EVFTA có mang lại đột phá cho ngành tài chính?

- Thứ Bảy, 26/10/2019, 08:20 - Chia sẻ
Ứng dụng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn trong giao dịch và yêu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn là những thách thức ngành tài chính nước ta phải đối mặt khi thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

“Không phải mở cửa tất cả”

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác mạnh về tài chính và có những tiêu chuẩn cao trong quản lý, vận hành ở lĩnh vực này. Cam kết về quy tắc mở cửa thị trường tài chính Việt Nam cho EU trong EVFTA cùng với những tác động cộng hưởng của những cam kết trong các hiệp định khác sẽ tác động đáng kể tới thị trường và sự phát triển của ngành tài chính nước ta.

Ngành tài chính cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Bất kỳ những thay đổi nào đối với ngành này sẽ ngay lập tức tác động đến tất cả các ngành khác. “Mở cửa rộng, tạo ra cạnh tranh sẽ giúp cho ngành tài chính phát triển và giúp các ngành khác hưởng lợi nhưng lại liên quan đến vấn đề an ninh tiền tệ nên mở cửa phải vừa mạnh vừa thận trọng” Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang nói tại hội thảo “Ngành tài chính và viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ EVFTA” mới đây.

Theo đó, bà Trang cho biết, Việt Nam cam kết mở cửa nhiều dịch vụ tài chính nhưng “không phải là tất cả”. Có 3 nhóm dịch vụ tài chính gồm bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán có dịch vụ đã cam kết mở cửa nhưng tương đối hạn chế. Theo đó, với hiện diện thương mại, nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán EU được thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam (vốn góp nước ngoài đến 49%); doanh nghiệp chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh (nhưng chỉ đối với dịch vụ quản lý tài sản, thanh toán và thanh toán bù trừ, cung cấp và chuyển thông tin tài chính, xử lý dữ liệu tài chính và các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán, tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ, trừ các hoạt động tư vấn chứng khoán cơ bản).

Trong ngành ngân hàng, chỉ cho phép hiện diện thương mại với tùy từng loại nhà đầu tư. Các ngân hàng thương mại EU được phép thành lập tại Việt Nam, tuy nhiên điều kiện còn khá ngặt nghèo. Cụ thể, chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài không được mở các điểm giao dịch khác ngoài trụ sở chi nhánh, ngoại trừ cột ATM. Các công ty tài chính EU được phép thành lập tại Việt Nam, công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty cho thuê tài chính EU được phép thành lập tại Việt Nam với 100% vốn đầu tư nước ngoài.


Nguồn: ITN

Cơ hội lớn cho dịch vụ bảo hiểm

Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, lĩnh vực bảo hiểm nhận được sự quan tâm nhiều hơn bởi trong cam kết của Hiệp định EVFTA, chúng ta mở cửa hơn so với Hiệp định Thương mại Thế giới, theo đó doanh nghiệp được thành lập chi nhánh tái bảo hiểm nước ngoài sau 3 năm hiệp định có hiệu lực.

Chia sẻ rõ hơn, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Bùi Gia Anh cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 64 doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 1 chi nhánh bảo hiểm nước ngoài, 4 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm những năm gần đây có tốc độ phát triển trên 20%, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12 - 13%. Ông Bùi Gia Anh cho rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng bởi dân số trên 90 triệu dân nhưng mới chỉ có 10% tham gia bảo hiểm nhân thọ trong khi tỷ lệ này tại các nước phát triển là 80 - 90%. Bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang cần phát triển mạnh trong lĩnh vực tài sản công, công trình lớn, đặc biệt là bảo hiểm nông nghiệp.

“Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã thích ứng dần với sự cạnh tranh, năng động của thị trường”, ông Bùi Gia Anh đánh giá. Theo ông, việc ký kết hiệp định EVFTA giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư và hợp tác với các quốc gia châu Âu. Doanh nghiệp châu Âu tham gia vào thị trường Việt Nam cũng giúp thị trường phát triển, quy mô thị trường ngày càng tăng. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội học tập, trao đổi, chia sẻ và hợp tác về chuyên môn, công nghệ. Tuy vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh về vốn, nhân lực để đáp ứng thị trường.

Bà Thu Trang lưu ý, ngành tài chính cũng sẽ đứng trước những áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài khi thực thi các hiệp định thương mại, trong đó có EVFTA. Ứng dụng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong giao dịch và yêu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn cũng là những thách thức từ EVFTA mà nền kinh tế nói chung và ngành tài chính nói riêng phải đối mặt. “Đây là những vấn đề khó và mang tính đặc thù cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hiểu rõ ràng, đầy đủ để vận dụng cam kết trong quá trình sản xuất kinh doanh. Muốn vậy, rất cần đào tạo, nâng cao nhận thức hoặc tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục tới các doanh nghiệp”, bà Trang nói.

Tuệ Anh