Facebook gặp bão

- Thứ Năm, 02/07/2020, 06:00 - Chia sẻ
Tuần qua, các thương hiệu đình đám từ Coca Cola, Starbucks, Adidas, Ford, Honda đến Unilever đã rút quảng cáo khỏi Facebook để phản đối sự thất bại của công ty này trong việc ngăn chặn tình trạng gieo rắc thù hận trên nền tảng của mình. Động thái đó đi kèm với sự trả giá nặng nề khi mạng xã hội lớn nhất thế giới đánh mất tới 56 tỷ USD vì cổ phiếu lao dốc, còn bản thân khối tài sản của CEO Mark Zuckerberg cũng nhanh chóng bốc hơi 8 tỷ USD.

Vì sao nên nỗi ?

Cho tới nay, hơn 160 thương hiệu đưa ra quyết định tương tự nhằm hưởng ứng chiến dịch Ngừng kiếm lợi nhuận từ sự thù hận. Cuộc khủng hoảng lần này thậm chí được ví tồi tệ không kém vụ bê bối dữ liệu giữa Facebook và Cambridge Analytica nổ ra năm 2018, liên quan đến việc thu thập thông tin nhận dạng cá nhân của 87 triệu người sử dụng Facebook mà Cambridge Analytica bắt đầu thu thập vào năm 2014.

Trong nhiều năm qua, rất nhiều người, trong đó có các nhóm ủng hộ dân quyền kêu gọi Facebook phải làm nhiều hơn nữa để nền tảng xã hội này trở nên an toàn. Nhưng cho tới nay, Facebook bị đánh giá là hành động chưa đủ nhanh. Thực tế, Facebook từng bị chỉ trích là công cụ lan truyền nội dung kích động hận thù gây tình trạng bất ổn tại Sri Lanka cách đây 2 năm sau khi những phát ngôn xấu lan truyền đã châm ngòi bạo lực chống người Hồi giáo. Tương tự, ở Myanmar, nơi Facebook được sử dụng khá phổ biến, họ cũng bị đổ lỗi cho các hoạt động tuyên truyền, chia sẻ ngôn từ kích động, thù địch lan rộng, dẫn tới phân chia sắc tộc và tình trạng bạo lực đối với nhóm người Hồi giáo Rohingya thiểu số. Chưa hết, năm ngoái, các nền tảng xã hội bị đặt câu hỏi về cách kiểm soát nội dung của mình khi một tay súng đã truyền trực tiếp (livestream) trên Facebook hành động xả đạn của mình vào một nhà thờ ở Christchurch, New Zealand. Song kể từ đó, Facebook vẫn chưa có thay đổi ý nghĩa nào.

Nguồn: AFP

Sự thiếu tiến bộ của mạng xã hội này càng trở nên rõ ràng hơn sau khi xảy ra vụ việc cảnh sát Mỹ sử dụng bạo lực quá mức cần thiết và gây nên cái chết cho anh George Floyd, một người đàn ông da màu 46 tuổi ở Minneapolis. Từ đó châm ngòi cho làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát trên khắp thế giới. Qua vụ việc trên, rất nhiều thuyết âm mưu và thông tin sai lệch về cái chết của Floyd bị lan truyền trên mạng xã hội, nhiều trong số đó xuất hiện trong các nhóm chat riêng tư trên Facebook nên càng khó kiểm duyệt.

Không giống như Twitter, Facebook chọn cách tiếp cận ít can thiệp vào phát biểu của các chính trị gia. Họ từng phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ những nhóm vận động và ngay cả nhân viên của chính mình vì không xóa bài đăng “có khả năng kích động bạo lực” của Tổng thống Donald Trump, liên quan đến các cuộc biểu tình mới đây ở Mỹ. Facebook lập luận lý do để lại bài đăng vì họ xác định, dòng trạng thái “khi cướp bóc xảy ra, súng sẽ bắt đầu nổ” của người đứng đầu Nhà Trắng (ý là Mỹ sẽ triển khai quân đội nếu xảy ra tình trạng cướp bóc trong các vụ biểu tình ở Minneapolis) không vi phạm quy tắc của công ty. Trong khi đó, đối thủ của Facebook là Twitter đã mạnh tay dán nhãn cảnh báo vào các dòng tweet của Tổng thống. Twitter xác nhận đây là lần đầu tiên áp dụng nhãn cảnh báo kiểm chứng thông tin đối với bài đăng của một vị tổng thống.

