Giám sát hoạt động đối ngoại tại Nghị viện Pháp: Cơ quan hành pháp và hoạt động đối ngoại

- Thứ Sáu, 21/03/2008, 00:00 - Chia sẻ
Quyền đối ngoại cao nhất thuộc về Tổng thống. Tổng thống là người bảo đảm độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cũng như việc tôn trọng các điều ước ký kết; Là người duy nhất thay mặt nước Pháp trên trường quốc tế.

      Tổng thống cũng chịu trách nhiệm chỉ định các đại sứ và các đặc phái viên ở nước ngoài. Điều 52 của Hiến pháp quy định: Tổng thống là người có quyền đàm phán, ký kết và thông qua các hiệp định. Tổng thống cũng có thẩm quyền bổ nhiệm các chức danh Thủ tướng (thuộc đảng nắm đa số tại Nghị viện) và Bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Trên thực tế, Bộ Ngoại giao và Quốc phòng thường được coi là thuộc thẩm quyền ưu tiên của Tổng thống, bất kể Chính phủ thuộc về đảng nào.
      Thủ tướng là người điều hành Chính phủ và Thủ tướng nắm giữ hệ thống hành chính và các lực lượng vũ trang. Chính phủ có quyền đàm phán và ký kết các hiệp định quốc tế về một số lĩnh vực không đòi hỏi thủ tục phê chuẩn. Thủ tướng cũng là người chịu trách nhiệm trước Nghị viện về chính sách đối ngoại và quốc phòng bằng việc chuẩn bị dự luật ngân sách. Trong trường hợp tuyên bố tình trạng chiến tranh, Chính phủ phải xin phép và được Quốc hội phê chuẩn. Thủ tướng cũng có thẩm quyền phản biện với các chính sách về đối ngoại của Tổng thống cũng như trong việc bổ nhiệm các đại sứ hoặc cán bộ ngoại giao.