Giải pháp gì để bảo vệ trẻ em?

- Chủ Nhật, 20/10/2019, 07:38 - Chia sẻ
Qua làm việc của Đoàn giám sát của QH với một số địa phương về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, có một vấn đề nổi lên rất đáng quan tâm, đó là trẻ em bị xâm hại ngay cả ở trường học và trong gia đình. Không ít đối tượng xâm hại có mối quan hệ thân thiết với trẻ. Câu hỏi đặt ra là cần có giải pháp gì để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại ngay cả ở môi trường tưởng chừng là rất an toàn cho trẻ?

Bị xâm hại ở trường học và ngay trong gia đình

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ trẻ em bị xâm hại gây bức xúc dư luận xã hội và để lại hậu quả đau lòng như trường hợp bé trai ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bị cậu ruột nghi là lấy trộm tiền nên đã dùng dao đánh liên tiếp vào vùng đầu, người, hay trường hợp một bé gái bị xâm hại tình dục nhiều lần ở Cà Mau đã tìm đến cái chết…

Kết quả làm việc của Đoàn giám sát với một số địa phương cũng cho thấy, tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng. Điều đáng nói là, trẻ em bị xâm hại bởi chính người thân là cha mẹ, người thân trong gia đình, giáo viên - những người có nhiệm vụ nuôi dưỡng, bảo vệ và chăm sóc trẻ.

Theo thống kê, từ ngày 1.1.2015 - 30.6.2019, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 136 trẻ em bị xâm hại, trong đó, có tới 10 đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ là người ruột thịt, người thân thích; 6 đối tượng là giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục; 20 đối tượng là người có trách nhiệm chăm sóc chữa bệnh, người quen của trẻ em. Ở Lạng Sơn, trong giai đoạn này có 87 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 23 đối tượng thực hiện hành vi xâm hại là người ruột thịt, người thân thích khác; 63 đối tượng có hành vi vi phạm là người có trách nhiệm chăm sóc, chữa bệnh, người quen của trẻ. Tại Phú Thọ, trong kỳ báo cáo có 112 trẻ em bị xâm hại. Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, có đến 97% vụ án xâm hại trẻ em là đối tượng quen biết với nạn nhân. Còn ở Lào Cai, xảy ra trường hợp giáo viên dạy tin học có hành vi giao cấu dẫn đến học sinh có thai... Thực trạng này cho thấy, đang có sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội, cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ ngay cả ở những nơi mà lẽ ra các em phải được an toàn nhất là nhà trường và gia đình.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn đầu Đoàn giám sát khảo sát về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Trường Tiểu học thị trấn Sapa 
Ảnh: Hà An

Đổi mới cách tuyên truyền

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị xâm hại: Công tác phối hợp quản lý giáo dục giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, chính quyền cơ sở trong quản lý, chăm sóc trẻ ở một số nơi chưa chặt chẽ, còn lỏng lẻo, hiệu quả chưa cao, thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi trẻ em. Có một số gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, hiểu biết pháp luật và các hành vi vi phạm quyền trẻ em còn hạn chế, chưa nhận thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em nên chưa có kiến thức để bảo vệ cũng như giáo dục con em trong phòng, chống bị xâm hại. Không ít gia đình do điều kiện kinh tế đã bỏ mặc con ở nhà một mình hoặc gửi người thân để đi làm ăn xa, không có người quản lý. Đây là một trong những nguy cơ cao, tiềm ẩn xảy ra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng của một số ban, ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở chưa thường xuyên, chưa phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến trẻ em bị xâm hại để phòng ngừa, can thiệp, xử lý kịp thời.

Trước tình trạng đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em là người thân thiết, gần gũi với các em, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân và cho trẻ em về chính sách, pháp luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em và về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn hạn chế.

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em trước tình trạng bị xâm hại thông qua công tác truyền thông? Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đặt vấn đề, với những địa phương như Phú Thọ, có tới 97% vụ án trẻ em bị xâm hại, đối tượng phạm tội đều là người ruột thịt, người thân quen với nạn nhân, vậy việc tuyên truyền thời gian tới cần thực hiện như thế nào để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em? Từ vụ việc xảy ra như ở Trường nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ, với đặc thù là tỉnh có nhiều trường dân tộc nội trú, vậy Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ có phương án tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng về phòng, chống xâm hại cho các em ở các trường nội trú khác với các trường khác như thế nào? Đặc biệt, với 218 xã miền núi thì hình thức và nội dung tuyên truyền như thế nào cho phù hợp?

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, trước đây chúng ta vẫn dạy các em phải yêu thương, gần gũi bố mẹ, người thân, thầy, cô. Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc mà trẻ em bị xâm hại bởi thầy giáo, cô giáo, bởi bố và người thân quen thì công tác tuyên truyền cần phải thay đổi như thế nào?

Để bảo vệ trẻ em trước tình trạng bị xâm hại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng gợi mở về biện pháp tuyên truyền trong thời gian tới. Theo đó, cần phân nhóm đối tượng để tuyên truyền. Đối với người ruột thịt thì nên giao cho Hội Phụ nữ, hình thành chuyên đề tuyên truyền nhằm tuyên truyền đến các bà, mẹ, chị gái để nhận biết về vấn đề mới, thực trạng mới phát sinh. Đối với nhà trường, trước những vụ việc gây bức xúc dư luận xã hội xảy ra trên địa bàn thì các Sở Giáo dục và Đào tạo phải rút ra kinh nghiệm trong quản lý, cũng như có biện pháp tuyên truyền cho phù hợp để nâng cao công tác phòng ngừa, tránh tình trạng hậu quả xảy ra rồi mới đi “rà soát”. Ngoài ra, cần căn cứ vào đặc điểm từng khu vực, khu dân cư để tuyên truyền cho phù hợp, bởi khu vực miền núi có cách tuyên truyền phải khác khu vực khác, những giải pháp phải luôn luôn phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác trẻ em và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, công tác tuyên truyền kỹ năng cho trẻ em, chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cần phải đổi mới, thực chất và thường xuyên đến từng đối tượng. Tránh tình trạng chỉ tuyên truyền theo chiến dịch, phong trào, không mang lại hiệu quả thiết thực.

Hà An