Giám sát hoạt động đối ngoại tại Nghị viện Pháp: Các công cụ giám sát

- Thứ Sáu, 21/03/2008, 00:00 - Chia sẻ
Cho dù Hiến pháp quy định Tổng thống là người có thẩm quyền cao nhất trong lĩnh vực đối ngoại, không phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện, nhưng cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất vẫn có thể giám sát lĩnh vực này thông qua Chính phủ - cơ quan chịu trách nhiệm thừa hành. Hiến pháp trao cho Nghị viện những công cụ giám sát cơ bản sau:

      Ủy ban Đối ngoại 
      Ủy ban Đối ngoại là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong giám sát hoạt động đối ngoại. Các thành viên trong Ủy ban thường là những người có kinh nghiệm về đối ngoại, và vì vậy các đánh giá, phân tích thường sát với thực tế.
      Ủy ban Đối ngoại có thể thực hiện chức năng giám sát thông qua hoạt động lập pháp như thẩm định các dự luật phê chuẩn điều ước quốc tế. Theo quy trình thủ tục, Ủy ban sẽ bổ nhiệm một báo cáo viên chịu trách nhiệm nghiên cứu các khía cạnh của điều ước. Ủy ban được phép gửi câu hỏi chất vấn cho Chính phủ để có được các thông tin đầy đủ nhất về điều ước. Sau khi được thông qua tại Ủy ban, báo cáo được chuyển tới từng nghị sỹ. Tại phiên họp toàn thể, báo cáo viên của Ủy ban sẽ trình bày quan điểm và lập luận của Ủy ban sau khi Bộ trưởng giới thiệu về điều ước. 
      Một hoạt động khác cũng có tính chất giám sát lĩnh vực đối ngoại đó là việc thông qua dự thảo ngân sách, trong đó có ngân sách cho lĩnh vực đối ngoại. Các cuộc thảo luận về ngân sách đối ngoại tại Nghị viện và Ủy ban Đối ngoại thường vượt khỏi khuôn khổ các vấn đề tài chính thuần túy và mở rộng sang lĩnh vực chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao của Chính phủ. Ủy ban Đối ngoại cũng chỉ định một báo cáo viên, chịu trách nhiệm soạn thảo và tổng hợp ý kiến của ủy ban về dự chi ngân sách. Các ủy ban khác trong Nghị viện cũng có trách nhiệm thẩm định dự chi ngân sách thuộc lĩnh vực của mình dưới dạng ý kiến. 
      Tuy nhiên, cũng như trường hợp luật phê chuẩn điều ước quốc tế, Nghị viện chỉ có quyền thẩm tra và thảo luận về luật ngân sách mà không có quyền sửa đổi. Điều này khiến Nghị viện ít có khả năng tác động đến chính sách đối ngoại thông qua các hoạt động phê chuẩn điều ước hoặc thông qua các dự luật ngân sách. 
      Bên cạnh đó, Ủy ban Đối ngoại cũng có thể thực hiện chức năng giám sát qua việc thu nhận thông tin về chính sách và hoạt động đối ngoại của chính phủ. Có hai cách để khai thác thông tin là tiến hành các buổi điều trần (audition) và tổ chức các phái đoàn giám sát (mission d’information). Ủy ban có quyền triệu tập tất cả các buổi điều trần cần thiết đối với Thủ tướng, các bộ trưởng liên quan đến đối ngoại (Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng các vấn đề về EU, Bộ trưởng phụ trách Hợp tác và Pháp ngữ...), các quan chức ngoại giao cấp cao hoặc các chuyên gia. Các buổi điều trần tại Ủy ban Đối ngoại không mở cửa cho công chúng và thường là những buổi làm việc có tính chất đối thoại giữa cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp.
      Điều 145 Quy chế hoạt động của Nghị viện cho phép các ủy ban thường trực thành lập các phái đoàn giám sát nhằm tạo điều kiện cho các báo cáo viên và các thành viên của ủy ban đến thực địa (trong và ngoài nước). Riêng chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại ngoài tính chất chính trị và ngoại giao còn thúc đẩy quan hệ hợp tác ngoại giao Nghị viện - một kênh ngoại giao hữu hiệu bổ trợ cho Ngoại giao nhà nước. 
