Giải pháp tình thế đến bao giờ?

- Thứ Bảy, 11/07/2020, 05:59 - Chia sẻ
Trong phiên họp đầu tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; và 4 năm sau, sửa đổi, bổ sung Nghị định 79, ban hành Nghị định số 15/2016/NĐ-CP. Hai nghị định này, theo đánh giá của Chính phủ, đã cơ bản tạo lập được hành lang pháp lý, đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo nghệ thuật, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đồng thời củng cố, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 
Dù vậy, sau 7 năm thực hiện, nhiều hạn chế, vướng mắc đã nảy sinh. Trong đó có những vướng mắc gay gắt như việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp quản lý cụ thể đối với từng hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không được ngăn chặn, xử lý. Hay quy định cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác (như xuất, nhập cảnh; lao động; thương mại; thi đua, khen thưởng...) vô hình trung đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để trục lợi. Cùng với đó, các biện pháp quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn chưa phù hợp với thực tiễn, trong khi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động này có xu hướng tăng. Biện pháp quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu còn nhiều bất cập, dẫn đến các tác động tiêu cực từ dư luận trong hoạt động công vụ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...
Để khắc phục những vướng mắc này, tạo khung pháp lý phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước thời gian tới trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn thì việc sửa đổi các quy định hiện hành là tất yếu. Nhưng đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục ban hành một Nghị định - thay vì một pháp lệnh hay một đạo luật - lại gây nhiều băn khoăn, bởi thực chất đây mới chỉ là giải pháp tình thế.
Hoạt động nghệ thuật biểu diễn được xác định là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền hưởng thụ, tiếp cận văn hóa của nhân dân đã được ghi nhận tại Điều 41 và Điều 60 của Hiến pháp năm 2013. Như vậy, về nguyên tắc, các quy định điều chỉnh lĩnh vực này phải được thể chế hóa bằng một pháp lệnh hoặc một đạo luật. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Nghị định ở thời điểm này vẫn là “cần thiết và hợp lý hơn việc xây dựng luật, pháp lệnh”. Lý do là bởi “quan hệ thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng quy định quản lý nhà nước của Chính phủ trong giai đoạn chuyển tiếp để thích nghi với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tạo sự ổn định trong dài hạn để xác định áp dụng những quy định mang tính nguyên tắc của một đạo luật”.
Câu hỏi đặt ra là đến khi nào chúng ta mới có một khung pháp lý đúng tầm để điều chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn?
Cả hai lần xây dựng, ban hành các Nghị định số 79, Nghị định số 15, theo Bộ Tư pháp, Chính phủ đều đã xác định đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng do "chưa đủ điều kiện" để xây dựng thành luật nên có thể áp dụng quy định tại Khoản 4, Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Khoản 3, Điều 19, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 để ban hành Nghị định. Nhưng 7 năm qua, dù thực tiễn đã đặt ra rất nhiều vấn đề nóng bỏng đối với việc bảo đảm thực hiện quyền hưởng thụ, tiếp cận văn hóa của người dân, với công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, yếu kém khiến cho nhiều hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị biến tướng, thậm chí làm suy đồi bản sắc văn hóa của dân tộc... thì lý do để chưa ban hành luật điều chỉnh lĩnh vực này vẫn chỉ là “chưa đủ điều kiện để xây dựng”.

Có lẽ, ngay cả cơ quan “gác cổng” xây dựng pháp luật cho Chính phủ cũng thấy băn khoăn về điều này, nên trong báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định, Bộ Tư pháp đã đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo phải giải trình thấu đáo hơn nữa sự cần thiết ban hành, trong đó chú trọng tới các lý do chưa ban hành luật mà tiếp tục ban hành nghị định. Với dự thảo Nghị định lần này, Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ, quy định nhiều vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh ở tầm luật. 
Vì thế, dù có thể chấp nhận việc tiếp tục ban hành nghị định để điều chỉnh lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn như một giải pháp tình thế nhưng Chính phủ cũng cần đánh giá thực tiễn để sớm xây dựng luật hoặc chí ít là pháp lệnh để điều chỉnh lĩnh vực hết sức quan trọng này. 

Lam Anh