Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lái xe

- Thứ Bảy, 12/10/2019, 16:05 - Chia sẻ
Kể từ ngày 1.5.2020, các cơ sở đào tạo lái xe phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết và thực hành của các học viên... Theo các chuyên gia, đây là giải pháp tốt để nâng cao chất lượng đào tạo, đưa công tác đào tạo, sát hạch đi vào bài bản, đúng quy chuẩn.

Các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát

Theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, đa phần các trung tâm đào tạo lái xe hiện nay chỉ là khâu trung gian giữa giáo viên và học sinh. Đáng nói, giáo viên lấy danh cơ sở đào tạo rồi tự tìm học viên, tự đào tạo, chỉ khi đến kỳ sát hạch mới đến trung tâm. Trong khi đó, chưa giám sát được thời gian thực hành của học viên, dẫn đến chương trình học bị cắt xén, nhất là học thực hành, học viên học xong có bằng nhưng không dám lái xe ra đường.

Thừa nhận hiện nay chưa giám sát được thời gian học thực hành của học viên trên đường, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Lương Duyên Thống cho rằng, quan trọng nhất là phải quản lý được thời gian học viên lái xe trên đường của học viên. Khi đó, giá đào tạo lái xe sẽ về đúng giá trị thực. Chương trình đào tạo của Việt Nam gấp đôi, thậm chí gấp 3 Nhật Bản và Singapore, trong khi giá học giấy phép lái xe lại rẻ hơn rất nhiều. Ví dụ như Singapore, nếu tính giá cho một khóa học sẽ khoảng trên 20 triệu đồng tiền Việt Nam, trong khi thời gian học của họ ít hơn nhiều.


Từ ngày 1.5.2020, các cơ sở đào tạo lái xe phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết và thực hành của các học viên. (Nguồn: ITN)

Để nâng cao công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Vụ trưởng Lương Duyên Thống cho biết, Bộ Giao thông – Vân tải đã ban hành Thông tư số 38/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp giấy phép lái xe. Thông tư 38 bổ sung một số điểm mới như quy định việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Đối với công tác đào tạo, thông tư quy định, kể từ ngày 1.5.2020, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết. Nghĩa là học viên phải học đầy đủ thời gian của môn học lý thuyết mới được dự sát hạch. Đặc biệt, Thông tư quy định các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên. Ngoài ra, thông tư cũng bổ sung thêm hai môn học là học xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin tập lái.

Đối với nội dung sát hạch, theo ông Thống, trước đây học viên chỉ thi 3 nội dung, nay bổ sung thêm nội dung là học viên phải sát hạch xử lý các tình huống trên phần mềm mô phỏng. Từ tháng 8.2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với 4 Sở Giao thông – Vân tải gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Nghệ An lắp thí điểm camera giám sát các trung tâm sát hạch và dữ liệu đã được truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Từ 1.1.2020, tất cả trung tâm sát hạch phải lắp đặt camera giám sát ở phòng sát hạch lý thuyết và sân sát hạch và truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ để các cơ quan quản lý như ban An toàn giao thông các địa phương, công an có thể truy cập trực tiếp giám sát quá trình sát hạch.

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo

Theo Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Lương Duyên Thống, Tổng cục đã đề xuất Bộ Giao thông – Vân tải xây dựng trung tâm quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe quy mô toàn quốc. Trung tâm sẽ giám sát được thời gian học lý thuyết, số km lái xe trên đường của học viên. Quá trình học của học viên sẽ được giám sát trực tuyến theo thời gian thực về trung tâm đặt tại Tổng cục Đường bộ.

“Trung tâm sẽ giám sát trực tuyến tất cả xe tập lái, thời gian học thực hành, lý thuyết của học viên trên toàn quốc. Khi học viên bắt đầu đăng ký học sẽ được cấp một mã số định danh và sẽ có một tài khoản đăng nhập được gửi về trung tâm của Tổng cục để quản lý. Bên cạnh đó, học viên phải chụp ảnh và đăng ký vân tay. Trên xe tập lái cũng có thiết bị chụp ảnh, mỗi khi học viên lên xe học sẽ phải đăng ký, chụp ảnh nhận dạng đúng người đó mới bắt đầu tính thời gian học. Trên xe cũng có thiết bị như thiết bị giám sát hành trình theo dõi số km học”- ông Thống cho biết.

Đánh giá về giải pháp này, các chuyên gia cho rằng, đây là giải pháp tốt để nâng cao chất lượng đào tạo, đưa công tác đào tạo, sát hạch đi vào bài bản, đúng quy chuẩn. Liên quan đến quy định các cơ sở đào tạo lái xe phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết và thực hành của các học viên, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe số 1 Nghệ An Hồ Trúc Nam cho biết, trước đây dữ liệu sát hạch chỉ truyền về Sở Giao thông – Vân tải kiểm soát. Nay dữ liệu này sẽ được truyền trực tuyến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

“Camera đã được chúng tôi lắp ở tất cả các điểm nhạy cảm để giám sát toàn bộ sân sát hạch. Việc giám sát trực tuyến quá trình dạy, học, sát hạch trực tuyến sẽ biết được hoạt động ở các cơ sở đào tạo, đặc biệt là chất lượng sát hạch tại các trung tâm” - ông Nam chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe số 1 Nghệ An, các trung tâm, đào tạo, sát hạch sẽ có ý thức nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để tránh bị phê bình hay bị phạt. Việc giám sát trực tuyến quá trình dạy cũng giúp nâng cao ý thức của giáo viên, học viên. Khi đó sẽ không còn tình trạng ăn bớt giờ học, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạc lái xe.

Nhật Phương