Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác:

Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 18:10 - Chia sẻ
Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Đây là quy định trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Áp dụng cho doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng

Trên thế giới, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống KT - XH còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết hậu quả. Vì vậy, để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh, góp phần vào mục tiêu phát triển KT -XH, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác và giao Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng
 Quốc hội quyết nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng

Để có được chính sách giảm thuế này, Quốc hội, Chính phủ cũng đã cân nhắc, bàn “nát nước nát cái”. So với phương án ban đầu được Chính phủ trình Quốc hội, thì nội dung Nghị quyết được Quốc hội thông qua đã mở rộng đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp, theo đó các doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 200 tỉ trong năm 2020 đều được giảm 30% thuế TNDN. Đặc biệt, nghị quyết không còn khống chế số lao động dưới 100 người như phương án cũ.

Đây là một quyết định lớn của Quốc hội trong bối cảnh số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Tôi cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là ý kiến của các vị ĐBQH quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đánh giá về chính sách này, ĐBQH Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, với Nghị quyết được Quốc hội thông qua, số lượng doanh nghiệp được hưởng chính sách này sẽ tăng lên đáng kể. Số tiền mà doanh nghiệp được thực hưởng cũng tăng lên nhiều so với phương án trước đó do nghị quyết tăng gấp 4 lần tổng doanh thu của một doanh nghiệp được hưởng chính sách so với phương án ban đầu. Việc bỏ giới hạn 100 lao động sẽ giúp các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ nhưng sử dụng nhiều lao động được hưởng chính sách này.

Bộ Tài chính cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp và các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, việc ban hành Nghị định triển khai chính sách giảm thuế này là cần thiết.

Theo quy định Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết quy định “Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng”. Trên cơ sở nghị quyết này, dự thảo Nghị định quy định chi tiết các nội dung sau:

Một là, về thu nhập được giảm thuế: Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế theo quy định tại khoản này là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong năm của doanh nghiệp.

Theo quy định nêu trên thì việc giảm 30% thuế TNDN áp dụng đối với toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện giảm thuế quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết, không loại trừ các khoản thu nhập không được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN như: thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản, thu nhập từ kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi vì, việc giảm thuế TNDN chỉ áp dụng cho thu nhập phát sinh trong năm 2020 của các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng, là đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế cần được hỗ trợ theo đúng quy định của Nghị quyết.

Hai là, xác định tổng doanh thu của doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2020 để được giảm thuế TNDN: Nghị quyết quy định doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thuộc diện giảm thuế TNDN, được hiểu là tổng doanh thu của cả năm 2020 (đủ 12 tháng); do đó trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2020 (kỳ tính thuế năm 2020 không đủ 12 tháng) thì cần quy định phân bổ doanh thu theo thời gian thực tế doanh nghiệp hoạt động trong năm 2020.

Vì vậy, tại điểm a khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị định quy định: Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2020 không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2020 được xác định bằng doanh thu thực tế của năm 2020 chia cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động trong năm 2020 sau đó nhân với 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp thành lập mới trong tháng thì tháng thành lập được tính đủ tháng”.

Dự kiến giảm thu NSNN khoảng 23.000 tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, khi trình Quốc hội Nghị quyết về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác thì thực hiện giải pháp giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) của năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng.

Trong tháng 1/2020, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 22 nghìn tỷ đồng, bằng 6,5% dự toán, giảm 34,8% so cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Dự kiến, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, sẽ giảm thu NSNN của năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng. Ảnh: minh họa

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Tài chính, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nêu trên vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho NSNN trong thời gian tiếp theo.

Giải pháp nhằm khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế. Cùng với đó, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.

Hà An