      Ngoài ra, Ủy ban cũng có quyền tiếp cận một số các thông tin đối ngoại trực tiếp từ Bộ Ngoại giao. Ủy ban cũng có nguồn thông tin từ những thành viên của Ủy ban được cử làm đại diện tại các tổ chức quốc tế và châu Âu như LHQ, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu...
      Ủy ban Điều tra
      Việc thành lập các ủy ban điều tra cũng là một công cụ giúp Nghị viện có được thông tin đầy đủ về các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đối ngoại. Việc thành lập ủy ban điều tra phải do Chủ tịch Nghị viện đề xuất. Các thành viên của Ủy ban được phân bổ theo tương quan giữa các đảng phái chính trị trong Nghị viện. Ủy ban điều tra chỉ có quy chế hoạt động tạm thời. Ủy ban sẽ giải tán sau 6 tháng điều tra hoặc sẽ phải ngừng hoạt động khi có văn bản khởi tố vụ việc đang bị Ủy ban điều tra xem xét. Chính hai điều kiện ràng buộc này đã hạn chế vai trò của Ủy ban điều tra đối với các hồ sơ đối ngoại bởi: Thứ nhất, Chính phủ hoàn toàn có thể thúc đẩy một cuộc điều tra tư pháp nhằm đình chỉ hoạt động Ủy ban Điều tra. Thứ hai, thời hạn 6 tháng là quá ngắn đối với các hồ sơ quan trọng, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại. Hơn nữa, Ủy ban điều tra không có quyền đưa ra quyết định mà chỉ có thể đưa ra các khuyến nghị dựa trên báo cáo điều tra. 
      Bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm
      Trong trường hợp Chính phủ cần sự ủng hộ của Nghị viện về một kế hoạch cụ thể, Thủ tướng có thể yêu cầu Hạ viện (không cần Thượng viện) bỏ phiếu tín nhiệm với chương trình của Chính phủ. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể bị lật đổ nếu không giành được đa số phiếu ủng hộ.
      Hàng năm có ít nhất một lần chính phủ yêu cầu Nghị viện bỏ phiếu tín nhiệm với chính sách đối ngoại chung. Còn tại mỗi kỳ họp, Chính phủ sẽ yêu cầu Nghị viện bỏ phiếu tín nhiệm về chính sách châu Âu. Một trong những ví dụ nổi bật là việc ngày 16.1.1991, Chính phủ Pháp đệ trình trước Nghị viện Pháp về việc Pháp gửi quân tham gia Chiến tranh Vùng Vịnh trong một phiên họp bất thường. Khi đó, Chính phủ đã “sống sót” nhờ giành được 523 phiếu thuận và 43 phiếu chống.
      Nghị viện cũng có thể đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm với Chính phủ. Đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm phải có được chữ ký ủng hộ của ít nhất 10% nghị sỹ. Chính phủ sẽ bị lật đổ nếu đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm có được đa số phiếu tuyệt đối. Nhưng trên thực tế, các đại biểu phe đa số thường bỏ ra khỏi phòng họp và không tham gia bỏ phiếu. Chính điều này làm cho việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ thường không thành công. Trường hợp bỏ phiếu bất tín nhiệm điển hình nhất đối với chính sách đối ngoại là vụ việc Pháp rút khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO năm 1966.
      Không chỉ Nghị viện có quyền đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm mà Thủ tướng cũng có quyền đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của mình. Đây là một công cụ của Chính phủ nhằm gây áp lực đối với phe đối lập tại Nghị viện, buộc bỏ, chấm dứt tình trạng trì hoãn thông qua các chính sách của Chính phủ. Thậm chí, đây cũng là một biện pháp giúp Chính phủ buộc phe đa số trong Nghị viện phải thống nhất ủng hộ Chính phủ nếu không muốn phải tiến hành bầu cử lập pháp sớm. Nhưng thực tế, có rất ít trường hợp bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ về chính sách đối ngoại bởi chính sách đối ngoại thường không đòi hỏi việc thông qua một đạo luật cụ thể.

Đông A