĩnh vực đối ngoại và nhất là của Ủy ban Đối ngoại thường được nhấn mạnh trong các tình huống khủng hoảng. Khi khủng hoảng lớn nổ ra, Chính phủ một mặt cần có sự phản ứng nhanh chóng nhưng mặt khác cần có sự ủng hộ của dư luận và khi đó Nghị viện là kênh tốt nhất để chính phủ thực thi được yêu cầu này. Năm 1991, để có thể đưa quân Pháp tham chiến ở Vùng Vịnh, chính phủ đã phải cam kết tín nhiệm trước Nghị viện. Tháng 3.2003 và tháng 10.2003, Chính phủ theo yêu cầu của Chủ tịch các nhóm đảng trong Nghị viện đã tổ chức hai cuộc thảo luận chung về cuộc chiến Iraq.

Đoàn Kết