Gắn thế mạnh của địa phương với liên kết vùng

- Chủ Nhật, 26/02/2017, 07:47 - Chia sẻ
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần tiếng nói chung, có cơ chế, chính sách để tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển. Trong quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH, HĐND tỉnh xác định tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn với liên kết vùng, khu vực làm điểm xuất phát, làm cơ sở xem xét, ban hành quyết định.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Điểm nghẽn lớn nhất, kìm hãm sự phát triển của khu vực ĐBSCL nhiều năm qua là thiếu sự liên kết hiệu quả giữa các tỉnh, thành, thiếu kế hoạch liên kết vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển; chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, tưng xứng với thế mạnh của vùng; sức cạnh tranh về giá trị hàng hóa còn thấp; chưa tạo dựng được thương hiệu có uy tín; cơ sở hạ tầng thiếu và yếu…

Trong quyết định quy hoạch, kế hoạch, biện pháp phát triển KT - XH, HĐND tỉnh Sóc Trăng xác định tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn với liên kết vùng, khu vực làm điểm xuất phát, làm cơ sở xem xét, ban hành quyết định. Các quyết sách của HĐND tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH, bảo đảm QP - AN, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Nhiều nghị quyết đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng cử tri.

HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết phát triển KT - XH 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh... Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL.

HĐND tỉnh cũng chú trọng nghiên cứu, ban hành các nghị quyết chuyên đề thúc đẩy phát triển KT - XH như: Nghị quyết Hỗ trợ lãi suất mua máy gặt đập liên hợp thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch trong sản xuất lúa trên địa bàn, hỗ trợ cho các hộ nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp trong tỉnh có nhu cầu mua máy gặt đập liên hợp, có vốn đối ứng, có khả năng quản lý và sử dụng máy hiệu quả. Trong đó, ưu tiên những cánh đồng sản xuất tập trung. Nhờ triển khai tốt, tỷ lệ diện tích lúa hiện nay được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đã phủ kín trên địa bàn tỉnh, giảm chi phí thu hoạch, giảm áp lực nhân công vào mùa, giữ được chất lượng lúa tốt.

Nghị quyết về Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản nhằm nâng cao giá trị hạt gạo Sóc Trăng trên thị trường trong nước và thế giới đã tạo chuyển biến cơ bản trong nhận thức của nông dân về canh tác lúa có chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đến nay, các vùng sản xuất lúa đặc sản phát triển ổn định. Nhiều nơi trong vùng Đề án đã thành công bước đầu trong thực hiện mô hình thí điểm, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn với liên kết vùng, khu vực là cơ sở để HĐND tỉnh ban hành các quyết sách phát triển KT - XH
Ảnh: Hải An

Cần chính sách liên vùng

 ĐBSCL sản xuất đến 50% tổng sản lượng lúa gạo của Việt Nam và 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước. Vì vậy, liên kết để sản xuất hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước rất quan trọng. Điều đó đòi hỏi quy hoạch và phối hợp, trên cơ sở đó các địa phương cùng thực hiện và đầu tư phát triển.

Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để. Từ đó, giúp ĐBSCL có thể huy động nguồn lực phục vụ phát triển, bằng nhiều hình thức để tăng cường sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách như ODA, hợp tác công - tư PPP; phát huy thế mạnh của từng địa phương, có phân công cụ thể vùng nào, tỉnh nào, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm hoặc trái cây gì cho phù hợp, tạo đột phá trong phát triển.

Bộ NN - PTNT nghiên cứu, ban hành Quy hoạch Sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực cho cả vùng theo các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp theo hướng chú trọng tổ chức cho nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng bảo đảm, gắn với chế biến và tiêu thụ; chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Bộ, ngành, Trung ương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể về đất đai và nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL phù hợp với xu thế biến đổi khí hậu và tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp đa mục tiêu của vùng.

Thạch Thal - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng