Giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân

Giải trình việc nổi cộm

- Chủ Nhật, 10/11/2019, 08:23 - Chia sẻ
Để giải quyết hiệu quả các vấn đề bức xúc của nhân dân, Thường trực HĐND các cấp nên lựa chọn một số vụ việc bức xúc nổi cộm, ảnh hưởng đến nhiều người hoặc những vụ việc dây dưa, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân để tổ chức phiên giải trình. Đây là một giải pháp hay, có sức lan tỏa và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức giám sát chuyên đề việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Gợi mở để tìm “nút thắt” giải quyết

Thông thường, bức xúc của nhân dân được gửi đến HĐND thông qua nhiều kênh khác nhau. Thông tin chuyển đến cũng có nhiều dạng, liên quan đến một hoặc nhiều người, có nhiều nội dung chưa được cụ thể, kiểm chứng... Vì vậy, để nắm rõ, nắm chắc ngọn nguồn những bức xúc đó, Thường trực HĐND phải khảo sát thực tế (hoặc phân công các Ban của HĐND phụ trách), gặp gỡ những người liên quan và chính quyền địa phương nơi có bức xúc để tìm hiểu, trao đổi; nắm rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tham khảo phương án, giải pháp để giải quyết vấn đề.

Khi phân loại kiến nghị, những vấn đề bức xúc có thể giải quyết ngay được nhưng do yếu tố chủ quan của cơ quan quản lý hoặc một vài nguyên nhân nhỏ thì có thể trực tiếp trao đổi, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết. Đối với những vấn đề phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, liên quan đến nhiều chính sách, pháp luật và việc vận dụng trong thực tiễn cũng không giống nhau, để có cơ sở làm việc với UBND và các cơ quan chuyên môn, Thường trực HĐND cần lựa chọn những vấn đề nổi cộm, phức tạp phân công các Ban của HĐND nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết cụ thể.

Trên cơ sở thông tin nắm được từ cơ sở, kết quả thẩm tra và đề xuất của các Ban, Thường trực HĐND cần tổ chức làm việc trước để lắng nghe ý kiến của các cơ quan chuyên môn. Đối với các vấn đề có phạm vi nhỏ, liên quan trực tiếp đến thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn, Thường trực HĐND đề nghị các cơ quan tiến hành giải quyết. Yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và thời gian báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực HĐND để theo dõi. Những vấn đề phức tạp và thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thì đề nghị các cơ quan chuyên môn liên quan báo cáo kết quả tham mưu giải quyết, đề xuất giải pháp thực hiện.

Thực tế cho thấy, thường thì các cơ quan chuyên môn ngại đưa ra những giải pháp cụ thể vì sợ đụng chạm, hoặc không dám đề xuất vì chưa có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND. Vì vậy, tại buổi làm việc này, Thường trực HĐND cần gợi mở, tạo không khí thoải mái để lãnh đạo các cơ quan chuyên môn trao đổi thẳng thắn, từ đó tìm ra được “nút thắt” để giải quyết vấn đề.

Trên cơ sở kết quả làm việc với các cơ quan chuyên môn liên quan, báo cáo của các Ban HĐND, Thường trực HĐND hội ý thống nhất lựa chọn vấn đề bức xúc của nhân dân để chuẩn bị nội dung tổ chức phiên họp của Thường trực. Tại phiên họp này, Thường trực HĐND nêu những vấn đề bức xúc; trao đổi thẳng thắn, đề nghị UBMTTQ cùng cấp tham gia ý kiến. Từ đó, kiến nghị UBND và cơ quan chuyên môn có thẩm quyền giải quyết, ấn định thời gian báo cáo kết quả giải quyết.


Cử tri phường B’Lao, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng nêu ý kiến, kiến nghị tại một buổi tiếp xúc cử tri

Giải pháp có sức lan tỏa

Kinh nghiệm cho thấy, một số bức xúc của nhân dân mặc dù đã được  HĐND, Thường trực HĐND kiến nghị nhiều lần nhưng kết quả giải quyết chưa dứt điểm, nhiều bức xúc còn để dây dưa, kéo dài; các cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa làm hết trách nhiệm của mình. Vì vậy, Thường trực HĐND các cấp nên lựa chọn một số vụ việc bức xúc nổi cộm, ảnh hưởng đến nhiều người hoặc những vụ việc dây dưa, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân để tổ chức phiên giải trình. Theo đó, cần xây dựng kế hoạch tổ chức nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian và thành phần tham dự. Kết thúc phải thông qua Kết luận về vấn đề giải trình gửi đến đại biểu HĐND, người được yêu cầu giải trình và cơ quan, tổ chức liên quan.

Ở một số địa phương đã tổ chức phiên giải trình, có thông báo rộng rãi cho nhân dân biết và đăng tải trực tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, phiên giải trình đã có tác động rất lớn đến kết quả giải quyết những bức xúc của nhân dân. Thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho rằng đây là một giải pháp hay, có sức lan tỏa và hiệu quả. Vì vậy thời gian tới, HĐND các cấp cần tổ chức các phiên giải trình để giải quyết những bức xúc của nhân dân. Tuy nhiên, đây là công việc mới, khó. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh cần hướng dẫn cụ thể cách tổ chức để HĐND cấp huyện vận dụng thực hiện hiệu quả.

Yêu cầu lộ trình và giám sát việc giải quyết

Một giải pháp nữa mà trong những năm qua Thường trực HĐND thành phố Bảo Lộc cũng thường xuyên thực hiện đó là tổ chức giám sát chuyên đề việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Phương pháp giám sát là đi vào từng nội dung cụ thể, không bỏ sót nội dung nào. Đối chiếu từng kiến nghị và việc tiếp thu, giải trình của UBND tại kỳ họp trước, các báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp trước đó và lời hứa của UBND, các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện các phiên chất vấn tại các kỳ họp để rà soát, đối chiếu.

Quá trình giám sát, phải phân loại được những kiến nghị nào đã giải quyết đạt kết quả tốt, kiến nghị nào đã giải quyết nhưng chưa thỏa đáng, người dân tiếp tục kiến nghị; kiến nghị nào đang giải quyết; kiến nghị nào chưa giải quyết; kiến nghị nào đã, đang giải quyết nhưng chưa phù hợp với quy định và thực tiễn... và được lượng hóa bằng số liệu cụ thể, rõ ràng, quy đổi thành tỷ lệ phần trăm để các đại biểu đánh giá kết quả giải quyết. Đánh giá rõ ưu, khuyết điểm và nguyên nhân; quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân. Từ đó, báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp thường lệ của HĐND, yêu cầu UBND và các cơ quan chuyên môn giải trình. Trên cơ sở đó, yêu cầu UBND và các cơ quan chuyên môn đưa ra lộ trình và giám sát việc giải quyết, báo cáo HĐND tại kỳ họp tiếp theo.

LÊ HOÀN