65 năm sau ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2019)

Giai điệu bất hủ của mùa thu lịch sử

- Thứ Năm, 10/10/2019, 08:19 - Chia sẻ
Tháng 10 năm nay, Hà Nội rộn ràng, phố phường được trang hoàng trang trọng, tôn lên nét đẹp cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại. Xen lẫn vào không khí nhộn nhịp đó, ở những góc phố nhỏ, các quán cà phê cổ hay trong từng gia đình, những bài hát thân thuộc về Hà Nội vang lên. Những giai điệu lúc trầm lắng, khi hừng hực khí thế như chính sự phát triển đầy thăng trầm của Hà Nội suốt 65 năm sau ngày giải phóng (10.10.1954 - 10.10.2019).

65 năm một màu cờ đỏ thắm

 “Không chỉ tập trung vào lĩnh vực phát triển kinh tế, Hà Nội luôn chủ động hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại của đất nước. Đến nay, thành phố đã thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 100 Thủ đô, thành phố của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn, quan trọng trên thế giới và khu vực. Do vậy, Hà Nội luôn giữ được ấn tượng đặc biệt và có vị thế cao trong danh mục thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới về chiều sâu lịch sử và bản sắc văn hóa, về thành tích và chiến công”.

TS. Bùi Thế Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

“Đúng 15 giờ ngày 10.10.1954, một hồi còi dài từ Nhà hát Lớn ngân lên, cả Hà Nội hướng về phía Cột cờ Hà Nội. Giai điệu “Tiến quân ca” hùng tráng. Lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo. Nhìn lá cờ đỏ thắm lần đầu tiên trong lịch sử được tung tay trên nền trời xanh, mọi người sung sướng tự hào” - Đó là ký ức không thể nào quên trong trí nhớ của những chiến sĩ trong đoàn quân tiếp quản Hà Nội, của những người dân Thủ đô vinh dự được tham gia lễ chào cờ đầu tiên vào ngày Giải phóng Thủ đô của 65 năm về trước. Ngày này đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử xây dựng, phát triển của Thủ đô và đất nước, mở ra một thời kỳ phát triển mới vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Mấy hôm trước, tại sân Đoan Môn - Hoàng Thành Thăng Long, thời khắc lịch sử đó đã được tái hiện. Trong gió thu, lá cờ đỏ sắc thắm sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Phía dưới, đoàn quân nhạc với những thanh niên mũ ca - lô và áo trấn thủ giống đội tự vệ của Thủ đô năm nào. Các bậc lão thành cách mạng ngực đỏ huy chương, ánh mắt rưng rưng những xúc cảm đặc biệt. Với khí thế hào hùng, sôi nổi, đầy phấn chấn, reo vui của lòng người và của âm nhạc, giai điệu của khúc ca bất hủ “Tiến về Hà Nội” vang lên. Đó là khúc ca khải hoàn chiến thắng, hình ảnh chân thực, sống động nhất về ngày giải phóng Thủ đô. “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.

Trong không khí nhộn nhịp đó, chúng tôi may mắn được gặp gỡ với rất nhiều nhân chứng lịch sử, những người đã chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của ngày đầu giải phóng Thủ đô. Ông Nguyễn Văn Thùy (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) xúc động chia sẻ: “Ngày đó, tôi cùng đoàn quân tiếp quản vào Thủ đô theo hướng Ngã Tư Vọng. Tôi còn nhớ, khi anh em tôi vừa bước xuống xe, còn đang ngơ ngác tìm người thân trong gia đình mình thì tất cả người dân đều vồn vã, tay bắt mặt mừng khiến chúng tôi cảm thấy thân quen như ruột thịt. Chiến thắng trở về trong vòng tay yêu thương của nhân dân, cảm xúc đó đến bây giờ tôi vẫn còn rung rưng”.

Từng chịu đựng những ngày tháng gian khổ trong nhà tù Hỏa Lò, ngày Giải phóng Thủ đô đối với ông Nguyễn Đức Minh (phố Khương Hạ, Thanh Xuân) luôn là những cảm xúc ngỡ ngàng, hồi hộp. Ông cứ nhìn xuống dưới chân mình rồi lại nhìn những người bạn cùng là cựu tù Hỏa Lò nay tóc đã điểm bạc, nếp da nhăn còn in những vết thẹo, nước mắt ông lại trào. Ông Minh chia sẻ với chúng tôi rằng: “Ngày bị giam ở Hỏa Lò, tôi không dám nghĩ có lúc mình lại được bước ra ánh sáng để hưởng trọn niềm vui tự do, độc lập. Trải qua bao thăng trầm, đến hôm nay được sống giữa lòng Thủ đô ngày càng phát triển, tôi càng ghi nhớ công ơn to lớn của Bác Hồ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để dân mình có ngày hôm nay, ngẩng cao đầu làm dân của một nước độc lập”.

Để có ngày vui khải hoàn, Hà Nội và cả nước đã phải gồng mình chịu đựng biết bao gian khổ, hy sinh trong những năm kháng chiến trường kỳ. Đến nay, lá cờ đỏ sao vàng vẫn hiên ngang, tung bay phấp phới trong gió thu, như một lần nữa khẳng định sự trường tồn, hưng thịnh của Thủ đô và đất nước.


Sau 65 năm giải phóng, Thủ đô Hà Nội đạt được những thành tựu to lớn, phát triển, văn minh và hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước

Xứng đáng là trái tim của cả nước

Những năm đầu sau ngày giải phóng, Hà Nội đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình và khôi phục kinh tế. Đồng thời, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhân dân Hà Nội đã tiễn đưa hàng chục vạn người con ưu tú ra chiến trường đánh Mỹ cứu nước, đồng hành với cả nước đi đến thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30.4.1975. Đến năm 1976, Hà Nội vinh dự được Quốc hội chọn là Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với nhiệm vụ: Hà Nội phải là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, tiêu biểu cho nền văn hóa mới của đất nước; người Hà Nội phải tiêu biểu cho con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Thủ đô Hà Nội phải hiện đại, văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với dân tộc, đất nước.

Thấu suốt những nhiệm vụ đó, các lớp lãnh đạo và nhân dân Hà Nội luôn nỗ lực từng bước xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước. Theo phương châm “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Thủ đô đã mở rộng liên kết với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, kinh tế của Thủ đô liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển theo hướng bền vững với mức tăng trưởng GDP liên tục 7,5 - 8%/năm; bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/năm (năm 2018) tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010. Hà Nội hôm nay mang diện mạo mới của thành phố xanh - sạch - đẹp - sáng, “Thành phố Vì hòa bình” - Điểm đến của bạn bè quốc tế. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số, nhưng hiện Hà Nội đóng góp tới trên 16% GDP và hơn 19% về thu ngân sách cả nước, xứng đáng vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, với vị thế là trái tim của cả nước, Hà Nội phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; đồng thời, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc nghìn năm văn hiến, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đi giữa mùa thu Hà Nội, trời cao trong xanh, đầy nắng và gió, chúng tôi càng tự hào hai tiếng Việt Nam, tự hào về Hà Nội - trái tim hồng của cả nước. Bất giác, tôi nhớ lời ca hoành tráng, hào sảng của Nguyễn Đình Thi: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô/ Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu”.

ĐÀO CẢNH