Chính sách và cuộc sống

Giám sát để minh bạch

- Thứ Sáu, 07/12/2018, 07:32 - Chia sẻ
Chiều qua, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách giai đoạn 2013 - 2018 đã họp phiên đầu tiên, công bố kế hoạch triển khai và đề cương giám sát. Đoàn giám sát sẽ làm việc với gần 20 quỹ và 8 địa phương, trước khi trình báo cáo kết quả giám sát lên UBTVQH vào tháng 8.2019.

Quỹ tài chính ngoài ngân sách là một định chế tài chính của Nhà nước, hoạt động độc lập với ngân sách nhằm huy động thêm nguồn thu từ xã hội để thực hiện các nhiệm vụ được xác định. Theo thống kê sơ bộ, hiện có 26 quỹ do các bộ, cơ quan trung ương thành lập hoặc được giao quản lý. Xét về quy mô, 26 quỹ này chiếm trên 95% tổng nguồn vốn hoạt động các quỹ tài chính ngoài ngân sách (bao gồm cả các quỹ của địa phương). Trong đó, có 10 quỹ mà vốn và nguồn thu, nhiệm vụ chi rất lớn như: Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Bình ổn xăng dầu, Quỹ Bảo vệ môi trường… Các quỹ còn lại có quy mô vốn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp. Còn ở địa phương, các quỹ hình thành và phát triển kiểu “trăm hoa đua nở” với tính chất và phạm vi hoạt động đa dạng. Cho đến nay chưa có thống kê chính thức nhưng cảm nhận chung là số lượng quỹ tài chính ngoài ngân sách rất lớn.

Ở một khía cạnh nào đó, các quỹ này đã cùng với ngân sách nhà nước giải quyết tốt hơn một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên bản thân chúng đang chứa đựng rất nhiều bất cập. Nổi cộm nhất phải kể đến việc mặc dù gọi là quỹ ngoài ngân sách, song thực chất nhiều quỹ bắt nguồn từ vốn rót từ ngân sách nhà nước (thành thử lại gây ra phân tán nguồn lực quốc gia). Một ví dụ điển hình là, tính đến cuối năm ngoái, có 8 trong 26 quỹ do Trung ương quản lý đã được ngân sách cấp bổ sung 4 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ. Vậy nhưng các quỹ tài chính ngoài ngân sách lại không chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Luật Ngân sách nhà nước mà theo các quy định riêng với khoảng 100 văn bản pháp luật. Điều này có nghĩa các khoản chi từ quỹ ngoài ngân sách sẽ bị kiểm soát lỏng lẻo hơn so với việc chi từ ngân sách. Không chỉ rơi vào vùng xám giao thoa giữa các chế tài pháp luật có liên quan, các quỹ này không thực sự chịu sự giám sát, quản lý của một cơ quan hữu trách nào. Ngay Bộ Tài chính cũng khó nắm rõ bức tranh tổng thể hoạt động tài chính của các quỹ. Đây chính là những nguyên nhân dễ dẫn đến thất thoát tiền từ ngân sách thông qua con đường thành lập quỹ.

Trên thực tế, các bộ, ngành tỏ ra “nghiện” quỹ tài chính ngoài ngân sách và đều có xu hướng muốn thành lập các quỹ do mình quản lý, vừa dễ chi tiêu, lại có thêm quyền ban phát. Một thời còn có tình trạng, cứ xây dựng đạo luật chuyên ngành là các bộ lại đề xuất “đẻ” thêm một quỹ tài chính ngoài ngân sách. Những quỹ này được hình thành từ đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân theo quy định của Chính phủ đã làm nặng thêm gánh thuế, phí trên vai người dân và doanh nghiệp.

Vốn từ ngân sách đương nhiên chịu sự giám sát của QH. Vốn do các quỹ tài chính ngoài ngân sách huy động từ nhân dân, cộng đồng càng cần được cơ quan dân cử giám sát để biết chúng được hình thành, sử dụng ra sao một cách công khai và minh bạch; qua đó đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động và cơ chế tài chính cho các quỹ. Nếu không luật hóa và minh bạch thì sẽ không thể kiểm soát được nguồn lực mà người dân đóng góp, mất đi ý nghĩa cộng đồng xã hội, đồng thời nguy cơ tham nhũng cũng rất cao.

Hà lan