Gắn bó, hạnh phúc bên cử tri

- Thứ Bảy, 20/02/2016, 09:50 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Những ngày đi bộ đến được với đồng bào Thượng, rồi ngồi quây quần bên những chén rượu cần trong nhà Rông để báo cáo kết quả kỳ họp và lắng nghe đồng bào phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình luôn là những kỷ niệm không thể nào phai nhạt... Những phút giây xúc động tình cảm trào dâng gắn bó và hạnh phúc như được gặp lại những người thân quen đã từng giúp đỡ khi chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa bồi hồi nhớ lại.

>> Đến bao giờ mới làm?

>> Một nhiệm kỳ đổi mới, hiệu quả và chất lượng

>> Văn hóa giao thông gắn với kỷ luật công vụ

Trăn trở hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc
 
Dù rất bận rộn nhưng ông vẫn cố thu xếp cho chúng tôi một cái hẹn vào những ngày cuối năm. Hà Nội trong thời gian này rất lạnh, gặp ông ở văn phòng với bộn bề công việc, bên tách trà nóng, ông nói luôn “tôi chỉ có 15 phút, chúng ta trao đổi nhanh nhé”. Ông là vậy, dù là ĐBQH cho đến nay là 3 khóa, nhưng vẫn luôn thẳng thắn với nhiều trăn trở trong công tác lập pháp.

Ông cho biết, mình bắt đầu nghiệp dân cử từ khóa XI, lúc đó ông đảm nhiệm đại biểu kiêm nhiệm; cho đến khóa XII và XIII mới là đại biểu chuyển trách với cương vị là Phó chủ nhiệm và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh. 

Khi chúng tôi đề cập đến kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình đảm nhận công tác, ông bồi hồi chia sẻ, trong quá trình xây dựng Luật và pháp lệnh về chính sách quốc phòng, an ninh, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi thẩm tra và báo cáo tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó có phải thực hiện chủ trương quy định “vị trí có nhu cầu cấp Tướng ngay trong Luật” và những vấn đề chính sách, chế độ tiền lương, nhà ở của sĩ quan trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Công tác lập pháp nhiệm kỳ này thực sự đồ sộ, ông cho biết. Và mình chỉ mới đóng góp phần nhỏ bé vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và các quy định của Hiến pháp đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang.
 
Có lẽ chính vì vậy mà ông vẫn còn trăn trở về một chiến lược để hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc nói chung và nhiệm vụ quốc phòng an ninh nói riêng. Ông băn khoăn, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật ban hành còn thiếu đồng bộ, thống nhất, chưa gắn các chính sách quốc phòng an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách chặt chẽ trong một số lĩnh vực để phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.    

Vì cử tri mà đấu tranh, mà thực hiện nhiệm vụ đại biểu

Tiếp tục câu chuyện về người đại biểu nhân dân, ông nói. Mối quan hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri là tất yếu. Mối quan hệ đó không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc một năm bốn lần tiếp xúc cử tri, trước và sau mỗi kỳ họp. Mối quan hệ đó phải được xây dựng dựa trên một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu đó là sự trăn trở, tâm huyết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng đi cùng với đó cũng rất nhiều cung bậc cảm xúc. 

Dù vậy, sau mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, ông lại nhận thấy chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhưng thực tế chưa đến được với đồng bào, đặc biệt là những đồng bào còn khó khăn nên trong đại bộ phận người nghèo ở các địa phương thì người dân tộc thiểu số vẫn chiếm số lượng lớn. Đây có lẽ là băn khoăn, trăn trở lớn nhất mà ông nhận thấy cần phải kiến nghị với Đảng, Nhà nước đổi mới cơ chế, chính sách để thực hiện được nguyện vọng của Bác Hồ là đồng bào miền núi phải tiến kịp miền xuôi “để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Để gắn chặt mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri thì không có gì có thể thay thế được việc đại biểu phải biết và luôn luôn lắng nghe cử tri, để từ đó vì tâm tư nguyện vọng của cử tri mà đấu tranh, mà thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu, để đưa tiếng nói của cử tri trước diễn đàn QH để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri. Chỉ có như vậy mối quan hệ này mới thực sự bền chặt, keo sơn.

Bước vào năm mới, cũng là năm chuyển giao của nhiệm kỳ, năm chờ đợi nhiều cơ hội và thách thức đan xen của đất nước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa hy vọng, năm mới, nhiệm kỳ mới đất nước sẽ có những chủ trương đúng đắn, những quyết sách sáng tạo, đột phá để đất nước ngày càng phát triển hơn nữa.

Lê Hoa - Nguyễn Thăng