Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Giảm cách biệt về tuổi nghỉ hưu

- Thứ Bảy, 12/10/2019, 08:19 - Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với thực tiễn của quốc gia và xu thế toàn cầu. Trong đó, tăng tuổi nghỉ sẽ góp phần tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ, giúp cho nữ giới bình đẳng hơn trong lựa chọn việc làm; nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Trao cho phụ nữ quyền tự quyết

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Bộ luật Lao động năm 2012 có nhiều điều khoản hỗ trợ bình đẳng giới, nhưng khoảng cách giới vẫn còn tồn tại ở nhiều khía cạnh trên thị trường lao động. Do đó, việc sửa đổi một số điều trong Bộ luật Lao động, trong đó có nội dung về tăng tuổi nghỉ hưu cũng trao cho phụ nữ quyền tự quyết lớn hơn đối với quãng đời làm việc của họ; tạo môi trường bình đẳng giữa nam và nữ trong quãng đời làm việc cũng như vai trò làm cha mẹ và thành viên gia đình; thúc đẩy bình đẳng giới trên thị trường lao động. 

Đánh giá về bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Trường Giang cho biết, khoảng cách về tuổi nghỉ hưu thu hẹp dần trong một thập kỷ qua. Theo báo cáo an sinh xã hội thế giới của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) giai đoạn từ năm 2017 - 2019 cho thấy, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng chiếm 68,4%, những nước có mức chênh lệch tuổi nghỉ hưu 5 tuổi giữa nam và nữ ngày càng giảm. Khoảng cách giới về lương hưu năm 2017 cho thấy lương hưu của nữ chỉ bằng 84% nam giới, thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam khoảng 15%. Người cao tuổi có nhu cầu làm việc sau khi nghỉ hưu ngày càng tăng, có 60% lao động ở độ tuổi từ 60 - 69 tuổi vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu.

Lấy dẫn chứng kết quả điều tra về mức sống hộ gia đình Việt Nam mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, phụ nữ trong độ tuổi 50 - 59 không hề yếu hơn nam giới cùng tuổi, do đó, cần bình đẳng tuổi hưu giữa lao động nam và nữ, vì phụ nữ có khả năng làm việc tương đương nam giới. Nếu lao động nữ nghỉ hưu sớm quá sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, giảm cơ hội việc làm và thăng tiến của họ.

Theo Phó Giám đốc Học viện Tư pháp TS. Nguyễn Xuân Thu, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia có quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ khác nhau, mà lại là sự khác biệt khá lớn (5 tuổi). Quy định này đã trở nên lạc hậu so với xu hướng phát triển chung. Do vậy, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ở nước ta là thực sự cần thiết.


Lắng nghe ý kiến, kiến nghị của lao động nữ về tăng tuổi nghỉ hưu Nguồn: ITN

 Năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã có nghiên cứu về “Tương lai việc làm Việt Nam - Dưới góc nhìn giới”. Theo đó, trong 100 quốc gia trên thế giới được nghiên cứu thì Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao hơn hầu hết các nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ ở Việt Nam chiếm khoảng 76%. 

Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng

“Việc tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tiệm cận bằng tuổi nghỉ hưu của nam sẽ thực hiện tốt hơn nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội nói chung và chế độ bảo hiểm hưu trí nói riêng” - TS. Nguyễn Xuân Thu khẳng định.

Chủ tịch mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ thúc đẩy quyền năng phụ nữ Hà Thu Thanh cho rằng, bình đẳng giới mà doanh nghiệp hướng đến rất đơn giản. Đó là bình đẳng trong cơ hội việc làm, học tập, thăng tiến, phát triển. Cái gốc của bình đẳng giới đó là tuổi lao động nam và nữ bằng nhau. Khi phụ nữ có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nhiều hơn, sức khỏe được cải thiện và tuổi thọ tăng sẽ có cơ hội làm việc tại doanh nghiệp nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa, họ có cơ hội bằng nhau về cống hiến, phát triển, thăng tiến… Bình đẳng giới trong tuổi làm việc và cơ hội thăng tiến sẽ giúp người lao động phát triển, từ đó tạo ra giá trị cho doanh nghiệp cũng như giữ được người lao động giỏi.

Tuy nhiên, khái niệm bình đẳng cũng khó định lượng, đôi khi bằng nhau là bình đẳng nhưng có thể thấp hơn cũng là bình đẳng. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố về tâm lý, sức khỏe con người, sự phát triển, nhận thức của xã hội.

Bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chậm thì đối tượng bị ảnh hưởng bất lợi nhất là phụ nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu gấp và mức điều chỉnh cao gây nên tình trạng trì trệ, khủng hoảng việc làm. Việc tăng “sốc” sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề khủng hoảng đối với thị trường lao động và toàn bộ nền kinh tế. Do đó, vấn đề quan trọng là phải tạo cơ hội cho phụ nữ có quyền lựa chọn.

Khảo sát mới đây của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên 1 triệu lao động tại các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng tuổi nghỉ hưu cho thấy, có 49,3% lao động được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng, 50,7% còn lại không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu vì cho rằng người lao động cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn.

Dương Cầm