Duy trì trật tự về quản lý giá và khả năng khắc phục những khiếm khuyết của thị trường

- Thứ Hai, 28/05/2012, 16:23 - Chia sẻ
Thảo luận về dự án Luật Giá, nhiều ĐBQH đề nghị cần xác định quan điểm Nhà nước quản lý giá trong cơ chế thị trường phải đúng định hướng và phù hợp với quy luật thị trường, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ thực tiễn quản lý nhà nước về giá trong thời gian vừa qua; rà soát lại những điều, khoản liên quan tới những vấn đề mà nước ta đã cam kết khi hội nhập kinh tế thế giới...

ĐBQH Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng): Khái niệm hàng hóa thiết yếu chưa rõ ràng
 
Việc ban hành Luật Giá nhằm duy trì trật tự về quản lý giá cũng như khả năng khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và giúp cho người dân ở những khu vực này được tiếp cận với hàng hóa thiết yếu.

Về khái niệm hàng hóa thiết yếu, tôi cho rằng khái niệm này chưa rõ ràng. Theo Khoản 3, Điều 4 và Điều 15 của dự thảo Luật thì hàng hóa thuộc danh mục hàng bình ổn giá phải thỏa mãn hai điều kiện: một là phải có tính thiết yếu, tức là tối cần thiết cho đời sống sản xuất, quốc phòng và an ninh; hai là nguyên, nhiên vật liệu chính cho sản xuất và lưu thông hay phải đáp ứng được các yêu cầu tiêu dùng cơ bản của con người trong đời sống.

Hai khái niệm trên tôi đều cho rằng chưa thực sự cụ thể. Lý do thứ nhất là cụm từ "tối cần thiết" không giúp làm sáng tỏ khái niệm thiết yếu, thêm vào đó tiêu chí bổ sung lại dựa trên dấu hiệu thuộc về mặt nhận thức chủ quan không có tính quy phạm pháp luật như từ "chính" và từ "cơ bản". Lý do thứ hai là lĩnh vực an ninh, quốc phòng không nên thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Giá vì hàng hóa thuộc lĩnh vực này không phải là mặt hàng kinh doanh trên thị trường thông thường. Đề xuất của tôi là hàng hóa thiết yếu nên được xác định là hàng hóa mà nếu thiếu sẽ gây nguy hiểm hoặc làm tổn hại đến sức khỏe của đa số dân cư và hoạt động của sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Thứ hai, hàng hóa thiết yếu nên là mặt hàng thuộc thị trường có mức độ cạnh tranh hạn chế, tức là không bình ổn hàng hóa đã có thị trường cạnh tranh, sản phẩm có mức giá phổ thông nhắm đến đại bộ phận người dân có thu nhập thấp, tức là không bình ổn những mặt hàng cao cấp.

Về các trường hợp bình ổn giá, tôi cho rằng chưa được quy định cụ thể và chưa được rõ ràng, chặt chẽ. Trường hợp thứ nhất là Nhà nước chỉ nên quy định bình ổn giá khi giá hàng hóa thiết yếu tăng liên tục trong một khoảng thời gian nhất định hay có chính sách về cung và cầu. Tại Điều 16 quy định bình ổn giá khi giá hàng hóa có biến động bất thường và mặt hàng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định KT - XH. Trong điều này tôi đề xuất trường hợp thứ nhất thì cần Chính phủ có hướng dẫn cụ thể. Trường hợp thứ hai có sự nhầm lẫn, bởi vì việc can thiệp giá một mặt hàng thì không thể nào giúp cho giá mặt hàng nói chung không có sự biến động.

Vấn đề thứ ba, nên rà soát lại danh mục hàng bình ổn giá đối với sữa. Tôi đề nghị nên xem xét và loại bỏ sữa ra khỏi danh mục bởi 2 lý do: một, sữa không phải là mặt hàng thực sự thiết yếu, trừ những sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi bị bệnh lý; lý do thứ hai là đã có thị trường cạnh tranh khá hoàn hảo với sự hiện diện của 72 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với 230 nhà nhập khẩu, thị trường sữa đã có sự cạnh tranh gay gắt giữa các sản phẩm sữa trong nước và nhập khẩu, người tiêu dùng có quyền lựa chọn các loại sữa đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả từ giá thấp đến giá cao, khoảng cách giữa cung và cầu trên thị trường mặt hàng này hiện nay không có, doanh nghiệp không có quyền áp đặt giá cao một cách tùy tiện trong thị trường cạnh tranh. Một lý do nữa là Chính phủ không khuyến khích sử dụng sữa công thức điều này thể hiện ở Nghị định 21 năm 2006 của Chính phủ về việc hạn chế quảng cáo sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi trong khi bộ quy tắc của Tổ chức Y tế Thế giới yêu cầu hạn chế sữa công thức cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
 
