Nghị viện các nước Ảrập chống tham nhũng

Giám sát cơ quan hành pháp

- Thứ Sáu, 26/12/2014, 08:43 - Chia sẻ
Một vũ khí chủ chốt trong cuộc chiến chống tham nhũng của nghị viện chính là vai trò của cơ quan này trong việc giám sát các hoạt động của nhánh hành pháp. Nghị viện có thể quy trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước đối với các hành động của họ và bảo đảm rằng các cơ quan này hoạt động trong khuôn khổ pháp lý và đạo đức.

Liên minh nghị viện thế giới (IPU) khuyến nghị, cần xây dựng và/hoặc tăng cường các cơ chế trong Nghị viện nhằm truy xét trách nhiệm của Chính phủ, bao gồm việc chất vấn Chính phủ, sử dụng tối đa các ủy ban để giám sát chặt chẽ công việc của Chính phủ. Cần thúc đẩy việc hình thành các cơ quan giám sát như Tổng Kiểm toán, Thanh tra nghị viện vv… và bảo đảm rằng các cơ quan này được cung cấp đủ nguồn lực và các báo cáo của họ nhận được sự chú ý thích đáng của nghị viện và Chính phủ. Tuy nhiên, ở nghị viện các nước Ảrập, các thiết chế như Ủy ban, Kiểm toán còn yếu, Thanh tra nghị viện không tồn tại, cho nên hiệu quả giám sát còn thấp.

Hơn nữa, nghị viện các nước này cũng không bảo đảm được các điều kiện để phe đối lập tham gia đầy đủ trong các cơ cấu và quy trình của nghị viện, có đủ nguồn lực và cơ hội bình đẳng để nêu quan điểm của mình về việc quản lý các vấn đề công, bao gồm việc loại bỏ tham nhũng và điều tra hoặc bắt đầu điều tra các trường hợp bị cáo buộc tham nhũng.

Phiên chất vấn của nghị viện là một cách quan trọng để các nghị sĩ tham gia vào các cuộc tranh luận chung và thu thập thông tin về tài chính và quản lý của Chính phủ, để nghị viện yêu cầu cơ quan hành pháp và Chính phủ giải trình. Để chất vấn có thể phát huy tối đa và đóng góp cho cuộc chiến chống tham nhũng của các nghị sĩ, nhánh hành pháp và các cơ quan của Chính phủ phải có phản hồi rõ ràng, cởi mở và không vòng vo nhằm che giấu thông tin. Ở các nước Ảrập, mặc dù còn ít, nhưng đã có những trường hợp cho thấy tác dụng của phiên chất vấn. Ví dụ, Nghị viện Yemen đã buộc một Bộ trưởng đang bị cáo buộc tham nhũng phải giải trình, với một loạt các câu hỏi chất vấn của nhiều nghị sĩ về việc điều hành ngân sách khổng lồ của bộ, việc thực hiện các cam kết, công khai tên tuổi của các quan chức tham nhũng. Nếu phiên chất vấn được tường thuật đầy đủ và được báo chí đưa tin thì sẽ trở thành một công cụ hiệu quả phục vụ việc giám sát của nghị viện và các nỗ lực chống tham nhũng, bởi lẽ áp lực sẽ đè năng lên cơ quan hành pháp phải thực thi các chính sách cũng như sử dụng ngân sách công một cách phù hợp và hiệu quả, đồng thời phải giải quyết các sai phạm của quan chức.

Cần thiết lập các cơ chế minh bạch và chặt chẽ trong việc phê duyệt bổ nhiệm các công chức và quan chức chính phủ cao cấp nhằm bảo đảm rằng chỉ những người có năng lực nhất, đạo đức tốt nhất được bổ nhiệm; thiết lập các cơ chế phù hợp nhằm trừng phạt những công chức đã được chứng minh có sai phạm trong quá trình thi hành nhiệm vụ. Ngược lại, khi có sai phạm từ phía các quan chức, việc đề xuất hoặc bỏ phiếu bất tín nhiệm cũng thực sự mang lại cho nghị viện một công cụ hữu hiệu chống tham nhũng. Bản thân việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, đặc biệt là trong hệ thống hai đảng, thường hiếm khi thành công bởi cần phải được đa số ủng hộ mới có thể thông qua, và do biện pháp này chủ yếu được phe đối lập sử dụng nên khả năng này ít khi xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp phe đa số không áp đảo và có liên minh giữa các đảng thiểu số, việc bỏ phiếu có thể thành công và dẫn tới việc Chính phủ phải thay đổi các chính sách hơn là chấp nhận bị đánh bại thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Hoài Thu