Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp:

Giám định viên phải có đủ kinh nghiệm và cọ xát thực tế thường xuyên

- Thứ Năm, 21/05/2020, 17:49 - Chia sẻ
Chiều 21.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã họp trực tuyến nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trình bày dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo Luật gồm 8 chương và 79 Điều, giảm 1 điều, bãi bỏ 8 Điều, bổ sung mới 9 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 Điều của Luật hiện hành. Dự thảo Luật được sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế. Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây. Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.


Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
Ảnh: Quang Khánh

Về cơ bản, dự thảo Luật không mở rộng phạm vi điều chỉnh; tuy nhiên, dự án Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Dự thảo Luật có những sửa đổi, bổ sung cơ bản, đó là nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về minh bạch quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Làm rõ việc bổ sung có làm phát sinh bộ máy đơn vị sự nghiệp công

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; về đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Định hướng phát triển hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam gia nhập thị trường lao động có xu hướng giảm. Đổi mới việc dạy nghề, đào tạo nghề có định hướng, tạo nguồn lao động, hướng đến các thị trường, ngành nghề có mức lương cao, ổn định, an toàn; nâng cao hình ảnh người lao động Việt Nam.


Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
Ảnh: Quang Khánh

Về đối tượng áp dụng, Dự án Luật đã bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (Điều 5). Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị làm rõ, việc bổ sung này có phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công, giảm các đơn vị sự nghiệp và có làm phát sinh bộ máy đơn vị sự nghiệp công sử dụng vốn ngoài ngân sách? Bên cạnh đó, đơn vị sự nghiệp chỉ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận quốc tế đã được địa phương ký kết, việc đưa người lao động đi làm việc tại các địa phương tiếp nhận và việc bảo vệ quyền lợi của họ được quy định như thế nào trong dự thảo Luật? Ngoài ra, việc bảo vệ quyền lợi người lao động trong trường hợp đơn vị sự nghiệp bị giải thể hoặc không còn chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng? 

Về chính sách đối với người lao động sau khi về nước (khoản 6 Điều 4 và Điều 61, Điều 62, Điều 63), Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng, các quy định này cần phải đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, làm rõ trách nhiệm, tính khả thi về quản lý, nhân lực, khả năng của ngân sách nhà nước trung ương và địa phương. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cụ thể các chính sách này theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, người lao động theo nhóm nội dung, đó là theo dõi, nắm bắt để quản lý tốt người lao động sau khi về nước; Cơ chế, chính sách hỗ trợ tái hòa nhập; Hỗ trợ thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; Khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phục vụ hiệu quả việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, đa số ý kiến ĐBQH tán thành về phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật. Theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc, nhằm phục vụ hiệu quả việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng. Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi để phân định thẩm quyền giám định pháp y tử thi giữa ngành y tế và ngành công an. Mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực có nhu cầu lớn như: giám định ADN, giám định tài liệu, giám định số khung, số máy xe cơ giới… Có ý kiến đề nghị mở rộng hơn quyền yêu cầu trực tiếp giám định tư pháp để tăng khả năng cho đương sự trong việc thu thập chứng cứ. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp thì vướng mắc chủ yếu hiện nay trong công tác giám định tư pháp (GĐTP) là hoạt động GĐTP theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông - vận tải, tài nguyên và môi trường... Tại một số địa phương có vướng mắc trong việc thực hiện giám định pháp y tử thi giữa ngành y tế và ngành công an. Nguyên nhân do phối hợp chưa tốt giữa cơ quan điều tra, Trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh. Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội về việc chỉ đạo, điều tiết để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Ảnh: Quang Khánh

Đối với việc xã hội hóa hoạt động GĐTP, hiện nay Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đang được tổng kết để nghiên cứu sửa đổi toàn diện, nên nội dung này sẽ được xem xét sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Về ý kiến đề nghị mở rộng quyền trực tiếp yêu cầu GĐTP, Khoản 1, Điều 22, Luật Giám định tư pháp hiện hành và các luật về tố tụng đã quy định đầy đủ quyền của đương sự trong việc yêu cầu giám định. Quy trình, thủ tục yêu cầu giám định đã được quy định cụ thể trong pháp luật tố tụng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, giữ phạm vi sửa đổi như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm” trước cụm từ “khởi tố” tại Khoản 1, Điều 2 để mở rộng phạm vi GĐTP từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật đã bổ sung quy định GĐTP đối với hoạt động “khởi tố”. Theo quy định tại Chương IX của Bộ luật Tố tụng hình sự, thì giai đoạn “khởi tố” đã bao gồm cả việc “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm”. Quy định như dự thảo Luật đã bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền trưng cầu GĐTP ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nên không cần thiết phải bổ sung thêm cụm từ này vào dự thảo.

Về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp (Điều 15), có ý kiến cho rằng, Điều 15 dự thảo Luật quy định điều kiện về thời gian 3 năm làm giám định viên để thành lập Văn phòng GĐTP là chưa phù hợp, cần giữ quy định 5 năm như hiện hành; ngoài điều kiện về thời gian làm giám định viên, cần bổ sung điều kiện về hoạt động giám GĐTP thường xuyên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định người đăng ký thành lập văn phòng GĐTP phải có thời gian làm giám định viên ít nhất 3 năm đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên, ngoài thời gian, yêu cầu người đó phải hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực GĐTP như ý kiến của ĐBQH là xác đáng. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Khoản 1, Điều 15 dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, bổ sung quy định về điều kiện nêu trên và giữ quy định về thời gian (3 năm) như dự thảo Luật. Theo đó, Khoản a, Điều 15 quy định điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp: “có từ đủ 3 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng.”

Theo ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng), quy định thành lập văn phòng giám định tư pháp nhằm thúc đẩy các đơn vị giám định tư pháp ngoài công lập và đáp ứng yêu cầu xã hội hóa giám định tư pháp theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ĐB Lã Thanh Tân cho rằng, việc xã hội hóa cần hướng đến bảo đảm chất lượng của hoạt động giám định tư pháp bởi kết luận giám định tư pháp đòi hỏi tính chính xác cao và có giá trị phục vụ trực tiếp trong hoạt động điều tra, truy tố, xet xử, thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự vụ án hành chính của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do vậy, yêu cầu đặt ra phải bảo đảm giám định viên đề nghị thành lập văn phòng giám định tư pháp phải có đủ kinh nghiệm và cọ xát thực tế thường xuyên, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trong giám định tư pháp. ĐB Lã Thanh Tân đề nghị, cần sửa “có từ đủ 3 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động thường xuyên giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng.”

Trung Thành