Một số người có thể đặt câu hỏi: Tại sao Facebook lại là đích nhắm của chiến dịch Ngừng kiếm lợi nhuận từ sự thù hận? Trên thực tế, Facebook không phải mạng xã hội duy nhất bị chỉ trích vì không kiểm soát được các phát ngôn hận thù, bản thân Twitter, Youtube (thuộc Google) hay Reddit cũng “nằm trong lửa” vì những lý do tương tự. Theo nhiều nhà quan sát, sở dĩ chiến dịch nhắm vào Facebook là bởi họ là mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 2,6 tỷ người dùng mỗi tháng. Facebook cũng sở hữu Instagram và WhatsApp với cả tỷ tài khoản hoạt động.

Twitter từng bị phản đối vì không cấm những kẻ có tư tưởng người da trắng thượng đẳng truyền bá trên nền tảng, trong khi Facebook nói không với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc từ tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên, Twitter bắt đầu dán nhãn các dòng trạng thái đăng trên nền tảng của mình, kể cả những phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump như kể trên, mà họ đánh giá là có thể xúi giục bạo lực, đưa thông tin sai lệch hoặc chứa đựng nội dung bị truyền thông thao túng. Hồi đầu tuần, Reddit cũng cấm một diễn đàn thân Tổng thống Trump khá nổi tiếng, đồng thời tuyên bố thay đổi chính sách liên quan đến các phát ngôn thù hận trên nền tảng này. Tương tự, Youtube cũng cấm một vài kênh cổ xúy cho tư tưởng người da trắng thượng đẳng.

Trong khi đó, Facebook làm việc với bên thứ ba để kiểm tra sự thật và đưa ra cảnh báo về nội dung đối với thông tin sai. Dẫu vậy, mạng xã hội này lại không gửi bài đăng và quảng cáo của các chính trị gia cho bên kiểm tra sự thật vì cho rằng các phát ngôn, phát biểu đó đã được xem xét kỹ lưỡng.

Chỉ là đòn nhắc nhở?  

Sự quay lưng của một loạt thương hiệu lớn có dẫn đến sự sụp đổ của Facebook? Cho đến nay, câu trả lời là “khó”, cho dù ông lớn công nghệ này đang gặp sóng lớn. Nhiều nhà quan sát nhận định, chiến dịch rút quảng cáo khỏi Facebook không hẳn là cuộc tẩy chay mà chỉ như lời cảnh báo, nhắc nhở Facebook phải giải quyết những tồn tại lâu nay để giúp nền tảng xã hội này trở nên an toàn hơn. Bằng chứng là nhiều thương hiệu chỉ quyết định ngừng quảng cáo trong 30 ngày, kể từ 1.7.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích và chuyên gia thị trường cho rằng, chiến dịch tẩy chay chỉ có thể làm hoen ố thêm danh tiếng vốn đã phải chịu nhiều điều tiếng của Facebook hơn là làm thâm hụt mạnh túi tiền của công ty. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa Facebook không bị ảnh hưởng về tài chính. Ngay sau động thái của những thương hiệu lớn, tâm lý các nhà đầu tư vào Facebook đã bị ảnh hưởng. Thứ Sáu tuần trước, cổ phiếu Facebook giảm hơn 8%, đồng nghĩa với 56 tỷ USD vốn hóa thị trường bị bay hơi.

Trên thực tế, việc tẩy chay Facebook trong hơn một tháng thực ra là “nói dễ hơn làm”. Bởi Facebook đã tập hợp được kho dữ liệu về người dùng, cho phép các nhà quảng cáo nhắm mục tiêu vào khách hàng tiềm năng dựa trên tuổi tác, giới tính, vị trí và nhiều đặc điểm khác. Đây là lý do Facebook trở thành công cụ có giá trị cho các doanh nghiệp. Các đây 2 năm, một số nhà quảng cáo cũng từng tẩy chay Facebook về vụ bê bối Cambridge Analytica, nhưng mạng xã hội này vẫn tăng doanh số và người dùng đều đều.

Năm ngoái, Facebook thu về 69,7 tỷ USD từ quảng cáo, chiếm 98% tổng doanh thu. Phần lớn số tiền trên không đến từ các công ty lớn như Starbucks hay Coca Cola, mà là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ với ngân sách khiêm tốn đang dựa vào Facebook để thu hút khách hàng và gây dựng thương hiệu.  Cùng với Google, Facebook hiện hút về hơn nửa doanh thu quảng cáo trực tuyến và gần 30% tổng chi cho quảng cáo trên truyền thông tại Mỹ. Đầu năm nay, Facebook cho biết họ đang có 8 triệu khách hàng quảng cáo. Vì vậy, kể cả khi phải đối mặt với làn sóng tẩy chay quảng cáo lớn nhất lịch sử, số lượng khách hàng khổng lồ sẽ giúp Facebook trụ vững và tránh được thiệt hại tài chính lớn.

Thái Anh