Giảm nghèo: tập trung địa bàn khó khăn nhất tại 62 huyện trong cả nước

- Thứ Bảy, 11/12/2010, 00:00 - Chia sẻ
Mặc dù đã đạt một số kết quả về xóa đói, giảm nghèo trong thời gian qua, nhưng chất lượng giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, đặc biệt khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng trong cả nước còn khoảng cách lớn. Cần phải có Nghị quyết về định hướng giảm nghèo trên cơ sở sắp xếp, hệ thống lại, rà soát lại các chính sách. Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Ngô Trường Thi đã khẳng định như vậy.

- Xin Ông đánh giá một số kết quả của các chương trình xóa đói giảm nghèo chúng ta đang thực hiện?

PCT Ngô Trường Thi: Giai đoạn vừa qua, chúng ta đã đạt thành tựu giảm nghèo đáng phấn khởi, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm 1%, đạt mục tiêu do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra. Những kết quả xóa đói, giảm nghèo của chúng ta là rất đáng mừng. Từ khi có quỹ Vì người nghèo, đã có khoảng hơn 700.000 hộ được giúp đỡ thoát nghèo. Chương trình 167 cũng đã xóa được khoảng 200.000 ngôi nhà dột nát. Theo một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ chi tiêu của người nghèo Việt Nam trước năm 2000 có tới 90% là dành cho lương thực nhưng đến nay chỉ còn 55% dành cho lương thực và 45% dành cho các nhu cầu khác như y tế, giáo dục, đi lại… Đây là một tín hiệu mừng cho thấy sự thay đổi tích cực trong điều kiện sống tối thiểu của người nghèo.

- Định hướng giảm nghèo trong giai đoạn 2011-2020 tập trung vào những nội dung gì?

PCT Ngô Trường Thi: Mặc dù đã đạt một số kết quả về xóa đói, giảm nghèo, nhưng chất lượng giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, đặc biệt khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng trong cả nước còn khoảng cách lớn.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới 2011-2020, Chính phủ chỉ đạo giảm nghèo giai đoạn tới tập trung vào các địa bàn khó khăn nhất tại 62 huyện trong cả nước, đó là các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn hai, các xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển hải đảo, các thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số như vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng Tây Nam bộ… với mục tiêu cụ thể, giảm ¾ số hộ nghèo so với đầu kỳ kế hoạch, bình quân mỗi năm giảm khoảng 7,5% số hộ nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống còn từ 4-5% vào năm 2020; tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo lên 3,5 lần, thu nhập bình quân đầu người của các huyện nghèo nhất tăng ít nhất 3 lần so với năm 2010; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

- Như ông vừa nói giảm nghèo chưa đạt hiệu quả, vậy là những nguyên nhân gì?

PCT Ngô Trường Thi: Trong những nguyên nhân có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Qua đánh giá cho thấy, các chương trình giảm nghèo triển khai trong thời gian qua chưa toàn diện, nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo đã được ban hành nhưng còn mang tính ngắn hạn, chồng chéo, chưa tạo sự gắn kết chặt chẽ và lồng ghép tập trung vào mục tiêu giảm nghèo. Tiếp theo là nguồn lực cho giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu, bị phân tán và dàn trải, các chính sách chương trình giảm nghèo có rất nhiều, nhưng không tập trung, phân tán và chia cắt do đó không tập trung được nguồn lực để đầu tư có hiệu quả trong việc giảm nghèo. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào cộng đồng vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương. Sự phân cấp, sự tham gia của người dân mặc dù đã đạt một số tiến bộ nhưng chưa thực sự xuất phát được nhu cầu của người dân và của cơ sở.

Trong giai đoạn tới, Chính phủ chỉ đạo, cần hệ thống lại toàn bộ các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo bảo đảm sự thống nhất, các chính sách phải hướng vào đối tượng thụ hưởng là người nghèo, các hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo dân tộc thiểu số. Vì vậy, theo tôi cần phải có Nghị quyết về định hướng giảm nghèo trên cơ sở sắp xếp, hệ thống lại, rà soát lại các chính sách, theo hướng các chính sách mang tính chất thường xuyên do các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm thực hiện. Chương trình giảm nghèo giai đoạn tới chỉ bao gồm các dự án tác động trực tiếp các đối tượng ở những địa bàn khó khăn nhất, để nguồn lực đầu tư được tập trung, chống sự dàn trải phân tán trong thời gian vừa qua.

- Xin Ông cho biết cụ thể về sự bất cập trong việc tổ chức thực hiện có sự chồng chéo?

PCT Ngô Trường Thi: Trong tổ chức thực hiện, chính sách của chúng ta thì có rất nhiều, cùng có một đối tượng có nhiều chính sách tác động đến. Ví dụ vấn đề nước sạch, đã có Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, nhưng trong Chương trình 135 cũng có chương trình nước sạch, hay một dự án khác đều có. Như vậy, đã thể hiện sự chồng chéo và chia cắt, không bảo đảm hệ thống và theo một tiêu chuẩn địnhh mức nào cả. Hướng tới, Cục sẽ đề xuất tất cả những nội dung nay chúng ta nên hệ thống lại, bảo đảm những tiêu chí rất cụ thể, ví dụ như bảo đảm đạt được tiêu chí nông thôn mới. Hay chính sách về giáo dục y tế, đề xuất giao lại cho các bộ ngành chịu trách nhiệm, các bộ ngành đề xuất để bảo đảm mang tính chất hệ thống.

- Vậy vai trò giám sát của người dân trong các dự án như thế nào, thưa Ông?

PCT Ngô Trường Thi: Để đạt được mục tiêu giảm nghèo hiệu quả, người dân thực sự phải là chủ thể, người dân được tham gia trong việc xây dựng kế hoạch, cũng như trong quá trình thực hiện và giám sát vấn đề tương đối sát. Hiện nay, Cục Bảo trợ xã hội đang chỉ đạo thực hiện tổng điều tra các hộ nghèo trên phạm vi cả nước. Qua đó, trong đợt kiểm tra tại một số tỉnh cho thấy, người dân thực sự làm chủ, bảo đảm tính dân chủ và công bằng trong việc xác định đối tượng. Trong việc thực hiện chính sách, chúng ta phải phân loại các đối tượng nghèo, có những giải pháp cụ thể. Trong giai đoạn này, Cục đang thiết kế chính sách hỗ trợ mang tính chất có điều kiện để giảm sự ỷ lại của người dân vào chính sách. Ngoài những chính sách thường xuyên mang tính chất an sinh xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở… các chính sách khác phải bảo đảm khuyến khích để người nghèo tham gia, tạo điều kiện thu nhập việc làm, để thoát nghèo bền vững. Quá trình thực hiện chương trình có đạt hiệu quả hay không thể hiện sự tham gia thực sự của người dân, cũng như sự giám sát của người dân trong quá trình thực hiện.

- Xin cám ơn Phó cục trưởng!

Vi Hoa thực hiện