Góc nhìn

Giải pháp tạm thời?

- Thứ Sáu, 20/03/2020, 07:19 - Chia sẻ
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều về tính hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, nhưng trong thời điểm các trường học trên toàn quốc phải dừng hoạt động vì dịch Covid-19, vấn đề dạy và học trực tuyến đã lập tức được nhắc tới như một giải pháp hữu hiệu để phần nào “lấp đầy” khoảng trống về giáo dục mà các em đang trải qua trong dịp này. Hiện đa số địa phương đều đã triển khai phương pháp dạy học này. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu các sở tăng cường dạy học trên internet, truyền hình và thừa nhận kết quả dạy học qua hình thức này.

Thực tế, từ năm bảy năm trước, hình thức này đã bắt đầu được triển khai và hiện ngày càng phát triển theo sự phổ cập của mạng xã hội cũng như hệ thống internet. Nhưng, cũng do những đòi hỏi về công nghệ và sự chuẩn bị của cả 2 phía dạy - học, việc dạy học online cũng chỉ giới hạn trong một số đối tượng nhất định. Nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy học qua các công cụ kết nối chỉ là giải pháp tạm thời vì không đem lại hiệu quả. Dạy học trên lớp, giáo viên tương tác với học sinh, có nhiều phương pháp khen thưởng, chấm điểm, khuyến khích thậm chí kèm cặp, xử phạt… Còn dạy học trực tuyến, giáo viên chỉ nói một chiều, phụ thuộc ý thức và sự tự giác, tập trung cao độ, nỗ lực rất nhiều từ phía người học. Đặc biệt, hình thức này không thể đáp ứng nhu cầu của mọi học sinh với học lực khác nhau, không kiểm soát được mức độ lĩnh hội kiến thức của các em.

Thực tế áp dụng cho thấy không chỉ trường học, ngay cả giáo viên và học sinh cũng chưa thực sự sẵn sàng. Nhiều giáo viên loay hoay không biết nên dùng hình thức kiểm tra nào để đánh giá chính xác nhất trình độ của học sinh khi học sinh có trình độ khác nhau, trong khi kinh nghiệm và năng lực dạy online chưa hề có. Do vậy, về bản chất, giảng dạy trực tuyến vẫn mang tính chất “chữa cháy” để bồi dưỡng kiến thức cho học sinh trong mùa dịch. Về phía học sinh, nhiều trường cho biết tỷ lệ tham gia các lớp học online chỉ đạt 50% vì nhiều lý do khác nhau, có em về quê “trốn dịch”, có em vì không bắt buộc nên cho rằng bao giờ trở lại trường mới học. Học sinh chưa được đặt nền móng tự học, chưa được hay rất ít được dạy phương pháp học. Thậm chí, nhiều học sinh đòi xóa app học trực tuyến, đánh giá 1 sao để mau sập ứng dụng để... khỏi phải học.

Việc học trực tuyến ở bậc THCS hay THPT mới chỉ được xem là một hình thức bổ trợ, chưa từng được thừa nhận kết quả nên việc dạy và học chưa có sự chuẩn bị đồng bộ, khi triển khai vào thực tế gặp rất nhiều cái khó. Cơ sở vật chất trang bị cho các trường, gia đình, học sinh chưa thể đáp ứng được việc học online như mạng yếu và thiếu, phần mềm dạy học, thiết bị dạy học trực tuyến, đa phần sử dụng laptop, điện thoại quay phim nên tiếng, hình ảnh... chưa đạt chuẩn. Về hình thức dạy học, kết nối nhà trường - giáo viên - học sinh đang làm mỗi nơi một kiểu, tùy khả năng, tùy sở thích, chưa tính đến sự không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục ở nội thành và ngoại thành, chưa có một sự đồng bộ và chỉ đạo chung để đạt được sự an tâm.

Vậy học trực tuyến thế nào cho thực chất, hiệu quả? Quy định bài dạy từ xa như thế nào là đạt yêu cầu? Nếu hình thức dạy học trực tuyến vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay, rất khó đánh giá hiệu quả; giáo viên không quản lý, kiểm soát được học sinh, nhà trường không kiểm soát được chất lượng dạy học. Rõ ràng, với diễn biến dịch bệnh còn kéo dài, ngành giáo dục cần tạo hành lang pháp lý và hướng dẫn cụ thể cho việc dạy học trực tuyến, E-learning, việc công nhận dạy trực tuyến phải đi kèm chuẩn bị kho học liệu, phần mềm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc khắc phục khó khăn, sẵn sàng mổ xẻ, tìm hiểu nguyên nhân và quyết liệt tìm giải pháp cho hình thức dạy học trực tuyến có thể không đáp ứng được tất cả các học sinh, nhưng chắc chắn là hơn không dạy gì cả. Tuy nhiên, không nên đặt cao mục tiêu chất lượng trong đợt dạy trực tuyến này, vì sau này các trường vẫn tổ chức thời gian dạy bù, ôn luyện để bù đắp phần còn thiếu hụt cho học sinh. Mục tiêu chính là để các em ý thức được việc phải cố gắng học tập trong mọi hoàn cảnh. Về lâu dài, việc thừa nhận dạy học trực tuyến sẽ là động lực để các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giúp học sinh có nhiều hình thức học tập hơn.

Chi An