Facebook và Tweeter: Hai kênh truyền thông phổ biến nhất

- Thứ Sáu, 08/05/2015, 08:21 - Chia sẻ
Những nghị viện đã sử dụng truyền thông xã hội thường chọn Facebook, Tweeter để cung cấp thông tin, tương tác với công chúng, ví dụ nghị viện Trinidad & Tobago có tài khoản Tweeter. Còn Ủy ban Về tương lai của Quốc hội Phần Lan trực tiếp sử dụng Facebook như một địa điểm thu thập ý kiến của công chúng về tương lai của đất nước, trong đó về vai trò của công nghệ.

Quốc hội Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược về nghị viện điện tử (E-parliament) hướng đến một cơ quan lập pháp mở và dễ tiếp cận. Trong đó, nhiều dịch vụ truyền thông xã hội do một nhóm công tác truyền thông thuộc Ban thư ký Quốc hội cung cấp. Nhóm này chịu trách nhiệm hàng ngày rà soát các thông tin được đăng tải và phản hồi từ công dân, nhưng không trao đổi, không được hủy bỏ các thông tin đó, trừ khi chúng quá thô bạo hoặc đó là thông tin rác. Nhóm cũng hỗ trợ nghị sĩ sử dụng truyền thông xã hội tốt hơn qua việc tư vấn về kỹ thuật và thực tiễn, tránh tình trạng các tài khoản của nghị sĩ bỏ không hoặc không được cập nhật thường xuyên. Ban thư ký nhận thấy người dân Hàn Quốc chủ yếu sử dụng Facebook và Tweeter, vì vậy đã lập tài khoản trên hai mạng xã hội này cho các nghị sĩ. Mặc dù mục đích ban đầu nhằm tăng cường sự tương tác với cử tri, trên thực tế chúng trở thành kênh cung cấp thông tin nghị viện, vì phần lớn người sử dụng là các cơ quan chính phủ và các tổ chức quan tâm đến hoạt động nghị trường. Trong thời gian xảy ra căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản năm 2012, các trang truyền thông xã hội của Quốc hội Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý của công chúng. Vào lúc đỉnh điểm của cuộc tranh luận này, số lượng like của Facebook Quốc hội Hàn Quốc tăng gấp đôi lên 860 và số người theo dõi Tweeter của Quốc hội lên đến 3.000. Những con số này tương đối nhỏ, cho thấy Quốc hội nước này vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình đưa truyền thông xã hội vào nghị trường. Điều đáng chú ý là phần lớn người theo dõi các trang này đang ở độ tuổi 20 đến 30.

Nghị viện Anh cũng là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng truyền thông xã hội. Để chuẩn bị cho phiên điều trần của Bộ trưởng Giáo dục trước Ủy ban Về giáo dục của Hạ viện, Ủy ban đã cho đăng lên Tweeter câu hỏi đối với rộng rãi công chúng: “Theo quý vị, Ủy ban chúng tôi nên nêu một vấn đề chính sách gì cho Bộ trưởng Giáo dục?”. Ủy ban đã nhận được 5.081 câu hỏi do người sử dụng Tweeter đề xuất, trong đó chủ đề phổ biến nhất là về chương trình, vị thế của những người làm giáo dục, các nhu cầu giáo dục cụ thể, hệ thống giáo dục mới. Các câu hỏi của cá nhân công dân đã vượt trội so với câu hỏi của các tổ chức giáo dục. Nhân viên giúp việc của Ủy ban đã nhóm các câu hỏi thành những chủ để lớn. Trong phần đầu của cuộc điều trần, các nghị sĩ đã nêu những câu hỏi nhận được qua Tweeter đối với Bộ trưởng Giáo dục. Sang đến phần thứ hai, các nghị sĩ hỏi xoáy tiếp Bộ trưởng những câu hỏi tại chỗ, trong đó có cả những câu do người dân và các tổ chức xã hội dân sự trực tiếp nêu lên qua Tweeter. Phiên điều trần được đăng tải công khai trên YouTube.

Ở ví dụ trên, Nghị viện Anh đã khai thác lợi thế của Tweeter để thu hút sự đóng góp và sự tham gia của công chúng vào quá trình hoạt động của một ủy ban. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý phương án này có thể gặp phải rủi ro như bị các nhóm lợi ích lợi dụng, hoặc quá tải với những câu hỏi, bình luận thái quá. Vì vậy, cần chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với những rủi ro như vậy. Đặc biệt, cần có những hành động tiếp theo như đăng tải bản tóm tắt các vấn đề nhận được, báo cáo về những việc đã làm sau đó.

Nguyên Lâm