EVN nỗ lực cung ứng điện những tháng cuối năm

- Thứ Ba, 28/08/2018, 08:55 - Chia sẻ
Với mức tăng trưởng sử dụng điện lớn, trên 10% mỗi năm như hiện nay thì từ năm 2019 - 2020 trở đi, việc cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhu cầu tăng đột biến

Theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành, năm 2018, với các dự án nguồn và lưới điện hiện có, Tập đoàn bảo đảm cung ứng điện ổn định cho sản xuất và tiêu dùng. Trong giai đoạn vừa rồi, nguồn điện đầu tư tăng thêm chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng 10%/năm. Với mức tăng này, nguồn điện tăng thêm cần 4.000 - 5.000MW nhưng thực tế vừa rồi thêm công suất được gần 3.000MW. Nhu cầu điện với tăng trưởng trên 10% thì việc cung ứng từ năm 2019 trở đi là hết sức khó khăn. Tập đoàn đã cân đối nguồn, đồng thời đưa ra giải pháp bảo đảm điện trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2018, ngành điện tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt ở mức 10,4%, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9%). Ngành điện bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt các hoạt động chính trị - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, đồng thời đáp ứng cấp nước cho khu vực hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tính chung 6 tháng, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 91,48 tỷ kWh, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Ngành điện đã hoàn thành và đưa vào phát điện Thủy điện Sông Bung 2 với tổng công suất 100MW; hoàn thành công tác thử nghiệm, chạy tin cậy và phát điện thương mại các dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình, Vĩnh Tân 4, qua đó đóng góp vào tăng trưởng của ngành điện.

Nỗ lực đáp ứng nguồn cung

Theo EVN, từ nay đến cuối năm, chi phí đầu vào của ngành điện tăng hơn 4.097 tỷ đồng do giá dầu, giá khí cung cấp cho điện sắp tới sẽ tính theo giá thị trường. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, giá điện từ nay đến cuối năm không tăng.

Theo EVN, giai đoạn 2019 - 2020, khả năng thay thế các nguồn điện chạy dầu, để bảo đảm tài chính của Tập đoàn là khó khăn, nhu cầu điện dầu 3 - 4 tỷ kWh/năm. Đây là áp lực đối với tài chính của Tập đoàn nhưng cũng không còn nguồn nào khả thi hơn để bảo đảm nhu cầu điện của đất nước. Hiện Tập đoàn đang tập trung vào đàm phán, mua điện từ các nước trong khu vực, đặc biệt là từ Lào, thu xếp các chủ đầu tư đầu tư vào điện mặt trời. Hiện khả năng đáp ứng khoảng 2.000MW thì tăng thêm khoảng 2 - 3 tỷ kWh, giảm gánh nặng trong giai đoạn 2019 - 2020.

Để bảo đảm nguồn cung ứng điện những năm tới, đại diện EVN kiến nghị Bộ Công thương giúp Tập đoàn tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đàm phán mua bán điện với các nhà đầu tư của Lào. Cụ thể, Bộ Công thương sớm có khung giá để tạo cơ sở cho Tập đoàn đàm phán với các chủ đầu tư phía Lào. Đối với việc mua điện của Trung Quốc, EVN cho rằng, cần tăng mức mua lên 3 - 4 tỷ kWh, thay vì ở mức 1,2 - 1,5 tỷ kWh như hiện nay, với giải pháp lắp đặt thiết bị truyền tải, xoay chiều, liên kết lưới điện ổn định hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với các dự án đầu tư điện mặt trời, công suất lớn cũng gây áp lực cho việc truyền tải. EVN cần kiến nghị Bộ Công thương sớm có giải pháp khuyến khích chủ đầu tư phân bổ nguồn điện mặt trời cho phù hợp. Bên cạnh đó, các chủ trương mới như phát triển năng lượng sạch, điện mặt trời còn phụ thuộc nhiều vào vấn đề công nghệ, đồng bộ chính sách, đặc biệt là bảo đảm phát triển hạ tầng. Nếu không có rà soát, điều chỉnh liên quan đến phát triển hạ tầng, kể cả vai trò của tư nhân, hạ tầng cần thiết cho kết nối, nâng công suất hấp thụ… thì chắc chắn phụ tải tại khu vực sẽ không khai thác được và phát triển lệch, chưa kể đến hiệu quả của chính sách không đạt được.

Đỗ Tuấn