Giám sát các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo

Bài cuối: Chuẩn bị hệ thống câu phỏng vấn và phiếu hỏi

- Thứ Bảy, 13/06/2020, 20:00 - Chia sẻ
​​​​​​​Để thu thập được thông tin đầy đủ, ngoài các cuộc làm việc, xem xét báo cáo của đối tượng giám sát, cần sử dụng nhiều công cụ khác nhau để thu thập nhanh, đầy đủ và chính xác những thông tin cần thiết. Một số công cụ chính chúng tôi đã sử dụng khá hiệu quả như: Hệ thống câu hỏi để phỏng vấn và chuẩn bị các phiếu hỏi. Trong đó, đối với những nội dung cần có đánh giá của một tỷ lệ đối tượng nhất định mới có đủ độ tin cậy của thông tin, cần chuẩn bị phiếu hỏi cho từng đối tượng, sau khi thu thập đầy đủ tiến hành tổng hợp sẽ cho kết quả.

Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng

Muốn giám sát đạt kết quả cao, công tác chuẩn bị giám sát từ khâu lập kế hoạch đến kịch bản cho một cuộc giám sát cần chu đáo, kỹ lưỡng. Trong đó, có mấy nội dung cần quan tâm.

Đại biểu phát biểu trong một cuộc giám sát chuyên đề “việc thực hiện các chế độ, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2018.
Ảnh:  Lưu Thành

Đó là: Xác định hình thức giám sát. Một cuộc giám sát có thể có nhiều hình thức giám sát như quy định của luật giám sát nhưng phải căn cứ vào từng nội dung để xác định hình thức giám sát chính. Từ đó, chuẩn bị các công cụ giám sát, xây dựng kịch bản cụ thể cho từng phiên giám sát và phân công thực hiện cụ thể. Ví dụ: Khi giám sát về luật giáo dục thì hình thức chủ yếu là giám sát qua văn bản và làm việc với các cơ sở giáo dục, các cơ quản lý hành chính nhà nước. Nhưng khi giám sát về việc triển khai mô hình trường học mới, hình thức giám sát trực tiếp phỏng vấn các đối tượng và phát phiếu hỏi lại là chủ yếu… Như vậy, hai hình thức giám sát của 2 nội dung này có đối tượng cần gặp gỡ, làm việc khác nhau nên công cụ chuẩn bị cũng khác nhau và phân công thực hiện cũng khác nhau.

Căn cứ vào hình thức giám sát để xác định các công cụ sẽ sử dụng cho cuộc giám sát và các đối tượng giám sát. Bởi vì muốn đưa ra được những đánh giá chính xác, việc thu thập được thông tin đầy đủ, chính xác là quan trọng. Để thu thập được thông tin đầy đủ, ngoài các cuộc làm việc, các báo cáo của đối tượng giám sát còn cần sử dụng nhiều công cụ khác nhau để thu thập nhanh, đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết. Xin nêu một số công cụ chính mà chúng tôi đã sử dụng khá hiệu quả như:

Hệ thống câu hỏi để phỏng vấn: Muốn có hệ thống câu hỏi để phỏng vấn, chúng ta phải trả lời được các câu hỏi là phỏng vấn ai? Phỏng vấn nội dung gì? Ai là người sẽ thực hiện phỏng vấn? Xác định được đối tượng cần phỏng vấn, mỗi đối tượng sẽ có nội dung các câu hỏi và cách hỏi khác nhau, thời gian địa điểm phỏng vấn cũng khác nhau, dự kiến các tình huống diễn ra khi phỏng vấn để chuẩn bị các câu hỏi tiếp theo.

Chuẩn bị các phiếu hỏi, khác với phỏng vấn thì chỉ hỏi một số ít nội dung với số ít người. Còn khi cần hỏi nhiều nội dung và nhiều người thì thực hiện phỏng vấn sẽ không có đủ thời gian, hơn nữa có nhiều nội dung cần có đánh giá của một tỷ lệ đối tượng nhất định mới có đủ độ tin cậy của thông tin. Do vậy, đối với những nội dung này cần chuẩn bị phiếu hỏi để cho từng đối tượng, sau khi thu thập đầy đủ tiến hành tổng hợp sẽ cho kết quả. Ví dụ, khi giám sát về Vnen, chúng tôi đã xác định cần hỏi 5 nhóm đối tượng. Đó là: Giáo viên trực tiếp dạy chương trình Vnen; giáo viên chưa dạy Vnen ở các cấp học; cán bộ quản lý giáo dục các trường học cấp tiểu học và THCS; phụ huynh học sinh ở cả 2 cấp có con học theo chương trình Vnen; cán bộ lãnh đạo các địa phương triển khai Vnen.

Mỗi đối tượng như vậy phỏng vấn ở 18 xã của 6 huyện, ở mỗi xã, trường học phỏng vấn 10 người/1 đối tượng, riêng phụ huynh học sinh thì phỏng vấn 30 người và giáo viên đứng lớp phỏng vấn 20 người/đơn vị trường học. Từ đó, chuẩn bị các phiếu hỏi với hệ thống các câu hỏi được chuẩn bị riêng cho các đối tượng. Hệ thống câu hỏi cũng chuẩn bị dưới 2 dạng là câu hỏi đóng và câu hỏi mở tùy vào từng nội dung. Ngoài ra, tùy theo từng nội dung của cuộc giám sát và từng cuộc làm việc để chuẩn bị các công cụ khác cho phù hợp như ghi âm, ghi hình…

So sánh, đối chiếu thông tin

Một phương pháp nữa không thể coi nhẹ trong quá trình giám sát của HĐND nói chung cũng như trong giám sát chính sách, pháp luật trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói riêng là phương pháp so sánh. Đây là phương pháp phổ biến, diễn ra đồng thời với các phương pháp khác trong suốt quá trình giám sát, nhưng phương pháp này giữ vai trò hết sức cần thiết ở 2 giai đoạn.

Giai đoạn chuẩn bị giám sát, giai đoạn này chúng ta phải so sánh đối chiếu thông tin thu thập được trước giám sát với báo cáo của các cơ quan chức năng. Từ đó, xác định những thông tin còn có đánh giá khác nhau, hoặc có xung đột trong các nội dung được đưa ra rồi mới xác định cách thức để tiến hành thu thập thông tin, các đối tượng cần làm việc, các công cụ để sử dụng trong giám sát để làm rõ những khác nhau.

Giai đoạn thứ hai, sau khi kết thúc các cuộc làm việc chuẩn bị báo cáo kết luận giám sát. Lúc này, chúng ta sử dụng thông tin thu thập được trong quá trình giám sát, so sánh với các nội dung trong báo cáo các cơ quan chức năng là đối tượng giám sát để đánh giá được kết quả đạt được cũng như những tồn tại, bất cập từ đó đưa ra kết luận chính thức. Trong đó, có các kiến nghị với các cơ quan chức năng và HĐND tỉnh, hoặc Quốc hội, Chính phủ để có những điều chỉnh kịp thời.

ĐOÀN ĐÌNH ANH