Chính sách và cuộc sống

Giảm giờ làm việc bình thường

- Thứ Hai, 28/10/2019, 07:55 - Chia sẻ
“Tôi xin phép được chuyển đến QH câu hỏi của công nhân lao động tại tỉnh Bình Dương: “Chúng tôi không có thời gian, kiến thức để nghiên cứu lý do, chúng tôi chỉ không hiểu vì sao phải làm việc ngày thứ bảy trong khi các cô giáo thì được nghỉ và con chúng tôi không biết gửi cho ai?” - câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời được ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) chuyển đến QH trong phiên họp toàn thể về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) hôm 23.10.

Quả thực, dù đã dành trọn một ngày thảo luận, tranh luận quyết liệt, nhưng sau phiên họp, một số vấn đề mang tính cốt lõi của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vẫn chưa “ngã ngũ” mà câu chuyện giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động khu vực doanh nghiệp chỉ là một trong số đó.

Đề xuất giảm giờ làm việc bình thường ở khu vực doanh nghiệp cho đến thời điểm này vẫn không phải là đề xuất chính thức của Chính phủ bởi như Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình với QH, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần phải đánh giá một cách rất kỹ lưỡng. Cụ thể là, nếu giảm 48 giờ xuống 44 giờ thì tổng thời gian giảm là 208 giờ; tổng chi phí lao động sẽ phải tăng lên 17%; tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Và điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5% trong khi chúng ta đang phải nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.

Dù vậy, có lẽ đã đến lúc cần xem xét thấu đáo vấn đề này.

Kể từ năm 1999, nước ta đã thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ đối với khu vực nhà nước dù rằng, chế độ này trên thực tế cũng đã chậm hơn so với nhiều nước đến gần nửa thế kỷ. Nhưng người lao động tại khu vực ngoài nhà nước vẫn phải làm tới 48 giờ mỗi tuần.

Trong 20 năm qua, quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và người lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. “Các phép so sánh đều khập khiễng và không có sự công bằng nào là tuyệt đối. Tuy nhiên trong đạo luật lớn như thế này, đừng để những điều không công bằng xảy ra. Đó là, những người làm hành chính, cán bộ, công chức, viên chức được gọi là “công nhân cổ cồn” thì làm việc 40 giờ/tuần. Trong khi đó, những người lao động trực tiếp “chân lấm tay bùn, một nắng hai sương” thì vẫn phải làm tới 48 giờ/tuần”, ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nói. Còn theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân thì, ở các nước không có Luật Lao động nào lại tách riêng công chức làm ít giờ, công nhân làm nhiều giờ mà chỉ quy định giờ chung cho đất nước. Như vậy để thấy rằng, giảm giờ làm việc bình thường ở khu vực doanh nghiệp không chỉ bảo đảm cho người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, cân bằng giữa công việc và gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bảo đảm sự bình đẳng giữa khu vực doanh nghiệp và khu vực nhà nước.

Thực tế tại Bình Dương hiện đã có khoảng 50 doanh nghiệp đang áp dụng thời giờ làm việc trong tuần không quá 44 giờ và các doanh nghiệp này đang có xu hướng tiếp tục giảm.“Tôi đã trực tiếp khảo sát tại các doanh nghiệp này cho thấy, mặc dù doanh nghiệp đã áp dụng thời giờ làm việc từ 42 - 44 giờ một tuần nhưng năng suất lao động không giảm, tiền lương của người lao động cũng không giảm và doanh nghiệp cũng không phải tuyển thêm lao động mới. Trong số những doanh nghiệp này có không ít các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Các doanh nghiệp này cho rằng giảm thời gian làm việc không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người lao động mà còn tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề. Người lao động yên tâm gắn bó và nỗ lực hơn trong công việc. Doanh nghiệp sẽ thúc đẩy các giải pháp để cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất lao động”, ĐB Trương Thị Bích Hạnh khẳng định.

Điều băn khoăn lớn nhất đối với quy định giảm thời giờ làm việc trong tuần chính là ảnh hưởng đến năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như đất nước. Nhưng cũng cần nói cho rõ, nhận thức cho đúng rằng, trong xu thế phát triển của thế giới, yếu tố tác động nhiều nhất đến năng suất lao động là máy móc, công nghệ, năng lực quản trị của doanh nghiệp và năng lực quản trị quốc gia với thể chế minh bạch, có khả năng khai phóng mọi tiềm lực trong xã hội.
Có thể, ngay trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này chưa thể có quy định chính thức, cụ thể về giảm giờ làm việc bình thường của khu vực ngoài nhà nước nhưng đã đến lúc cần có quy định mang tính nguyên tắc, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình hợp lý để giảm thời giờ làm việc bình thường của khu vực này. Tăng trưởng kinh tế vô vùng quan trọng. Nhưng xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo xây dựng giai cấp công nhân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội mới là bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai.

Lam Anh