Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc

Gia tăng sức ép

- Thứ Ba, 07/05/2019, 07:59 - Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, sẽ tăng thuế trở lại đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này được cho là nhằm gia tăng sức ép lên Bắc Kinh, trước khi hai bên nối lại đàm phán thương mại trong tuần này.

Căng thẳng trở lại?

Thông báo trên mạng xã hội Twitter ngày 5.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, sẽ tăng thuế nhập khẩu trở lại đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào cuối tuần này; đồng thời cảnh báo sẽ sớm áp mức thuế này lên 325 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hiện không thuộc diện chịu thuế. Theo ông Trump, đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn ra, song tiến triển quá chậm chạp, do Bắc Kinh tìm cách đàm phán lại. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định không chấp nhận điều này.

Cảnh báo của ông Trump cho thấy sự thay đổi tông giọng của chính quyền Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong việc sẵn sàng leo thang cuộc chiến thuế quan giữa hai bên. Trước đó, Tổng thống Donald Trump bày tỏ lạc quan các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đạt tiến triển tích cực và nhận định, hai bên đang tiến gần tới thỏa thuận toàn diện, nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại suốt nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, tuần trước, đoàn đàm phán của Mỹ do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dẫn đầu đến Bắc Kinh để đàm phán thương mại với các quan chức Trung Quốc, nhưng hai bên đã không đạt được bước tiến đáng kể nào. Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Trung Quốc đang tìm cách “thoái lui” khỏi những cam kết trước đó nhằm giải quyết quan ngại của Mỹ liên quan đến thương mại song phương và điều này đã thôi thúc Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định trên.

Rung cây dọa khỉ

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và sau đó áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bổ sung. Các mức thuế trừng phạt này dự kiến tăng lên 25% vào ngày 1.3 vừa qua, song chính quyền Mỹ đã quyết định hoãn lại khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên tiến triển trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Mỹ hiện gây sức ép buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường hơn nữa cho các công ty nước ngoài; yêu cầu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và chấm dứt các hành vi thương mại bất công bằng như buộc các công ty của Mỹ phải chuyển giao công nghệ và bí mật thương mại cho công ty Trung Quốc, như một trong các điều kiện để hoạt động tại nước này. Về phần mình, Trung Quốc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ tất cả lệnh áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nước này, nếu hai bên được thỏa thuận. Trong khi đó, yêu cầu này không được Tổng thống Donald Trump chấp nhận.

Giới chức Mỹ cho biết, đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu bế tắc do các nhà đàm phán của Bắc Kinh tỏ ra không mặn mà trong việc đạt thỏa thuận thương mại với Washington, nếu thỏa thuận đó yêu cầu cơ quan lập pháp Trung Quốc phải thông qua những sửa đổi trong các luật hiện hành. Tháng 3 vừa qua, Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn luật đầu tư nước ngoài mới, bổ sung các điều khoản bảo vệ quyền lợi cho các công ty nước ngoài trước lo ngại bị buộc phải chuyển giao công nghệ cho công ty của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ và các tổ chức doanh nghiệp cho rằng, những sửa đổi, bổ sung này chưa đủ giải tỏa quan ngại của họ.

Triển vọng hai bên đạt được thỏa thuận cũng là điều gây bàn cãi ngay trong chính nội bộ Mỹ. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Mnuchin lạc quan về kết quả đàm phán, thì nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ Robert Lighthizer cho rằng, một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ vẫn chưa đủ để giải quyết dứt điểm khúc mắc giữa hai bên hiện nay.

Eswar Prasad, nhà kinh tế học đồng thời là cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Trump trên Twitter nhằm “rung cây dọa khỉ” trước khi Mỹ - Trung Quốc bước vào vòng đàm phán cuối. Dự kiến, hai bên sẽ nối lại đàm phán thương mại vào ngày 8.5. Trước đó, các quan chức Mỹ nhận định, đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cuối. Trong bối cảnh đó, cảnh báo của Tổng thống Donald Trump nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh, buộc Trung Quốc phải nhanh chóng chấp thuận thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, động thái này cũng phủ bóng đen lên triển vọng Mỹ - Trung có thể đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài nhiều tháng qua. Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc ngày 5.5 cho biết đang cân nhắc hủy các cuộc đàm phán với Mỹ trong tuần này.

Michael Pillsbury, học giả nghiên cứu về Trung Quốc tại Học viện Hudson, kiêm cố vấn về Trung Quốc của Nhà Trắng cho rằng, cảnh báo mà Tổng thống Mỹ đưa ra cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Theo chuyên gia này, rõ ràng Tổng thống sẽ làm theo những gì ông đã tuyên bố, tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể thuyết phục ông ngừng tái áp thuế bằng cách đưa ra nhượng bộ.

Nhật An