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): Chưa quy định rõ phương thức quản lý thực hiện niêm yết giá

Tôi cho rằng quy định niêm yết giá là đúng nhằm bảo đảm cho người dân, các tổ chức khi mua bán biết rõ mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ dự định mua. Tuy nhiên dự thảo Luật chưa quy định rõ về phương thức quản lý thực hiện niêm yết giá của các cá nhân, tổ chức chào bán hàng hóa dịch vụ. Thực tế hiện nay tại các địa phương việc mua bán nhiều loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày diễn ra tại các chợ nên việc niêm yết giá bảo đảm theo quy định của dự thảo Luật khó có tính khả thi. Nếu quy định việc niêm yết giá như dự thảo luật đề nghị làm rõ việc tổ chức, kiểm tra nguồn lực như thế nào để bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định của dự thảo luật này.

Đối với việc công khai thông tin về giá tại Điều 6. Khoản 1, Điều 6 quy định: cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công khai các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý giá, điều tiết giá của Nhà nước, các quyết định giá của Nhà nước thuộc thẩm quyền bằng ít nhất một trong các phương thức họp báo, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp khác. Đề nghị bổ sung cụm từ "các quy định thực hiện bình ổn giá" sau cụm từ "các quyết định giá của Nhà nước thuộc thẩm quyền" để đồng bộ và phù hợp với qui định tại Điều 17, 18 của dự thảo Luật.

Về quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề Điều 37. Điểm đ, Khoản 2, Điều 37 qui định: nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá do cơ quan, tổ chức được phép tổ chức. Tôi cho rằng quy định như thế này không cần thiết vì thẩm định viên về giá hành nghề được quy định cụ thể ở các tiêu chuẩn tại Điều 34 dự thảo Luật. Nếu quy định nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề như tại Điểm đ, Khoản 2 Điều 37 là chưa hợp lý, chỉ nên khuyến khích việc tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn về thẩm định giá do cơ quan, tổ chức được phép tổ chức, không nên quy định là nghĩa vụ của thẩm định viên về giá. 

ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam): Bảo đảm cân đối lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng
 
Với mục tiêu định giá và bình ổn giá để phát triển sản xuất, tôi xin nêu 5 ý kiến. Đối với sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều mùa vụ, dịch bệnh, thời tiết khi tổ chức sản xuất, nông dân đều phải ra chợ mua vật tư và đều phải mua đắt. Khi đến thu hoạch sản phẩm đều phải mang ra chợ bán và phải bán rẻ. Do vậy, ngoài những giải pháp như tổ chức hệ thống chế biến, hệ thống tiêu thụ thì việc bình ổn trên giá vật tư đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra chủ lực là rất quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, sản xuất nông nghiệp hiện nay theo chuỗi giá trị và hình thành ở rất nhiều khâu. Do vậy, định giá và bình ổn giá phải bảo đảm lợi ích của tất cả các khâu thì mới có động lực cho sản xuất phát triển và có ngành hàng để tham gia vào chuỗi giá trị của ngành hàng thế giới. Ví dụ tổ chức sản xuất nếu giá giống lên cao, người sản xuất không có hiệu quả và người tiêu thụ và người chế biến có hiệu quả - đứt đi một khâu sản xuất là rất quan trọng. Do vậy, định giá và bình ổn giá phải theo chuỗi giá trị thì mới có thể bảo đảm được thông suốt và thúc đẩy sản xuất.

Thứ ba, bình ổn giá bảo đảm cân đối lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Ví dụ trong nhiều năm dịch bệnh và thời tiết bất thường rét đậm, rét hại, tổ chức sản xuất thua lỗ kéo dài, nhưng khi giá sản phẩm lên được một phần, có cơ hội bù đắp cho người sản xuất thì lại đưa ra bình ổn giá. Như vậy, chỉ bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng còn người sản xuất lại chưa bù đắp được và vẫn phải thua lỗ. Như vậy bình ổn và cân đối giá phải bảo đảm lợi ích giữa người tiêu dùng và người sản xuất thì mới có động cơ để phát triển sản xuất.

