Chính sách và cuộc sống

Gánh nặng bảo lãnh nợ vay

- Thứ Bảy, 10/08/2019, 07:14 - Chia sẻ
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, lũy kế đến hết năm 2018, Chính phủ đã bảo lãnh vay vốn cho các dự án đầu tư quan trọng khoảng 27,7 tỷ USD, trong đó có 23,6 tỷ USD vốn vay nước ngoài, còn lại là vay trong nước. Riêng năm 2018, Chính phủ chỉ cấp mới bảo lãnh cho 2 dự án điện vay vốn nước ngoài với tổng trị giá 1,6 triệu USD và bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu. Như vậy có thể thấy, bảo lãnh Chính phủ dù được nối lại sau một năm tạm dừng (2017) vì nợ công tăng cao nhưng vẫn được kiểm soát chặt chẽ, thận trọng.

Tuy nhiên, an ninh tài chính quốc gia đang chịu sức ép đáng kể từ khả năng trả nợ của các dự án được Chính phủ bảo lãnh trong quá khứ. Năm ngoái, Quỹ Tích lũy trả nợ phải ứng 8,13 triệu USD cho Tổng công ty Giấy Việt Nam để trả nợ cho Nhà máy bột giấy Phương Nam, nâng tổng trị giá ứng trả cho dự án này lên… 97 triệu USD. Một loạt dự án đầu tư dây chuyền sản xuất ximăng được Chính phủ bảo lãnh nợ vay cũng đang gặp khó khăn. Cụ thể, dự án ximăng Thái Nguyên mất khả năng trả nợ từ năm 2011, đến nay Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam đã phải tạm ứng từ Quỹ tích lũy trả nợ 30,79 triệu EUR. Dự án ximăng Hạ Long cũng thua lỗ và không trả được nợ từ 2012 - 2015, vì thế Tổng công ty Sông Đà phải vay Quỹ Tích lũy trả nợ 52,21 triệu USD để trả nợ vay nước ngoài.

Khá khẩm hơn chút là dự án ximăng Đồng Bành, dù gần đây đã sản xuất ổn định nhưng vẫn phải vay 16,55 triệu USD để có tiền trả nợ.

Không rõ đến nay Quỹ Tích lũy trả nợ đã phải ứng ra bao nhiêu tiền. Chỉ biết rằng, khoản nợ của doanh nghiệp khi được Chính phủ cấp bão lãnh thì đến hạn nhất định phải trả đủ, và trường hợp doanh nghiệp không có khả năng chi trả, Chính phủ sẽ phải đứng ra trả thay. Nếu không, uy tín tín dụng của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng và điều này tác động ngay lên chi phí vay vốn của cả nền kinh tế.

Một điều nữa cũng không ai biết đó là khi nào Quỹ Tích lũy trả nợ mới được các dự án này... trả nợ! Như Nhà máy bột giấy Phương Nam, từ năm 2014, Chính phủ đã yêu cầu xây dựng phương án xử lý theo hình thức thanh lý hoặc nhượng bán lại. Nhưng đến nay Bộ Công thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết xong tài sản và hàng tồn kho của dự án để trả cho Quỹ Tích lũy trả nợ. Vài ba lần dự án được mang ra đấu giá mà không có nhà đầu tư nào quan tâm vì… giá quá cao. Tháng 6.2019, Bộ Công thương báo cáo Quốc hội rằng, việc định giá lại dự án đã hoàn tất và trình Bộ Công thương phê duyệt để tiếp tục triển khai bán đấu giá. Nghĩa là sau 5 năm, dự án gần 1.500 tỷ đồng này vẫn dậm chân tại chỗ ở khâu xử lý, chỉ có số tiền tạm ứng trả nợ là tăng dần đều. 

Từ thực tế này, có lẽ đã tới lúc Chính phủ cần phải dũng cảm để những doanh nghiệp nhà nước phá sản và bán một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thậm chí với giá 0 đồng. Phá sản doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm, nghìn công nhân viên, nhưng nếu cứ trì hoãn “mua thời gian” cho các doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” thì cũng có hàng triệu người dân bị ảnh hưởng vì ngân sách vẫn phải trực tiếp hoặc gián tiếp nuôi và trả nợ thay cho các doanh nghiệp.  Chính phủ càng không phải lo chuyện bán vội thì giá sẽ rẻ, gây thất thoát tài sản nhà nước. Bởi một khi doanh nghiệp công nợ ngập đầu thì có ai đó mua với giá 0 đồng cũng đã quá tốt, còn hơn là Nhà nước phải tiếp tục đứng ra è cổ trả nợ thay không biết bao giờ mới thôi như trường hợp dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.

Lâu nay báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội chỉ cho biết về số doanh nghiệp được bảo lãnh vay nợ, thay vì cho biết chi tiết hiệu quả sử dụng vốn vay được bảo lãnh ở từng dự án và khả năng trả nợ của từng dự án đến nay ra sao. Đây cũng là điều cần được thay đổi trong những kỳ họp tới.

Hà Lan