Giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Ba Vì

- Thứ Ba, 14/07/2020, 12:01 - Chia sẻ
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP, do đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP làm trưởng đoàn, đã làm việc với huyện Ba Vì về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từ năm 2016 đến nay.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Quang Trung cho biết, từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 214 lớp đào tạo nghề với 7.452 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị có số lượng lao động nông thôn được đào tạo đứng thứ 2 cả Thành phố (trong đó: 4.906 lao động học nghề nông nghiệp và 2.546 lao động theo học nghề phi nông nghiệp). Số người có việc làm sau đào tạo nghề là 6.772/7.452 học viên, đạt tỷ lệ 90,08% (chủ yếu là tự tạo việc làm là 5.894 người, chiếm 79,09%). Nguồn kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đa số từ nguồn ngân sách Thành phố giao hàng năm (Ngân sách TP chiếm 99,05%). Tổng kinh phí giai đoạn 2016- 2019 là: 21.582.259.000 đồng.

Bước đầu đã gắn với chương trình nông thôn mới, các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn thực hiện theo quy hoạch phát triển nghề thế mạnh ở các địa phương trên địa bàn Huyện. Từ năm 2016 đến nay, một số nghề được người lao động lựa chọn học nhiều, và đem lại hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm tốt, cụ thể như: May công nghiệp, Trồng cây ăn quả, Chăn nuôi thú y (tỷ lệ học viên tham dự 3 lớp trên chiếm 53,34%).

Theo đánh giá của đoàn giám sát, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Ba Vì còn những tồn tại, hạn chế. Đó là đào tạo nghề theo nhu cầu người học hiệu quả chưa cao, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Hương - Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa-Xã hội, tồn tại trong công tác đào tạo nghề ở huyện Ba Vì còn thể hiện ở chỗ công tác điều tra bổ sung, tư vấn cho người lao động học nghề thiếu kịp thời. Công tác đào tạo nghề cho người thiểu số, vùng đồng bào dân tộc, công tác tiếp cận vốn sau đào tạo nghề để tạo việc làm cho người lao động cũng chưa thực sự hiệu quả.

Đại biểu Hoàng Tú Anh - Phó Ban Văn hóa-Xã hội cho rằng, huyện cần chú trọng đánh giá năng lực của các cơ sở dạy nghề và trình độ, chất lượng của giáo viên dạy nghề, đặc biệt là đối với các cơ sở dạy nghề theo phương thức đặt hàng, từ đó mới nâng cao chất lượng công tác dạy nghề. Còn theo đại biểu Đoàn Việt Cường - Phó Ban Đô thị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và vai trò của các hội, đoàn thể của huyện còn chưa rõ, vì vậy huyện cần lưu ý đến việc phối hợp.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, Ba Vì là địa phương có số lượng lao động nông thôn được đào tạo theo chương trình 1956 lớn, tuy nhiên, từ 2016 đến nay, số lượng ngày càng giảm theo từng năm. Vì vậy, huyện cần tìm được mô hình đào tạo phù hợp với từng địa bàn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa, huyện cần lựa chọn ngành nghề cho phù hợp với trình độ và tiềm lực kinh tế của địa phương, đặc biệt là lưu ý việc làm sau đào tạo, cần đánh giá số lượng người lao động có việc sau đào tạo. Cùng với đó, nên lựa chọn cơ sở đào tạo có chất lượng, trình độ giáo viên, trang thiết bị phù hợp với ngành nghề đào tạo. Ngoài ra, có thể liên kết với những trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố và chú trọng vào tăng cường chuyển giao công nghệ, phát triển nghề nông nghiệp nông thôn. Phải có định hướng trọng tâm, trọng điểm trong đào tạo nghề, tránh dàn trải, kết hợp với kiểm tra, giám sát chất lượng trước, trong và sau đào tạo.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Nhàn, Ba Vì là đơn vị có số lượng đối tượng được đào tạo nghề đông, địa bàn rộng nhưng việc triển khai nghề tại địa phương cũng là khó khăn vì địa bàn xa các trường dạy nghề. Các nghề triển khai đều là thuần túy, nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật có khó khăn. Sở Lao động, TB&XH đã phối hợp với huyện rà soát, hiện lại chỉ còn 33 ngành nghề đào tạo theo chương trình này (trước đây là 49 ngành nghề). Trong thời gian tới sẽ chú trọng ứng dụng công nghệ mới và thực hành, giảm lý thuyết, điều chỉnh thời gian học cho phù hợp, đảm bảo người lao động sau đào tạo có thể tham gia vào thị trường lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh về ý nghĩa của chương trình này và đề nghị huyện tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề nhằm thay đổi nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm học nghề của người lao động. Rà soát, xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề phải sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó, các ngành nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chú trọng đào tạo theo chuỗi sản phẩm, đào tạo gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm, chuyển giao công nghệ cao; nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế... đặc biệt phải chú trọng vào việc làm sau đào tạo. Đồng thời, huyện cần phối hợp với các doanh nghiệp trong giải quyết việc làm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp, các tổ hợp tác xã trên địa bàn, từ đó, có biện pháp can thiệp giúp người lao động giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị các sở, ngành cần phối hợp với huyện kịp thời hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc, ngành Lao động, TB&XH nghiên cứu tham mưu cho thành phố về cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố.

PHI LONG