Ấn Độ

Giảm nhiệt mùa thi

- Thứ Năm, 31/05/2018, 08:01 - Chia sẻ
Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, mỗi năm số học sinh bước vào năm cuối trung học ở Ấn Độ lên đến 20 triệu em. Chính bởi vậy, mỗi khi hè sang, áp lực thi cử đối với người dân ở đây lại tăng nhiệt.

Áp lực khắc nghiệt

Tại Ấn Độ, số lượng trường đại học chỉ khiêm tốn ở mức 600, nên để có được một suất học tại các trường này là điều không dễ dàng. Chỉ khoảng 20% học sinh đi thi là vào được đại học. Thông thường, học sinh Ấn Độ sẽ trải qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Điểm này sẽ được dùng để xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, riêng với các trường đại học đầu bảng, việc tuyển sinh không chỉ dựa trên kết quả kỳ thi trên mà còn có các cuộc thi riêng để lựa chọn. Bởi vậy, tỷ lệ “chọi” vào các trường vô cùng khắc nghiệt. Chẳng hạn, mỗi năm, khoảng 1,3 triệu học sinh đăng ký vào 23 viện công nghệ, nhưng các trường chỉ chọn 10.700 người, ước tính tỷ lệ chọi ở mức 1/121. Con số đó cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ vào các trường đại học danh tiếng như Oxford hay Cambridge của Anh.

Dẫu vậy, viễn cảnh được đặt chân vào đại học để có tương lai tốt đẹp, với công việc trả lương cao vẫn là khát khao của tất cả học sinh Ấn Độ. Theo thống kê của tờ The Guardian, mỗi năm Ấn Độ có tới 17 triệu nhân lực bước vào tuổi đi làm trong khi chỉ có khoảng 5,5 triệu việc làm dành cho các đối tượng này. Điều đó càng khiến áp lực phải thi đỗ đại học gia tăng. Áp lực trên dẫn đến việc bùng nổ tình trạng gian lận trong thi cử và cũng là yếu tố gây ra các vụ tự tử của học sinh tại quốc gia Nam Á này. Nghiên cứu của Bộ Nội vụ Ấn Độ mới đây cho thấy, chỉ trong 3 năm 2014 - 2017, hơn 26.000 trường hợp học sinh tự tử. Riêng năm 2016, con số này là 9.473 em, tức là cứ 55 phút lại có một trường hợp xảy ra.


Tình trạng ném “phao” trong mùa thi cử ở Ấn Độ

Giải pháp nhân văn

Thực tế đau lòng trên đặt ra thách thức rất lớn cho các nhà cầm quyền Ấn Độ. Là một hệ thống giáo dục đại học lớn thứ ba trên thế giới với 13 triệu sinh viên, quốc gia này đang phải đương đầu với sức ép mở rộng hệ thống giáo dục trong những thập kỷ tới. Các nhà lãnh đạo luôn xác định giáo dục là công cụ chủ chốt cho phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, Ấn Độ chỉ chi khoảng 2,7% GDP cho các trường học. Đây là con số quá khiêm tốn so với nhiều nước khác. Bộ trưởng Giáo dục Smriti Irani từng tuyên bố sẽ tăng ngân sách giáo dục lên 6% GDP. Chính phủ cũng muốn nâng tỷ lệ học sinh học tiếp đại học từ mức 12% lên 30% vào năm 2025, đồng thời mở rộng hệ thống đại học để đáp ứng nguyện vọng của số đông dân chúng. Để thu hẹp các khoảng cách trong giáo dục, từ năm 2010, Chính phủ cũng đã trình dự luật thu hút các trường đại học nước ngoài mở chi nhánh tại nước mình. Một số đại học danh tiếng như Leedshay Lancaster đã đặt cơ sở tại Ấn Độ qua hình thức liên kết.

Ngay cả Thủ tướng Narendra Modi, người dành nhiều tâm huyết với giáo dục, nhất là việc xóa bỏ áp lực thi cử. Trước thực trạng nhận được rất nhiều câu hỏi từ học sinh trên mọi miền đất nước về việc làm thế nào để giải tỏa áp lực từ các kỳ thi cũng như kỳ vọng của cha mẹ, mới đây ông Modi đã viết cuốn sách “Exam Warriors” (Những chiến binh kỳ thi) như một món quà gửi cho các sĩ tử. Cuốn sách là lời nhắn gửi của ông tới tất cả học sinh, phụ huynh và cả giáo viên, nhằm giúp họ chống lại sự căng thẳng trong các kỳ thi. Với cách trình bày bắt mắt, hình minh họa gần gũi, dễ hiểu cùng các câu thoại nhẹ nhàng, hài hước, cuốn sách nhận được sự đồng cảm rất lớn. Không chỉ vậy, đằng sau mỗi nội dung (được thể hiện dưới hình thức câu “thần chú”), sẽ có một hoạt động để học sinh có thể thực hành ngay. Thông qua nội dung và hoạt động đó, các em có thể chia sẻ hành trình và kinh nghiệm đi thi cho nhau. Điều này giống như một sự giúp đỡ, cùng nhau vượt qua kỳ thi khó khăn mà không còn căng thẳng, lo âu.

Những tâm huyết của Thủ tướng Modi cùng các biện pháp thúc đẩy dạy và học của Chính phủ Ấn Độ đang từng bước giảm bớt bất cập trong giáo dục như gian lận hay áp lực thi cử. Đúng như lời ông tâm sự: “Cuốn sách tôi viết là để dành riêng cho giới trẻ của một Ấn Độ mới, nơi học sinh không phải gắn với các kỳ thi căng thẳng và có thể học theo đúng đam mê”.

Ngọc Minh