TP Hồ chí Minh phát triển bảo hiểm y tế học đường

Giải bài toán “phủ sóng” 100% học sinh, sinh viên

- Thứ Bảy, 15/09/2018, 09:11 - Chia sẻ
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 4, đã có hơn 1,5 triệu học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ 88,16%. Theo các chuyên gia, để giải bài toán “phủ sóng” 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, trong năm học mới, TP Hồ Chí Minh cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.

Vẫn còn khoảng cách

Đánh giá về tình hình tham gia BHYT trên địa bàn, Giám đốc BHXH quận Thủ Đức Dương Thị Tuyết Hồng cho hay, quận đạt và liên tục duy trì tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT với 16 trường THCS, 31 trường tiểu học, các trường THCS và THPT còn lại đều dao động quanh tỷ lệ 97 - 99%. Toàn quận có hơn 69.000 học sinh thì trong năm học 2017 - 2018, đã có hơn 98% học sinh tham gia BHYT. Trên địa bàn thành phố, không chỉ học sinh các bậc từ tiểu học đến THPT tham gia BHYT với tỷ lệ cao mà nhiều trường đại học cũng có tỷ lệ sinh viên tham gia cao tương tự.

Tuy có sự tác động mạnh mẽ từ Ban Giám hiệu và giáo viên, song trên thực tế, vẫn còn những khoảng cách nhất định tới mục tiêu bao phủ 100% BHYT học đường theo luật định. Đơn cử là vấn đề nhập cư khó khăn ảnh hưởng nhất định tới mục tiêu đề ra.

Giám đốc BHXH quận Thủ Đức Dương Thị Tuyết Hồng cho biết, hầu hết các trường từ bậc tiểu học, phổ thông trên địa bàn quận đều có học sinh khó khăn. Những học sinh khó khăn thường trú trên địa bàn thuộc diện nghèo hay cận nghèo đều được ngân sách thành phố hỗ trợ tham gia BHYT theo luật định. Song với học sinh khó khăn tạm trú trên địa bàn, ngân sách địa phương chưa thể hỗ trợ. Trong khi đó, gia đình những em học sinh này đã rời nơi thường trú từ lâu, nên phía địa phương cũng gặp khó trong việc xác nhận hộ nghèo, cận nghèo để ngân sách địa phương hỗ trợ BHYT. “Đây là bài toán mà không chỉ quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, chưa tìm ra đáp án hóa giải triệt để, mà 24 quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh đều gặp phải” - Giám đốc BHXH quận Bình Thạnh Hồ Khả Nhân chia sẻ.

Cùng với đó, việc thiếu quyết liệt được xem là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT ở TP Hồ Chí Minh chưa thể “bứt phá” vượt ngưỡng 90 - 95%. Cụ thể, dù các văn bản quy định rất rõ trách nhiệm của cấp ủy và Ban giám hiệu nhà trường trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, phối hợp thực hiện, để toàn thể học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo đúng quy định, nhưng thực tế nhiều trường vẫn còn “thờ ơ”. Một số trường trong quá trình triển khai vẫn thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ, không theo dõi tiến độ, không phối hợp với cơ quan BHXH giải quyết kịp thời các vướng mắc khi triển khai.


Nâng tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Quyết liệt hơn

Tính đến tháng 4.2018, tổng số học sinh, sinh viên ở TP Hồ Chí Minh có thẻ BHYT là hơn 1,5 triệu, đạt tỷ lệ 88,16%. Trong đó, các trường tiểu học có gần 270.000 học sinh tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 91,05%; trường THCS và THPT có hơn 800.000 học sinh tham gia, đạt 91,40%; trường đại học, cao đẳng có hơn 346.000 sinh viên tham gia, đạt 81,58%...

Theo thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, vẫn còn hơn 200.000 học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Theo các chuyên gia, đây là con số rất lớn, tương đương tổng số lượng học sinh, sinh viên tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Vì vậy, để giải bài toán “phủ sóng” 100% học sinh, sinh viên tại TP Hồ Chí Minh tham gia BHYT là chuyện không hề dễ dàng.

Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, ngành BHXH đã tham mưu Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo đến cấp ủy Đảng và Ban Giám hiệu nhà trường tích cực, quyết liệt hơn nhằm thực thi quy định của luật về BHYT học sinh, sinh viên, đặc biệt là tại các trường đại học ngoài công lập.

Cũng theo ông Mến, sắp tới BHXH thành phố sẽ nghiên cứu tổ chức các hoạt động giao lưu, hội nghị chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên. Thông qua đó, các trường sẽ có dịp sẻ chia kinh nghiệm, cách làm hay để công tác BHYT học sinh, sinh viên đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, các trường và ngành BHXH cùng nhau trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai. Ngoài ra, đây cũng là dịp tốt để ngành BHXH ghi nhận, đánh giá tích cực các cơ sở giáo dục trên địa bàn đạt kết quả cao. Thông qua sự tiếp cận đa kênh của ngành BHXH sẽ tạo thêm động lực để các cơ sở giáo dục trên địa bàn quyết liệt vào cuộc, triển khai hiệu quả hơn công tác BHYT học sinh, sinh viên.

Nguyễn Thúy