Giám sát chặt giải ngân đầu tư công

- Thứ Tư, 29/07/2020, 06:10 - Chia sẻ

Mấy ngày nay, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đang triển khai các biện pháp ứng phó với làn sóng mới của dịch Covid-19 bằng tất cả sự chủ động, bình tĩnh và hiệu quả. Dẫu vậy, đại dịch toàn cầu quay trở lại nước ta vào lúc này một lần nữa đã khiến cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay đứng trước thử thách khắc nghiệt. Chính phủ đã xác định “cỗ xe tam mã” tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nhưng với diễn biến mới của dịch bệnh, có lẽ trọng tâm sẽ phải dồn về đầu tư, đặc biệt là đầu tư công.

Tuy nhiên, với thời gian hơn 4 tháng còn lại, để có thể giải ngân lượng vốn đầu tư công lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng thực sự là khó. Khó không phải vì chúng ta không có tiền hay bởi không nhìn thấy những nút thắt khiến tình trạng chậm trễ, trì trệ trong giải ngân đầu tư công đã trở thành bệnh "kinh niên". Chúng ta có tiền. Chúng ta đã nhìn thấy những nút thắt. Nhưng khó nhất là động lực để tháo được các nút thắt ấy trong suốt thời gian qua vẫn chưa đủ lớn.

Một ví dụ điển hình là Dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội Khóa XIII quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 6.2015. Thời điểm đó, dự tính kinh phí giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án là khoảng 18 nghìn tỷ đồng. 2 năm sau đó, trước tình trạng chậm chạp trong triển khai thực hiện Dự án trọng điểm quốc gia này, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã phải ban hành thêm một nghị quyết nữa để tách riêng nội dung về giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Lúc này, con số kinh phí dự toán cho giải phóng mặt bằng đã lên tới 23 nghìn tỷ đồng. Và chắc chắn, đó chưa phải là con số cuối cùng bởi đến nay, sau 3 năm, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành dự án này.

Là người trực tiếp tham gia thẩm tra để trình Quốc hội Khóa XIII, XIV ban hành hai nghị quyết liên quan đến dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chỉ rõ, lý do chậm trễ của dự án là bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Đồng Nai đã không có sự phối hợp trong việc xây dựng đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân. “Đây là những nguyên nhân không phụ thuộc vào lạm phát, không phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì mà phụ thuộc vào năng lực của chính đội ngũ chúng ta. Có thể nói Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là điển hình của sự trì trệ, mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND tỉnh Đồng Nai, UBND các huyện, xã và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc bố trí đơn giá giải phóng mặt bằng”, ông Kiên nhấn mạnh.

Với những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta phải chắt chiu hơn bao giờ hết từng đồng vốn, từng cơ hội để vượt qua khó khăn, cố gắng duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế. Ngay sau hội nghị chuyên đề về đầu tư công giữa Chính phủ với các địa phương đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã về tận nơi, làm việc trực tiếp với lãnh đạo địa phương để “thúc” giải ngân đầu tư công với "công cụ" đặc biệt quan trọng đã được Quốc hội trao cho, đó là, Chính phủ được chủ động điều chuyển vốn đầu tư công từ bộ, ngành, địa phương này sang bộ, ngành, địa phương khác.

Có thể nói rằng, việc thực hiện đúng, nghiêm chủ trương của Quốc hội về điều chuyển vốn đầu tư công từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả và sự quyết liệt, sâu sát của Lãnh đạo Chính phủ đã và đang tạo ra áp lực buộc các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cán bộ, lãnh đạo phải thay đổi, phải chuyển động để khắc phục tình trạng chậm trễ, trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công. Đã có những tín hiệu tích cực khi nhiều địa phương cam kết sẽ thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư trong kế hoạch được giao, thậm chí sẽ giải ngân hiệu quả nếu được điều chuyển, giao thêm vốn. Ngay với Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai cũng đã cam kết và đang dồn lực để hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao phần diện tích hơn 1,8 nghìn hecta khu vực ưu tiên vào tháng 10 tới, tiếp tục kiểm đếm, bồi thường khu vực còn lại để bàn giao mặt bằng trong quý II.2021.

Tuy vậy, cũng cần cảnh giác với xu hướng bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện giải ngân đầu tư công bằng mọi giá, cốt đạt thành tích về số lượng, thực hiện được cam kết với Chính phủ để không bị thu lại vốn điều chuyển cho nơi khác. Hơn lúc nào hết, chính các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc và nhân dân ở từng địa phương phải giám sát chặt chẽ, kịp thời việc tổ chức thực hiện giải ngân đầu tư công để bảo đảm từng đồng vốn được sử dụng thực sự hiệu quả, có tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.  

Hải Lam