Giải pháp phát triển giáo dục thường xuyên trong giai đoạn mới

- Thứ Năm, 16/07/2020, 19:15 - Chia sẻ
Ngày 16.7, tại Hà Nội, Tiểu ban Giáo dục thường xuyên (GDTX) và học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức Phiên họp chủ đề “Định hướng mục tiêu và giải pháp cho GDTX trong Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phiên họp nhằm lấy ý kiến về Định hướng mục tiêu và giải pháp cho GDTX trong Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Phiên họp nhằm lấy ý kiến về Định hướng mục tiêu và giải pháp cho GDTX trong Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Theo PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ GDTX: Những năm qua, GDTX đã được quan tâm đầu tư và phát triển. Cấu trúc hệ thống GDTX thay đổi theo hướng hoàn chỉnh, đa dạng, mềm dẻo, phù hợp với kinh tế thị trường. Đến nay đã xây dựng được hệ thống mạng lưới tổ chức cơ sở GDTX đa dạng và rộng khắp trên địa bàn cả nước. Xét về tổng thể, sau 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển GDTX giai đoạn 2011 - 2020, hệ thống cơ sở GDTX phục vụ việc học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân ngày càng được kiện toàn, quy mô được duy trì và phát triển. Các cơ sở nòng cốt của GDTX bao gồm trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm ngoại ngữ - tin học ngày càng mở rộng độ bao phủ, phát triển từ 13.609 cơ sở vào năm 2010 - 2011 lên 15.560 cơ sở vào năm 2018 - 2019 (tăng 1951 cơ sở, tương đương hơn 11%), thu hút hơn 177 triệu lượt người tham gia học tập...

Theo PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ GDTX: Trong những năm qua GDTX đã được quan tâm đầu tư và phát triển
Theo PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ GDTX, những năm qua GDTX đã được quan tâm đầu tư và phát triển

GS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban GDTX và học tập suốt đời cho rằng: GDTX vừa qua đã được đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) như một hệ thống. Hệ thống ấy nếu không được tổ chức chặt chẽ, không có chính sách phát triển thì khó lòng phát triển bền vững, lâu dài.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, để chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển GDTX mới, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, cần xem xét, đánh giá một cách khoa học những mặt đạt được và chưa được, những khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược GDTX giai đoạn 2011 - 2020. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong giai đoạn mới phải xem xét GDTX trong bối cảnh giáo dục mở, và chuyển đổi số...

Nhiều đại biểu tập trung làm rõ những thành tựu và khó khăn của GDTX giai đoạn vừa qua, để khắc phục và tìm giải pháp phát triển trong giai đoạn tới
Nhiều chuyên gia tập trung làm rõ những thành tựu và khó khăn của GDTX giai đoạn vừa qua, để khắc phục và tìm giải pháp phát triển trong giai đoạn tới

Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến để chọn lọc đưa vào chiến lược, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, Bộ cũng như Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực đang đánh giá lại việc thực hiện Chiến lược Giáo dục trong 10 năm vừa qua, và xây dựng Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các Tiểu ban của Hội đồng đều tham gia xây dựng dự thảo. Với GDTX, nhiệm vụ được đặt ra là thực hiện xóa mù chữ cho người trong độ tuổi theo quy định pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc; cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho mọi người; tạo cơ hội cho người có nhu cầu học tập nâng cao trình độ học vấn... Để thực hiện được các nhiệm vụ ấy, trong giai đoạn mới, cần tăng cường, có nhận thức mới về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDTX, từ đó xác định chỉ tiêu phấn đấu, mục tiêu nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để phát triển GDTX trong giai đoạn tới...

Ngọc Phương