Gấp rút xây dựng kịch bản ứng phó dịch tả lợn châu Phi ở phía Nam

- Chủ Nhật, 26/05/2019, 22:18 - Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho tới nay dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm nhất và gây thiệt hại nặng nề nhất cho ngành chăn nuôi thế giới và cả Việt Nam. Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh ở các tỉnh phía Nam, vì vậy 18 tỉnh, thành phố thuộc hai vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long phải gấp rút xây dựng kịch bản ứng phó với dịch tả lợn châu Phi theo từng tình huống cụ thể.

Bộ NN - PTNT đã định hình trước mức độ nguy hiểm và chủ động thực hiện phòng, chống dịch sớm nhưng diễn biến dịch tả lợn châu Phi ngày càng khó lường. Những ngày gần đây dịch tiếp tục lan nhanh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các ổ dịch tuy xuất hiện nhỏ lẻ tại các hộ chăn nuôi nhưng trải rộng ở nhiều tỉnh khiến công tác khoanh vùng, dập dịch khó khăn và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên quy mô vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tất cả tỉnh, thành phố phía Nam đã xảy ra hay chưa có dịch tả lợn châu Phi đều phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương cho từng giai đoạn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Mỗi địa phương phải xác định phòng dịch hơn dập dịch, dập dịch như diệt giặc để thực hiện hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và xử lý ổ dịch. Địa phương nào phát hiện có lợn chết thì lập tức tiêu hủy ngay mà không cần đợi xét nghiệm hay báo cáo cấp trên và người đứng đầu các địa phương phải trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng chống, xử lý dịch bệnh ở địa phương mình. Kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố đã giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu thì công tác phòng, chống dịch được triển khai rất hiệu quả.

Để ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi thời gian tới, Chi cục Thú y vùng 6 khuyến cáo các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, tăng cường tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi, đường giao thông, làm sạch môi trường nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh.

Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long chú ý rà soát các tuyến đường thủy có thể vận chuyển lợn ra, vào địa bàn để thành lập các tổ kiểm tra lưu động hoặc các chốt kiểm tra, kiểm soát trong địa bàn; kịp thời phát hiện các trường hợp vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm thịt lợn có nguy cơ mang gây bệnh.

Mặt khác, công tác truyền thông cần thông tin rộng rãi và kịp thời những chính sách hỗ trợ cho chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo quy định để người dân chủ động thông báo cho chính quyền, cơ quan thú y khi lợn có biểu hiện bệnh, góp phần thực hiện phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Về lâu dài, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

MH