Phát triển năng lượng tái tạo

Giải bài toán thiếu - thừa

- Thứ Hai, 21/10/2019, 08:12 - Chia sẻ
Cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên thế giới và những ưu thế vốn của mình, thời gian qua, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo đã được đầu tư nhanh chóng vào Việt Nam, cung cấp lượng điện năng không nhỏ cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, thực tế lại phát sinh vướng mắc khi lưới điện tiếp nhận nguồn công suất trên không thể theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của những dự án này.

Cuộc đua không cân sức

Theo giả thiết đưa ra từ Bộ Công thương, những năm tới, một số nguồn điện quan trọng có nguy cơ chậm tiến độ như các dự án nhiệt điện đang thi công Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1; các dự án điện khí chuẩn bị đầu tư cũng gặp một số vướng mắc, sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu điện. Với mục tiêu của Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) tới năm 2025, Việt Nam cần có 90.000 MW công suất điện và sản lượng điện phát ra trên dưới 400 tỷ kWh/năm, thì việc huy động phát triển năng lượng tái tạo sẽ là giải pháp hiệu quả để bù đắp lượng điện năng thiếu hụt.

 Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự đầu tư “thần tốc” của các dự án năng lượng tái tạo vượt mức quy hoạch cũng đang gây ra nhiều hệ lụy lên hệ thống điện, truyền tải, buộc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm, nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia.

Chỉ riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành, với tổng công suất đạt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12.2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW. Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh chỉ có khả năng giải tỏa công suất khoảng 800 MW, trong khi nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo đưa vào vận hành với tổng công suất khoảng 1.180 MW, khiến cho lưới điện 110 kV bị quá tải.

Hay Bạc Liêu - tỉnh có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo cũng có tới 24 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 4.450 MW; trong đó, có 22 dự án cần phải tính toán giải tỏa công suất với tổng công suất hơn 4.350 MW. Khó khăn là ở chỗ, hiện tỉnh cũng chưa có lưới điện 500 kV để truyền tải các dự án điện gió này.

Theo các chuyên gia, để triển khai đầu tư một dự án năng lượng tái tạo có thể chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí trong thời gian ngắn hơn. Thế nhưng, một dự án lưới điện truyền tải từ 220 - 500 kV phải triển khai tới 3 - 5 năm, với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Đây là cuộc đua không “cân sức” giữa năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải.


Tổng số công suất lắp đặt các dự án điện năng lượng tái tạo trên toàn quốc đạt trên 5.000MW
Nguồn: ITN

 Theo thống kê của Bộ Công thương, đến nay, tổng số công suất lắp đặt các dự án điện năng lượng tái tạo trên toàn quốc đạt trên 5.000 MW, với khoảng 4.442 MW điện mặt trời quy mô lớn và khoảng 150 MW điện mặt trời áp mái, 303 MW điện gió, 342 MW điện sinh khối và gần 10 MW điện từ chất thải rắn.

Cần những bước đi phù hợp

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Phương Hoàng Kim khẳng định, phát triển điện năng lượng tái tạo cần có bước đi phù hợp, không chỉ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam qua từng thời kỳ, khả năng chi trả của người dân mà còn phải bảo đảm vận hành an toàn hệ thống truyền tải. Chính vì vậy, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án truyền tải cần nâng cấp mở rộng; tích cực chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với UBND các tỉnh để giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống truyền tải.

Bộ Công thương cũng đã xây dựng cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải (220kV, 500kV và cấp điện áp cao hơn); chú trọng các công trình lưới điện truyền tải có chức năng thu gom, giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo từ các nguồn lực của các thành phần kinh tế tư nhân. Cùng với đó, phối hợp với các nhà tài trợ, đối tác phát triển xây dựng các chương trình hỗ trợ, các nghiên cứu đề xuất cơ chế mới như Chương trình phát triển điện mặt trời áp mái. Bởi đầu tư cho điện mặt trời áp mái cũng là giải pháp để tránh những vướng mắc trong việc truyền tải. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương cũng đang tiến hành xây dựng Quy hoạch Điện VIII; trong đó, sẽ có riêng 1 chương về cơ chế chính sách về vốn, đấu thầu dự án điện, đặc biệt là lưới truyền tải…

Mới đây, EVN cùng các đơn vị có liên quan cũng ký cam kết thi đua xây dựng các dự án đường dây 500 kV mạch 3 để truyền tải điện từ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch lên hệ thống điện Quốc gia; đồng thời, tăng cường năng lực truyền tải lưới điện 500 kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia. Các dự án này có tổng mức đầu tư hơn 11.949 tỷ đồng.

Dương Cầm