Kinh nghiệm của EU trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Giải pháp cho phát triển bền vững

- Chủ Nhật, 15/09/2019, 08:31 - Chia sẻ
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là một trong những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đây được xem là giải pháp nhằm giúp EU đạt được các mục tiêu về tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư, tăng trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong khi giảm phát thải khí carbon, tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.

Bài toán môi trường 

Trong 150 năm qua, quá trình phát triển và cải cách công nghiệp bị chi phối bởi mô hình sản xuất - tiêu thụ một chiều, còn gọi là mô hình tuyến tính. Trong đó, hàng hóa được sản xuất từ vật liệu thô, được bán, sử dụng rồi bị vứt bỏ hoặc tiêu hủy.

Nền kinh tế dựa trên mô hình tuyến tính cũng là thủ phạm chính gây ra lượng rác khổng lồ thải ra môi trường. Theo World Waste Facts, ước tính mỗi năm thế giới thải ra khoảng 2,12 tỷ tấn rác. Nguyên nhân là bởi 99% sản phẩm được mua, tiêu thụ bị vứt bỏ chỉ sau 6 tháng. Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, với tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hóa hiện nay, lượng rác mỗi năm thế giới thải ra môi trường có thể tăng 70% lên 3,40 tỷ tấn vào năm 2050.

Mặt khác, theo dự báo của LHQ, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên của nhân loại sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt quá khả năng cung ứng của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, Báo cáo của Circle Economy, doanh nghiệp xã hội có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) chỉ ra rằng, chỉ khoảng 1/10 trong gần 93 tỷ tấn tài nguyên sử dụng hàng năm như kim loại, khoáng chất, nhiên liệu hóa thạch, sinh khối… được tái sử dụng.

Tại EU, ước tính mỗi người dân ở khu vực này tiêu thụ 16 tấn nguyên liệu mỗi năm, trong đó 6 tuấn trở thành rác thải. Mặc dù quản lý rác thải tiếp tục được cải thiện ở EU, song nền kinh tế châu Âu hiện vẫn lãng phí lượng nguyên liệu thô thứ cấp từ rác thải như kim loại, gỗ, thủy tinh, giấy, nhựa… Mỗi năm, EU nhập khẩu nguyên liệu thô, năng lượng và hàng hóa gấp ba lần so với xuất khẩu. Trong khi một phần của thặng dư này trở thành rác thải, phế liệu hoặc xâm nhập vào hệ thống nước thải, khí quyển; một phần đáng kể của nó vẫn tồn tại trong hàng hóa và cơ sở hạ tầng. Đây là sự lãng phí lớn!

Các nhà nghiên cứu cho biết, mô hình kinh tế tuyến tính đã bộc lộ hạn chế như sự mất giá trị của sản phẩm và nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên liệu thô không ổn định, biến động giá cả nguyên liệu, nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, rác thải ra môi trường, sự suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung vào việc tái sử dụng các sản phẩm, phế liệu hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích chiến lược ở cả cấp vi mô và vĩ mô như tối đa hóa giá trị sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm thiểu rác thải ra môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu. Giám đốc điều hành của Circle Economy Harald Friedl cho rằng, các nền kinh tế cần chuyển đổi mô hình từ tuyến tính sang tuần hoàn nhằm hướng đến tương lai phát triển bền vững.

Chiến lược toàn diện của EU

Do kinh tế tuần hoàn vẫn còn là khái niệm phức tạp và sâu rộng, tháng 12. 2015, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua chiến lược toàn diện mang tên Kế hoạch hành động cụ thể và đầy tham vọng, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Kế hoạch hành động của EU xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nhằm “tăng tốc” quá trình chuyển đổi gồm nhựa, rác thải thực phẩm, nguyên liệu thô quan trọng, xây dựng và phá dỡ, sinh khối và vật liệu dựa trên sinh học. Cùng với đó, Kế hoạch hành động thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các chính quyền địa phương, vùng, quốc gia với các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, công dân và các bên liên quan khác.

Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn đề ra 54 biện pháp nhằm kéo dài “vòng đời” của sản phẩm và nguyên vật liệu, bao trùm toàn bộ chu trình khép kín: từ sản xuất, tiêu thụ đến quản lý chất thải và thúc đẩy thị trường nguyên liệu thô thứ cấp. Một mặt, EU đặt mục tiêu giảm rác thải, phế liệu xuống mức thấp nhất, ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa trên biển. Mặt khác, Kế hoạch hành động được thiết kế nhằm giữ lại nguyên liệu thô và giá trị gia tăng liên quan trong Liên minh, từ đó, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của khu vực.

EU đã tạo ra một số công cụ tài chính có sẵn, nhằm kích thích đầu tư vào các dự án kinh tế tuần hoàn. Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) có thể cung cấp các khoản vay cho các dự án đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn. Để được tài trợ, dự án phải rơi vào Danh mục tuần hoàn gồm thiết kế và sản xuất tuần hoàn (áp dụng các chiến lược giảm, tái chế trong các giai đoạn thiết kế, sản xuất); sử dụng tuần hoàn và kéo dài tuổi thọ (áp dụng chiến lược tái sử dụng, sửa chữa, tái chế, tân trang, tái sản xuất trong giai đoạn sử dụng); khôi phục giá trị tái chế (áp dụng chiến lược tái chế, phục hồi trong giai đoạn sau sử dụng) và hỗ trợ tuần hoàn (hỗ trợ và tạo điều kiện cho tất cả các chiến lược tuần hoàn trong tất cả các giai đoạn của vòng đời). Các công cụ tài chính khác bao gồm Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu (EFSI), Chương trình InnovFin33 cho các dự án nghiên cứu và đổi mới, Quỹ Chính sách liên kết, Chương trình Horizon 2020 và Chương trình LIFE.

Box: Kinh tế tuần hoàn là mô hình sản xuất - tiêu thụ tập trung vào tái sử dụng rác thải nhằm sản xuất sản phẩm khác, qua đó, giảm tối đa rác, phế liệu thải ra môi trường. Theo một số tính toán, mô hình kinh tế tuần hoàn hứa hẹn mang lại cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD. Mô hình kinh tế này cũng hỗ trợ cắt giảm phát thải khí nhà kính và góp phần thực hiện thành công Thỏa thuận Paris COP21 và các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.

Nhật An