Gia cố thật chắc cơ chế phòng ngừa tham nhũng

- Thứ Hai, 04/11/2019, 07:45 - Chia sẻ
Công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được QH thảo luận trong phiên họp toàn thể hôm nay, 4.11. Những chuyển động trong công tác này, theo nhận xét của nhiều ĐBQH là “chưa bao giờ quyết liệt và hiệu quả như vừa qua”, “được nhân dân ghi nhận, đồng tình và tin tưởng”. Dù vậy, đây vẫn là “cuộc chiến” lâu dài khi vẫn còn khá nhiều tồn tại dù đã được chỉ ra lâu nay nhưng việc khắc phục còn chậm chạp. Song song với nhiệm vụ “chống”, cần tập trung “gia cố” thật chắc chắn cơ chế phòng ngừa tham nhũng.

Thực hiện biện pháp phòng ngừa còn hạn chế

Theo ghi nhận của Ủy ban Tư pháp, trong năm 2019, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ triển khai tích cực, một số biện pháp mang lại hiệu quả tốt hơn như: tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm và đã có nhiều chuyển biến tích cực; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ, các ngành, các cấp cũng rất nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh…, ước tính tiết kiệm được hàng triệu ngày công lao động và hàng trăm tỷ đồng...

“Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn hạn chế”, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Chỉ rõ những hạn chế này, Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho biết, tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, có 131 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; 176 trường hợp thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; 121 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp; 15 trường hợp bị kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc…), trong đó có trường hợp được bổ nhiệm gây bức xúc trong dư luận. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân. Minh chứng là, Báo cáo điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy vẫn còn tới 54,8% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức; 58% doanh nghiệp cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước ở địa phương giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, trong đó có những trường hợp gây phản cảm và bức xúc trong dư luận. Trong bối cảnh “lò” chống tham nhũng không “hạ nhiệt” trong mấy năm qua, những biểu hiện này, theo đánh giá của một thành viên Ủy ban Tư pháp, ở góc độ nhất định cũng cho thấy sự “nhờn” của những cán bộ vi phạm. Có lẽ cũng vì thế mà ngay trong Báo cáo thẩm tra trình QH tại Kỳ họp này, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ cần báo cáo QH về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước. Trước đó, trong Báo cáo thẩm tra 2 năm trước - ngày 31.10.2017, Ủy ban Tư pháp cũng đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tổng rà soát, kiểm tra công tác cán bộ.

Ở góc độ khác, việc kiến nghị xử lý vi phạm qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là một yếu tố khiến công tác phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, chưa hiệu quả. Ủy ban Tư pháp nhận định, nhiều năm qua, công tác này vẫn chủ yếu là kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự, nhất là trong hoạt động kiểm toán nhà nước và theo phản ánh của dư luận là chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, có biểu hiện hành chính hóa quan hệ hình sự. Số liệu cho thấy, công tác thanh tra phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều tập thể, nhiều cá nhân, ban hành 107.579 quyết định xử phạt, nhưng chỉ kiến nghị xử lý hình sự được 102 vụ với 181 đối tượng (giảm 6 vụ và tăng 65 đối tượng so với cùng kỳ năm 2018). Kiểm toán nhà nước cũng không báo cáo về việc kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính.

“Một số trường hợp, qua hoạt động thanh tra chuyên ngành đã phát hiện sai phạm nhưng do xử lý thiếu triệt để dẫn đến “nhờn luật”, sai phạm sau của doanh nghiệp còn trầm trọng hơn sai phạm trước, biểu hiện rõ nhất là các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng trái phép”, đơn cử như trường hợp của Tập đoàn Mường Thanh. Nhấn mạnh điều này, Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, cử tri cho rằng, để xảy ra sai phạm trong trật tự xây dựng tại các đô thị lớn là có sự tiếp tay của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, nhất là tiêu cực của cán bộ có chức năng thanh tra xây dựng. Đồng thời, trước thực trạng các vi phạm về trật tự xây dựng, xây dựng trái phép xảy ra khá phổ biến, đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng và cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm để chấn chỉnh công tác này trong thời gian tới.

“Không mật” vẫn đóng dấu... “tối mật”

Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ: công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động, trách nhiệm giải trình tuy có chuyển biến, nhưng vẫn còn tình trạng không công khai, lạm dụng bảo mật thông tin để không công khai hoặc nội dung công khai không cụ thể, nhất là trên các lĩnh vực về quản lý, sử dụng đất, lập dự án… làm cản trở việc tiếp cận thông tin của báo chí, người dân. Thậm chí, trong một số trường hợp, Chính phủ, các cơ quan tư pháp gửi tài liệu đến QH, các cơ quan của QH nhưng đóng dấu mật, tối mật vào cả những nội dung không mật. Việc kiểm tra, xử lý trong công khai, minh bạch còn hạn chế. Minh chứng là kết quả kiểm tra 5.202 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, chỉ phát hiện được 40 trường hợp có vi phạm. Trong khi đó, theo dư luận thì việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa phản ánh đúng tình trạng vi phạm trong công khai, minh bạch. Trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật, nhất là giải trình khi báo chí đăng tải thông tin vi phạm trong một số trường hợp chưa được thực hiện.

Đặc biệt, năm 2019, theo Báo cáo của Chính phủ, có 1.081.235 người đã kê khai tài sản, thu nhập, nhưng chỉ xác minh đối với 46 trường hợp; kết quả xác minh dù phát hiện tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018 nhưng con số cũng chỉ có 10 trường hợp vi phạm. Con số này - như nhiều năm qua -  luôn khiến cử tri và nhân dân băn khoăn khi chưa phản ánh đúng thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp kê khai không trung thực, nhất là không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý. Việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập - một biện pháp hết sức quan trọng để phòng ngừa và phát hiện tham nhũng - rõ ràng vẫn chưa khắc phục được tính hình thức, kê khai theo kiểu cho có.

Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng mặc dù được tăng cường nhưng “vẫn chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý”. Năm 2019, có 30 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng, trong đó có 3 trường hợp bị xử lý trách nhiệm hình sự, giảm 26 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, cũng theo ghi nhận của Ủy ban Tư pháp, vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện, nên hiệu quả của biện pháp này trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao.

Những lát cắt như vậy cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều việc phải làm. Hơn nữa, từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong mấy năm qua, điều quan trọng phải làm hiện nay song song với nhiệm vụ “chống” theo đúng nguyên tắc “không có vùng cấm” còn phải tập trung cho công tác “phòng ngừa” nguy cơ tham nhũng, phải tổng kết, nghiên cứu, đánh giá, như cách nói của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga là, phải làm rõ đường đi của tham nhũng để xây dựng cơ chế phòng ngừa hữu hiệu hơn. Chính phủ phải tổng kết, đánh giá, rà soát và đưa ra danh mục những quy định pháp luật còn thiếu, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, qua đó, tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nguyễn Bình