Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Lai Châu Khóa XIV

Giải quyết kịp thời bức xúc trong dân

- Chủ Nhật, 28/07/2019, 08:29 - Chia sẻ
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp xoay quanh tình trạng tranh mua, tranh bán tại các vùng chè nguyên liệu; bất cập trong chính sách hỗ trợ trồng cây mắc ca; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN - PTNT, chính quyền các cấp sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần giải quyết kịp thời, thỏa đáng những bức xúc trong nhân dân.

Sẽ sửa đổi cơ chế quản lý vùng nguyên liệu chè

Trước chất vấn của đại biểu đề nghị làm rõ lý do và trách nhiệm, giải pháp khi diện tích hỗ trợ trồng cây mắc ca toàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 30% so với chỉ tiêu ban đầu, Giám đốc Sở NN - PTNT lý giải: Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển cây mắc ca đã được tỉnh Lai Châu ra nghị quyết với mục tiêu đến năm 2021 sẽ có 3.600ha. Trong đó, diện tích trồng xen cây chè là 1.000ha; trồng thuần và trồng xen thay thế cây sả là 2.600ha, doanh nghiệp được giao khoảng 1.600ha; hộ gia đình, cá nhân khoảng 1.000ha. Tuy nhiên, quá trình tổng hợp, thẩm định và tham mưu, các cấp chưa bám sát với chủ trương đã được tỉnh thông qua, dẫn tới Sở ra văn bản khuyến cáo các huyện, thành phố trước mắt tạm hỗ trợ 300ha. Đối với diện tích 865ha vượt sẽ chờ nếu được sự thống nhất của HĐND và UBND tỉnh thì sẽ được giải quyết. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng cho biết: Có thể lấy chỉ tiêu trong số 1.600ha chưa giao doanh nghiệp để bù sang phần vượt của các hộ dân, cá nhân.

Với lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, tỉnh Lai Châu xác định chè là cây chủ lực nên đã đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, nâng diện tích đến nay lên gần 7.000ha chè, phân bổ ở 6/8 huyện, thành phố. Các vùng chè được quy hoạch tập trung, chất lượng cao đã và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có trên 10 doanh nghiệp, HTX, cơ sở thu mua, chế biến chè nhưng đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán chè búp tươi nguyên liệu, dẫn tới liên kết giữa người dân và doanh nghiệp khúc mắc, chính quyền địa phương lúng túng trong xử lý. Sự việc “nóng” lên khi 8 doanh nghiệp đồng loạt ký đơn tập thể đề nghị các cấp chính quyền trong tỉnh can thiệp; một doanh nghiệp xuất khẩu vừa bị trả lại 38 tấn chè thành phẩm do dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép.

Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Văn Um cho rằng nguyên nhân chính do một số doanh nghiệp chế biến chè mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng chưa được chấp thuận chủ chương đầu tư, chưa được phân vùng nguyên liệu, không phải bỏ chi phí đầu tư cũng như hỗ trợ người dân nhưng đã tiến hành thu mua chè với giá mua cao hơn, gây bức xúc cho các doanh nghiệp được cấp phép, đã đầu tư cho dân. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã được phân vùng nguyên liệu nhưng lại chưa ký kết hợp đồng với toàn bộ các hộ trong vùng nguyên liệu của mình nên các hộ chưa ký hợp đồng có quyền bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp khác. Tỉnh lại chưa có chính sách nên thiếu sự ràng buộc giữa doanh nghiệp và người dân, dẫn đến dễ phá vỡ hợp đồng. Mặt khác, một số hộ gia đình đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên các doanh nghiệp không mua. Có thời điểm do doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn nên chưa kịp thời trả kinh phí cho các hộ, dẫn đến hợp đồng của người dân trồng chè và công ty, doanh nghiệp thu mua thiếu bền vững, dễ bị các doanh nghiệp khác thuyết phục phá vỡ hợp đồng.

Theo “tư lệnh” ngành nông nghiệp, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền cấp huyện, xã trong tuyên truyền, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân. Các cơ quan chức năng chưa kịp thời tham mưu ban hành chính sách liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, thời gian tới, Sở sẽ cùng các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu đề xuất giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp; đồng thời, đề xuất UBND tỉnh xem xét sửa đổi cơ chế quản lý vùng nguyên liệu cho phù hợp với điều kiện thực tế.


Đại biểu huyện Tam Đường chất vấn

Gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép

Thừa nhận tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn đang xảy ra tràn lan trên địa bàn như chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính cho biết: UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo về việc quản lý, kiểm tra, xử lý, giải tỏa dứt điểm những điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tỉnh đã nhận được báo cáo của huyện Mường Tè về việc huyện đã kiểm tra, giải toả các điểm khai thác vàng trái phép; của huyện Nậm Nhùn báo cáo đã giải toả dứt điểm tình trạng khai thác vàng, cát sỏi trái phép, xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm, các đối tượng đã di chuyển máy móc, thiết bị, con người ra khỏi địa bàn; huyện Phong Thổ báo cáo đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, giải tỏa dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, tuy nhiên vẫn còn điểm “nóng” Nậm Xe đang quyết liệt giải quyết; huyện Sìn Hồ báo cáo có xảy ra khai thác cát trái phép tại suối Lùng Cù nhưng đã xử lý và đối tượng ký cam kết không tái phạm.

Hiện tồn tại việc khai thác trái phép đá đen làm vật liệu xây dựng tại huyện Nậm Nhùn, chủ yếu vào ban đêm gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý; UBND huyện đã kiểm tra, giải tỏa, tuyên truyền, giải thích để các hộ dân hiểu, chấp hành và cam kết không tái phạm. Tình trạng khai thác trái phép vàng tại huyện Tam Đường đã xử lý nhiều lần, tuy nhiên do địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn nên các đối tượng vẫn lén lút khai thác trái phép, huyện đã chỉ đạo UBND xã tăng cường quản lý địa bàn.

Trách nhiệm chính để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, theo ông Giàng A Tính thuộc về chính quyền địa phương cấp huyện, xã. Sở TN - MT, UBND tỉnh cũng trách nhiệm một phần trong công tác quản lý nhà nước, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo giải tỏa kịp thời tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời cho biết thêm: Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố, Sở TN - MT, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra, giải tỏa triệt để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, không để tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tỉnh sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu là Chủ tịch UBND các huyện, Giám đốc TN - MT nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Về lâu dài, giao các Sở Xây dựng, Sở Công thương chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các điểm mỏ đủ điều kiện cấp phép hoạt động để đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thuận lợi cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Văn Hoàn yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN - PTNT, chính quyền các cấp sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế góp phần giải quyết kịp thời, thỏa đáng những bức xúc trong nhân dân.

TỪ THỨC