Giá trần cho sách giáo khoa

- Thứ Ba, 14/07/2020, 07:41 - Chia sẻ
Trước năm 2020, chỉ có duy nhất Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được phát hành sách giáo khoa ra thị trường. Tình trạng độc quyền cùng với sự thiếu công khai, minh bạch tài chính trong xuất bản và phát hành sách khiến người dân bao năm qua không biết số tiền mình phải chi trả có hợp lý?

Nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội yêu cầu thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.

Trong năm học đầu triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết 88, có 3 nhà xuất bản được lựa chọn phát hành sách, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Những tưởng khi có nhiều nhà xuất bản cung ứng sách giáo khoa, giá sách sẽ giảm. Nào ngờ giá của bộ sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn 3,3 - 3,7 lần giá của bộ sách lớp 1 hiện hành. Cụ thể, sách mới giá 179.000 - 199.000 đồng/bộ (gồm cả sách điện tử), trong khi sách hiện hành giá 54.000 đồng/bộ.

Công bằng mà nói, bộ sách lớp 1 mới gồm nhiều quyển hơn, in khổ sách lớn hơn, số trang và số màu in nhiều hơn, hình thức và loại giấy in cũng đẹp hơn so với sách hiện hành. Hơn nữa, một số chi phí trước đây được Nhà nước hỗ trợ (chi phí bản thảo, dạy thực nghiệm, chi phí nhuận bút lần đầu…), nay nhà xuất bản phải chi trả toàn bộ. Vì thế, giá sách mới cao hơn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cao hơn 3,3 - 3,7 lần như vậy có bảo đảm chính xác, hợp lý hay không?

Theo quy định hiện hành, các nhà xuất bản sách giáo khoa chỉ phải thực hiện kê khai giá. Nhưng thực tế kê khai cho thấy có tình trạng: Cùng một quyển sách có thể dẫn đến mặt bằng giá cao hơn 2 lần, ngay cả khi chưa tính đến yếu tố như số lượng màu, chất lượng giấy in…

Bên cạnh đó, có rất nhiều lý do khác đẩy giá sách lên cao ngoài việc bảo đảm hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận của nhà xuất bản. Chẳng hạn, khi nhiều nhà xuất bản tham gia thị trường, việc dự báo thị phần sẽ bị động. Nếu số lượng in thấp, giá thành in sẽ cao. Nếu dự báo sai số lượng tiêu thụ dẫn đến tồn kho nhiều - các nhà xuất bản có thể phải phân bổ vào giá thành. Chi phí tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị, hướng dẫn sử dụng sách cũng sẽ cao do các nhà xuất bản phải cạnh tranh với nhau.

Lường trước những vấn đề này, cũng tại Nghị quyết 88, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa. Tuy nhiên Chính phủ chưa có “động tĩnh” gì.

Cho đến chiều nay, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Theo đó, các nhà xuất bản quy định mức giá cụ thể của sách giáo khoa nhưng không cao hơn giá trần do Nhà nước quy định.

Có lẽ do gấp gáp, nội dung Tờ trình còn khá sơ sài, đặc biệt ở phần đánh giá tác động của chính sách, và thậm chí còn có lỗi chính tả. Tuy vậy, với tất cả những vấn đề nêu trên, có thể nói việc Nhà nước điều tiết giá sách giáo khoa bằng hình thức định giá là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, để bảo đảm giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân. Ngoài ra, mới chỉ có 3 nhà xuất bản thì cũng chưa thể nói đã gỡ bỏ độc quyền trong xuất bản và phát hành sách giáo khoa.

Với phần đông gia đình có mức thu nhập trung bình trở xuống, hoặc gặp khó khăn mùa Covid, việc Nhà nước định giá trần sách giáo khoa thực sự là một tin vui; nhưng các nhà xuất bản có thể không thích điều này, đặc biệt nếu khâu định giá không tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất và mức lợi nhuận hợp lý để họ tiếp tục làm sách. Ở Hàn Quốc, giá sách giáo khoa do nhà xuất bản quyết định nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo được can thiệp để giảm giá. Năm 2014, Chính phủ nỗ lực giảm giá sách khoảng 35% - 45% và các nhà xuất bản đã phản ứng bằng cách đe dọa thu hồi sách.

Tất nhiên, việc thiết kế và thực thi chính sách về sách giáo khoa cần đặt trong bối cảnh cụ thể của từng quốc gia. Đối với nước ta, xã hội hóa thị trường sách giáo khoa là chủ trương đúng và tất yếu, nhưng cần có một cơ chế quản lý đặc biệt. Bởi lẽ sách giáo khoa vốn dĩ là một thị trường đặc biệt -  ở chỗ phụ huynh, người trực tiếp bỏ tiền mua sách lại không có tiếng nói quyết định trong việc chọn mua và sử dụng sách, mà thẩm quyền này thuộc về lãnh đạo trường học và chính quyền địa phương.

Cẩm Phô