Giải bài toán khó

- Thứ Tư, 24/07/2019, 08:00 - Chia sẻ
Nước Anh vừa đón chào Thủ tướng mới Boris Johnson, lãnh đạo đảng Bảo thủ thay thế bà Theresa May. Điều này không nằm ngoài dự đoán, chỉ có điều thuyền trưởng mới sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ lèo lái nước Anh đi qua Brexit suôn sẻ, cũng như vô vàn vấn đề đau đầu trong và ngoài nước.

Gương mặt không mới

Trên con đường sự nghiệp của mình, chính trị gia Boris Johnson từng là nhà báo và Tổng biên tập tờ Spectator từ 1999 - 2005, rồi trở thành nghị sĩ tỉnh Henly trước khi được bầu làm Thị trưởng London. Năm 2016, ông được Thủ tướng Theresa May bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh, trước khi từ chức tháng 7.2018 do bất đồng về những vấn đề liên quan đến Brexit.

Với chủ trương “Do or Die” (Hành động hay là chết), ông đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của các đảng viên Bảo thủ trong toàn quốc cũng như nhóm nghị sĩ ủng hộ Brexit cứng tại Hạ viện và nhóm nghị sĩ “ở lại” có quan điểm tự do. Nữ lãnh đạo này đã phải từ chức vì “quá tam ba bận” không thể thuyết phục được Quốc hội Anh thông qua các thỏa thuận Brexit. Được biết, nhiệm kỳ của tân lãnh đạo sẽ bắt đầu vào chiều nay (24.7).


Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề đau đầu

Ngay từ vòng tranh cử, ông Johnson luôn vượt lên dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ khác. Nhà lãnh đạo này từng tuyên bố thà chuẩn bị cho một kế hoạch rời EU mà không có thỏa thuận còn hơn thuyết phục các nhà đàm phán EU thay đổi yêu cầu. Quan điểm đó từng gây khó khăn cho ông trong cuộc đua vào số 10 phố Downing. Ít nhất 2 Bộ trưởng là Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Bộ trưởng Tư pháp David Gauke tuyên bố từ chức nếu ông chiến thắng. Với nhiều người, Brexit không thỏa thuận sẽ làm suy yếu sự tăng trưởng toàn cầu, rối loạn các thị trường tài chính và ảnh hưởng đến vị thế của London trong vai trò trung tâm tài chính thế giới.

Trọng trách đè nặng

Chính vì vậy, khi trở thành tân Thủ tướng, một trong những nhiệm vụ khó nhằn đầu tiên ông Johnson phải giải quyết là cuộc khủng hoảng chính trị Anh liên quan đến tiến trình Brexit. Hiện tại, thời hạn trên được ấn định vào ngày 31.10. Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ phải thuyết phục EU hồi sinh các cuộc đàm phán về việc Anh rút khỏi khối cũng như tìm tiếng nói chung để tránh một Brexit cứng. Nhiệm vụ đó thực sự rất khó khăn bởi ông sẽ chỉ có 3 tháng để thực hiện trong khi bà May mất tới 3 năm mà vẫn thất bại.

Chẳng có gì bảo đảm tân Thủ tướng sẽ thuyết phục được EU đàm phán lại để nước Anh có một thỏa thuận Brexit tốt hơn, nhất là liên quan đến “kế hoạch dự phòng” nhằm tránh thiết lập biên giới cứng trên đảo Ireland, bởi EU từng khẳng định sẽ không tái đàm phán thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã đạt được hồi tháng 11 năm ngoái, bất kể ai là nhà lãnh đạo mới của Anh. Nhiều nghị sĩ Bảo thủ lo ngại nếu không tìm kiếm được những điều khoản thay thế khả quan hơn, kế hoạch của ông Johnson nhằm đưa nước Anh rời EU vào ngày 31.10 mà không cần thỏa thuận sẽ bị Quốc hội phủ quyết. Điều này đồng nghĩa với việc London sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài tổ chức bầu cử sớm hoặc trưng cầu dân ý về Brexit lần hai. 

Chính sách kinh tế cũng sẽ là đề tài đau đầu không kém. Chủ nghĩa hiện thực là cần thiết vì Vương quốc Anh không còn nhiều thời gian đàm phán ra khỏi EU trong khi nền kinh tế thiếu cân bằng của nước này đòi hỏi phải có sự tái khởi động mạnh mẽ. Anh đang gặp nhiều thách thức đến từ các nền kinh tế Tây Âu khác do toàn cầu hóa và công nghệ phát triển.

Nếu Anh rời đi không có thỏa thuận, nó sẽ gây ra cú sốc kinh tế cho xứ sở sương mù. Vì vậy, Chính phủ và giới kinh doanh trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải thực hiện các kế hoạch dự phòng. Là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, nền kinh tế Vương quốc Anh đã thể hiện tính linh hoạt của mình khi tạo ra hơn 1 triệu việc làm. Tuy vậy, nó vẫn phải chứng kiến tình trạng đầu tư yếu kém. Theo một số nhà phân tích, việc áp dụng chương trình nghị sự theo hướng cung rất quan trọng đối với chính sách hậu Brexit để thúc đẩy tăng trưởng và năng suất. Việc nới lỏng quy định cho các công ty vừa và nhỏ, thiết lập các cảng miễn thuế, xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng hay liên kết giao thông tốt hơn cũng cần được thúc đẩy. Đặc biệt, chính sách tài khóa đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi những thành công kinh tế luôn đòi hỏi sự nhất quán giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.

Có thể nói sau Brexit, chính sách kinh tế phải hỗ trợ cho mục đích chính trị là thống nhất đất nước, vượt qua mọi gián đoạn trong ngắn hạn. Xốc dậy tâm lý và nâng cao mức hoài bão kinh tế là điều tối quan trọng.

Về chính sách đối ngoại, giai đoạn hiện nay được đánh giá là thách thức cực khó đối với Thủ tướng mới của Anh. Thậm chí, một số người còn nhận định, ông Johnson sắp thừa hưởng một cuộc khủng hoảng quốc tế đầy đủ, vào thời điểm mà các mối quan hệ ngoại giao truyền thống của Anh đang bị kéo căng tới mức chưa từng thấy. Tiến trình Brexit làm phức tạp quan hệ của Anh với các đồng minh châu Âu, và đang có những khác biệt đáng kể với Mỹ, nhất là về vấn đề hạt nhân của Iran. Quan hệ Anh - Mỹ mới đây đã xấu đi sau vụ rò rỉ những bức điện tín với nhiều nhận xét thẳng thừng của Đại sứ Anh tại Washington về chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khủng hoảng ngoại giao mới nhất của London xoay quanh những căng thẳng với Iran xung quanh vụ nước Cộng hòa Hồi giáo này bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh ở eo biển Hormuz hôm 19.7. Cả hai bên liên tiếp cáo buộc nhau liên quan đến vụ bắt giữ tàu chở dầu. Thậm chí, Anh đáp trả bằng quyết định tịch thu chiếc tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi Gibraltar. Tranh cãi London - Tehran là một phần của căng thẳng gia tăng ở khu vực sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Các nước châu Âu, trong đó có Anh, đang rất cố gắng để cứu vãn thỏa thuận, hoặc ít nhất là ngăn nó đổ vỡ trong thời gian càng dài càng tốt. Vì vậy, nhiệm vụ của Thủ tướng Johnson sẽ phải nghĩ giải pháp khéo léo để đưa tàu Stena và đoàn thủy thủ an toàn về nước mà không làm căng thẳng leo thang thêm với Iran.

Linh Anh