Gắn với phát triển du lịch

- Thứ Hai, 05/08/2019, 08:36 - Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp vùng, miền độc đáo, chất lượng, đã được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Thực tế, ở Đồng Nai mô hình du lịch kết hợp sinh thái nông thôn đã được phát triển từ lâu và đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Phát huy lợi thế sẵn có

Tháng 12/2018, tại Lai Châu VPĐP NTM Trung ương và Tổng cục Du lịch đã ký kết Chương trình phối hợp xây dựng Đề án và bộ tiêu chí OCOP cho các sản phẩm dịch vụ du lịch, tiêu chí các làng Văn hóa du lịch, hướng dẫn các địa phương trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, khẳng định vai trò quan trọng của du lịch với chương trình OCOP.

Đồng Nai có thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như những giá trị văn hóa - lịch sử giàu bản sắc dân tộc kết hợp với các mô hình sản phẩm đặc trưng đã thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách.


Du lịch nông nghiệp mang lại hiệu quả đồng bộ cho những sản phẩm thế mạnh của Đồng Nai

Toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng trên 60 điểm du lịch, trong đó các điểm du lịch sinh thái chiếm đa số. Du lịch sinh thái ở Đồng Nai đa dạng, phong phú về mặt tự nhiên và sinh học. Một trong những thế mạnh, sức hấp dẫn của du lịch sinh thái ở Đồng Nai là mỗi nơi đều có nét riêng của mình, vừa có sắc thái vùng sông nước miền Tây lại vừa có đặc trưng của miền Đông Nam Bộ.

Bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, Đồng Nai còn là nơi hội nhập, dung hợp nhiều giá trị văn hóa, xã hội; tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch tiềm năng. Trong quá trình hình thành và phát triển, Đồng Nai có nhiều ngành nghề truyền thống với những sản phẩm mang đậm nét văn hóa - bản sắc dân tộc, nhiều làng nghề thủ công được phát triển và gắn với du lịch như nghề dệt thổ cẩm; nghề đúc gang…

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cũng gợi ý, thế mạnh của Đồng Nai là rừng, sông Đồng Nai cũng rất đẹp để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu vui chơi của người dân trong tỉnh và lượng khách lớn từ TP Hồ Chí Minh từ đó kết nối, tổ chức sự kiện, hội chợ để quảng bá, tiếp thị để tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đây được xem là phương thức “cộng sinh” phát triển sản phẩm tối ưu và truyền thông đích đồng thời cho nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Liên kết gia tăng giá trị sản phẩm

Được ví như loài cây của thượng đế hay thực phẩm của các vị thần theo tiếng Hy lạp. Cây ca cao được biết đến từ hơn 3000 năm trước tại vùng Trung Mỹ và Mexico, ở Việt Nam, cây ca cao được du nhập vào rất sớm, theo chân các nhà truyền giáo phương Tây. Tại Đồng Nai, cây ca cao được đưa vào trồng từ những năm 80, tuy nhiên, đến năm 2003 thông qua chương trình “cây ca cao quốc gia” với việc các doanh nghiệp ở Đồng Nai tham gia vào chương trình đầu tư canh tác bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu, hiệu quả kinh tế ngày càng được khẳng định, đã trở thành loại cây trồng có thế mạnh ở địa bàn Đồng Nai, nhiều nhất ở huyện Định Quán.

Cách không xa khu Đá Ba Chồng và khu du lịch Suối Mơ, vườn ca cao Trọng Đức không chỉ là điểm dừng chân để du khách nghỉ ngơi trên đường tới những điểm du lịch tại Đồng Nai mà còn mang tới những trải nghiệm độc đáo về cách trồng và chăm sóc ca cao. Khi đến đây, du khách sẽ được hướng dẫn thăm vườn ca cao đang mùa thu hoạch, tham quan quá trình từ khâu thu hái trái, sơ chế đến khâu chế biến rượu, sô-cô-la và các sản phẩm khác từ trái ca cao. Với rất nhiều du khách, đây là lần đầu tiên được thấy tận mắt loại trái cây mà lâu nay họ vẫn nghĩ là chỉ trồng được ở nước ngoài.

Không chỉ thu hút được sự quan tâm của du khách phương xa mà hình thức du lịch này cũng thu hút nhiều người dân địa phương. Theo đại diện của công ty Trọng Đức, những năm trở lại đây, lượng khách tới vườn ca cao Trọng Đức tăng đều qua các năm. Tour trải nghiệm vườn ca cao hay chủ nhân của những cây ca cao khá đông, trong đó phần lớn là khách quốc tế. Đặc biệt, sau khi làm việc với công ty ca cao Ken của Nhật, vườn ca cao Trọng Đức thu hút đông khách Nhật, mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo và mới lạ cho du khách đến từ xứ sở Phù Tang…

Ngoài các thương hiệu lâu năm, du lịch Đồng Nai vẫn luôn có những điểm vui chơi hấp bằng những khu sinh thái như rừng tre xanh mát và những thảm cỏ xanh cạnh hồ nước… Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít có tác động đến môi trường song, du lịch kết hợp với chương trình OCOP vẫn còn nhiều bỡ ngỡ với doanh nghiệp và người dân phương. Bày tỏ những khó khăn doanh nghiệp mong được tháo gỡ khi đầu tư vào dịch vụ du lịch nông nghiệp, ông Nguyễn Phạm Việt Anh, Giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Hương Đồng (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Dịch vụ của chúng tôi là tập trung vào các mô hình du lịch nông nghiệp gắn với rèn luyện kỹ năng cho trẻ em qua việc trải nghiệm cuộc sống nhà nông như: tham gia gieo trồng, thu hoạch và nhiều kỹ năng sinh hoạt, sản xuất khác. Vì chúng tôi đầu tư vào vùng sâu, vùng xa nên về cơ sở hạ tầng, như: đường, điện…còn hạn chế”.

Có thể nói rằng, phát triển du lịch gắn với chương trình OCOP là bước đi đúng cần được nhân rộng để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc. Chính vì vậy mô hình này cần được sự quan tâm hơn nữa từ các cơ quan, ban ngành đồng hành với người dân, doanh nghiệp trong tháo gỡ những khó khăn từ thủ tục, nguồn vốn… để cùng phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp.

TRUNG NGUYÊN