Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV

Giảm bớt khó khăn cho nông dân

- Thứ Hai, 25/05/2020, 12:49 - Chia sẻ
Khẳng định cần thiết ban hành Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng và thể hiện tính nhân văn của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp, góp phần giảm bớt khó khăn cho nông dân.

 Cũng trong phiên làm việc sáng nay, 25.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm

Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; góp phần khuyến khích kinh tế trang trại; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tiếp tục góp phần hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với nội dung: Kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/NQ12 ngày 24.11.2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và Nghị quyết số 28/2016/NQ14 ngày 11.11.2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 đến hết ngày 31.12.2025.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Ảnh: Quang Khánh

Việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (từ 1.1.2021 đến hết 31.12.2025) là phù hợp vì đây chỉ là thực hiện miễn thuế cho thời gian nhất định. Đối với giai đoạn từ 2026 trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và bảo đảm tính khả thi.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát lại các chính sách, các đối tượng để thực hiện mục tiêu miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tránh sử dụng đất lãng phí, để đất đai hoang hóa.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

Quản lý đất nông nghiệp phải chặt chẽ đến từng thửa ruộng

Khẳng định cần thiết ban hành Nghị quyết này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng và tính nhân văn của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp, góp phần giảm bớt khó khăn cho nông dân. Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp có tác động tích cực tới cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường cạnh tranh sản phẩm của nông nghiệp nước ta với sản phẩm nông nghiệp ở các nước trong khu vực trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, biến đổi khí hậu bất thường, gây bất lợi cho nông dân, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước. Thực tế hiện nay, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân, lại khó tiếp cận chính sách các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, cho nên đối với hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp cũng cần có chính sách ưu đãi, miễn thuế đất nông nghiệp cho giai đoạn tiếp theo...


Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa chỉ ra, việc giảm thuế nông nghiệp cũng tác động phần nào cho hụt thu ngân sách, mỗi năm hụt thu khoảng 7.500 tỷ đồng, nhưng đây cũng là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặt khác miễn giảm thuế nông nghiệp cũng tác động tiêu cực cho một bộ phận nông dân thiếu tích cực trong sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất nông nghiệp được nhà nước giao thiếu hiệu quả, có tình trạng đất hoang hóa chưa được thu hồi, có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận tiền đền bù, bỏ hoang không sản xuất. Do vậy, ĐB Phạm Văn Hòa lưu ý, công tác quản lý đất nông nghiệp phải chặt chẽ đến từng thửa ruộng, lập sổ sách theo dõi hàng năm…
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Hoàng Ngọc