Góc nhìn

Gia công không có lỗi

- Thứ Sáu, 06/05/2016, 08:09 - Chia sẻ
Gần đây, một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cho rằng Việt Nam đã và đang rơi vào bẫy gia công (hay còn gọi là bẫy giá trị gia tăng thấp). Có người gọi nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế gia công. Nghịch lý của nền kinh tế gia công là đòi hỏi đầu tư về hạ tầng cơ sở rất lớn trong khi giá trị gia tăng đạt được lại rất thấp. Đời sống công nhân khó khăn vì đồng lương rẻ mạt. Việc rơi vào bẫy gia công cũng dễ biến nước ta thành bãi rác cho công nghệ lạc hậu.

Nhận xét này xuất phát từ thực tế là Việt Nam đang tham gia vào phần thấp nhất của chuỗi giá trị toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Có thể lấy ngành dệt may làm ví dụ. Trong số 5 mắt xích của chuỗi giá trị dệt may, khâu thiết kế có tỷ suất lợi nhuận cao nhất, tiếp đến là marketing - phân phối sản phẩm và sản xuất nguyên phụ liệu, rồi tới xuất khẩu và cắt may nằm ở vị trí cuối cùng trong chuỗi giá trị. Dệt may Việt Nam dù đã phát triển vượt bậc kể từ sau Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ có hiệu lực (năm 2001) thì đến nay, số doanh nghiệp may vẫn chiếm tới 70%, dệt chiếm 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4% và phụ trợ chỉ 3%...  Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 đạt 27,1 tỷ USD nhưng 70% hàng xuất khẩu được thực hiện theo phương thức cắt - ráp - hoàn thiện (gia công) nên lợi lộc không đáng bao nhiêu. Nguyên liệu may mặc hiện chủ yếu nhập khẩu. Phân phối chưa phát triển và đang phụ thuộc vào các nhà buôn nước ngoài. Rất ít doanh nghiệp dệt may có được các hợp đồng trực tiếp từ các nhà bán lẻ để cung cấp sản phẩm của mình, phần lớn vẫn phải thông qua các nhà cung cấp khu vực để có các hợp đồng gia công.

Tuy nhiên, nhận định “Việt Nam đã và đang rơi vào bẫy gia công” dường như mang tính phóng đại, bi kịch hóa. Vì bất cứ nước đang phát triển nào có nguồn lao động dư thừa và giá rẻ cũng phải trải qua giai đoạn gia công cho đến khi lao động hết dư thừa, tiền lương trở nên đắt đỏ hơn ngay cả với những ngành thâm dụng lao động. Lúc đó nền kinh tế sẽ trải qua những biến đổi về cơ cấu nhờ những lực đẩy nội tại như chính sách công nghiệp, năng lực lãnh đạo của quan chức… và những lực đẩy từ bên ngoài như cách mạng công nghệ, toàn cầu hóa và phân công lao động trong chuỗi sản xuất của thế giới…

Nói cách khác, nếu nước ta đã giàu có, lương nhân công đắt đỏ thì chắc chắn không ai dám thuê gia công như hiện giờ. Bởi vậy, sẽ không đúng khi nói nền kinh tế gia công là nguyên nhân dẫn đến thu nhập của người lao động thấp. Ngược lại, chính vì giá lao động còn rẻ nên các nước mới chuyển công đoạn này đến nước ta. Hàng chục triệu lao động tay nghề thấp đã có việc làm và sống được nhờ nền kinh tế gia công. Nước ta có trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu hay không phụ thuộc vào việc chúng ta chặt chẽ hay sơ hở trong quản lý chứ tội lỗi không nằm ở nền kinh tế gia công. Hơn thế, trong giai đoạn đầu của thời kỳ công nghiệp hóa, có nước nào không phải đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng?

Với những nguồn lực chúng ta đang có trong tay thì sự xuất hiện và tồn tại của một nền kinh tế gia công là tất yếu. Lúc này, nỗi lo rơi vào bẫy gia công không cần thiết, mà việc cần làm là tập trung nâng cấp năng lực quản lý và làm chính sách của Chính phủ để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển mình (có thể đến sớm hơn nếu đủ may mắn) của nền kinh tế.

Hồng Loan