Cuộc họp thượng đỉnh 3 bên Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran

Giảm nhiệt cho Syria

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 06:24 - Chia sẻ
Lần đầu tiên kể từ tháng 9.2019, ba “người chơi” nước ngoài có vai trò quan trọng đối với cuộc xung đột ở Syria là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm vạch ra con đường mang lại hòa bình cho đất nước này sau 9 năm xung đột tàn khốc.

        Đi tìm giải pháp chính trị

          Trong tuyên bố chung, ba bên “bày tỏ niềm tin” rằng, cuộc chiến Syria không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự mà phải thông qua một quá trình chính trị. Được biết, cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran mới nhất là sự kiện lần đầu tiên theo định dạng Astana của ba cường quốc nước ngoài quan trọng trong cuộc xung đột Syria kể từ tháng 9 năm ngoái. Tháng 1.2017, ba nước trên khởi động tiến trình đàm phán Astana về hòa bình Syria trong nỗ lực đưa tất cả các bên xung đột tại quốc gia Trung Đông này trở lại bàn đàm phán. Tiến trình trên được xem như sự bổ sung cho các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc (LHQ) bảo trợ ở Geneva, Thụy Sĩ. Cuộc khủng hoảng tại Syria đã làm hơn 380.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải đi sơ tán trong 9 năm qua, từ tháng 3.2011.

         

Nguồn: Reuters

Đầu tháng 3 năm nay, một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã giúp tạm dừng chiến dịch trên không và trên bộ kéo dài ba tháng của Chính phủ Syria tại tỉnh Idlib do phe nổi dậy nắm giữ. Lệnh ngừng bắn sau đó đã được duy trì phần lớn. Iran và Nga là những bên ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại kêu gọi loại bỏ chính phủ của ông và ủng hộ các chiến binh đối lập.

          Chính vì vậy, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã phát biểu tại cuộc họp trực tuyến rằng, nước cộng hòa Hồi giáo tin “giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng Syria là chính trị chứ không phải quân sự”. Ông khẳng định, chính quyền Tehran sẽ vẫn ủng hộ cuộc đối thoại liên Syria, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm chống chủ nghĩa khủng bố từ ISIL, ISIS đến al-Qaeda và các nhóm liên quan khác.

          “Tôi nhấn mạnh, cuộc chiến chống khủng bố sẽ tiếp tục cho đến khi nó bị xóa sổ hoàn toàn ở Syria và khu vực nói chung”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Iran kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Syria để cho phép Chính phủ của Tổng thống al-Assad đòi lại hoàn toàn quyền kiểm soát lãnh thổ của đất nước. Hiện một số lực lượng Mỹ vẫn ở lại Syria để bảo vệ khu vực dầu mỏ và các cơ sở dầu mỏ do người Kurd kiểm soát khỏi rơi vào tay IS.

          Tình huống căng thẳng

        Theo Tổng thống Nga Putin, mục tiêu của cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên là phân tích tình hình, cũng như thống nhất các bước “nhằm bảo đảm bình thường hóa lâu dài ở Syria". Và “trên tất cả, đó là câu hỏi về việc tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố quốc tế”.

        Ông cho biết, tình hình căng thẳng nhất vẫn đang diễn ra ở các vùng lãnh thổ nằm ngoài kiểm soát của quân đội Syria, đặc biệt là ở khu vực Idlib và phía Đông Bắc Syria. Cũng như Tổng thống Iran, người đứng đầu Điện Kremlin nhận định cần phải tích cực giúp thúc đẩy một cuộc đối thoại liên Syria bao trùm. Trên thực tế, Idlib đang nằm dưới sự kiểm soát của nhiều nhóm vũ trang, trong đó có nhiều nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đã triển khai lực lượng tại một số vị trí quân sự trong khu vực như một phần của thỏa thuận năm 2018 với Nga.

          Tổng thống Nga Putin cũng lên án các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Syria là “bất hợp pháp”, đồng thời nhấn mạnh “tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt được đưa ra chống lại Syria và bỏ qua Hội đồng Bảo an LHQ”. Được biết, đạo luật Caesar của Mỹ có hiệu lực từ 17.6 đã nhắm đến các công ty, cá nhân, tổ chức Syria và nước ngoài có liên quan tới Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Có thể nói, các lệnh trừng phạt trên là loạt biện pháp cứng rắn nhất được áp dụng đối với Syria, ngăn không cho bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân nào trên thế giới làm ăn với các quan chức hoặc các tổ chức nhà nước của Syria, hay tham gia vào công cuộc tái thiết nước này.

          Các biện pháp đó thực sự đã tạo ra đám mây đen trên những nỗ lực xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá. Tổng thống Putin phát biểu, “bất chấp lời kêu gọi từ Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres về việc giảm bớt áp lực trừng phạt trong điều kiện đại dịch, cả Washington lẫn Brussels vẫn quyết định kéo dài các biện pháp chống lại Syria”. “Ngoài ra, các lệnh trừng phạt mới có lẽ nhằm bóp nghẹt Syria về mặt kinh tế đã được thông qua”, ông cho biết thêm.

          Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ, “ưu tiên cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ là bảo vệ sự thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, khôi phục hòa bình và tìm giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột”. Ông cam kết, Ankara sẽ “tiếp tục làm những gì có thể để khôi phục hòa bình, an ninh cho nước láng giềng Syria càng sớm càng tốt”. Giống như Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kiểm soát một dải lãnh thổ dọc biên giới của nước này với tỉnh Aleppo thuộc Syria sau một loạt cuộc tấn công quân sự kể từ năm 2016.

         Tại cuộc gặp thượng đỉnh, cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều hoan nghênh cuộc họp của Ủy ban Hiến pháp Syria sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới. Đây là sự kiện mà theo quan điểm của LHQ được coi là bước tiến mới trên con đường dài hòa giải chính trị, sau đó là bầu cử. Ba nhà lãnh đạo cũng nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên tiếp theo về Syria tại Iran, nhưng không đưa ra thời gian cụ thể mà chỉ khẳng định sẽ gặp nhau khi có thể.

Thái Anh