Thứ tư, định giá các sản phẩm khoa học có hàm lượng trí tuệ cao phải bảo đảm tính khuyến khích để huy động nguồn lực khoa học công nghệ vào sản xuất.

Thứ năm, giao cho UBND tỉnh định giá và bình ổn giá chỉ ở phạm vi hẹp và phải rất cụ thể nếu không sẽ gây xáo trộn trong một khu vực và sẽ gây đứt khúc thị trường.
 
ĐBQH Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang): Vấn đề giá thuốc được thảo luận rất nhiều, nhưng…
 
Trên diễn đàn QH, vấn đề giá thuốc được thảo luận rất nhiều, các ĐBQH nêu câu hỏi chất vấn rất nhiều và ngành Y tế cũng trả lời rất nhiều. Nhưng khi trả lời, bao giờ ngành Y tế cũng nói là giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá, Nhà nước chỉ kiểm soát vấn đề thuốc thiết yếu còn các giá thuốc khác do thị trường. Đây là một thực tế mà các ngành chuyên môn nói rằng do quy định của pháp luật về giá. Vậy lần này quy định pháp luật về giá như thế nào để những lần sau, khi giá thuốc lên, Bộ Y tế giải trình cho phù hợp. Theo tôi hiện nay vấn đề giá thuốc rất phức tạp, không phải đơn giản, bởi vì giá thuốc thường tăng do nhiều thứ, nhiều khi không phải giá thuốc thiết yếu tăng mà tăng do rất nhiều nguyên nhân, chính là các biện pháp của Chính phủ, của ngành y tế cũng như các ngành liên quan…

Điểm k, Khoản 2, Điều 15 theo tôi không nên quy định là "thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục chữa bệnh thiết yếu do Bộ Y tế quy định". Chỗ này chỉ nên quy định là thuốc khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về quản lý giá thuốc, sắp tới sang năm khi xây dựng Luật dược phải quy định cụ thể. Nếu quy định như thế này thì sau này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục trả lời là họ chỉ quản lý những giá thuốc thiết yếu còn giá thuốc chữa bệnh khác không quản lý, về mặt pháp lý là đúng. Vậy, chúng ta nên cân nhắc điểm này để sau này quy định quản lý giá thuốc cho phù hợp, nếu quy định như thế này sẽ rất khó.

ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Đừng quá kỳ vọng vào bình ổn giá
 
Luật Giá giải quyết vấn đề rất khó, giải quyết vấn đề giữa Nhà nước với thị trường. Nếu chúng ta nỗ lực để bình ổn giá trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn thì dù nỗ lực cỡ nào cũng khó có thể bình ổn được. Do đó, trọng tâm của thảo luận lần này liên quan đến vấn đề bình ổn giá và quyết định giá. Tôi muốn nêu vấn đề là chúng ta đừng quá kỳ vọng vào bình ổn giá. Nếu như kinh tế vĩ mô bất ổn, vấn đề bình ổn giá hay giá cả không biến động, ổn định là các biện pháp, chính sách tổng hợp và kinh tế vĩ mô chứ không phải cứ kỳ vọng vào vấn đề bình ổn giá. Chính vì vậy, tôi rất ủng hộ là Điều 15 rút lại chỉ có 10 mặt hàng mà không quá mở rộng như trước đây. Tuy nhiên, trong 10 mặt hàng này, ngay cả có lập quỹ bình ổn giá hay không quy định ở Điều 17 thì loại nào có quỹ bình ổn, loại nào không có quỹ bình ổn cũng phải làm rõ.

Tôi đề nghị nên làm rõ 3 vấn đề. Ở đây có 3 khái niệm niêm yết giá, đăng ký giá và kê khai giá. Niêm yết giá là thống nhất, riêng đăng ký giá thì nếu gửi biểu mẫu đến cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có quyền không đồng ý buộc “anh” phải thay đổi giá hay không. Nếu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không đồng ý buộc phải thay đổi giá thì đăng ký giá đó đồng nghĩa về bản chất là nhà nước quyết định giá còn nếu “anh” đăng ký mà cơ quan nhà nước không có ý kiến gì cứ theo đăng ký lại là khái niệm kê khai giá. Như vậy giữa đăng ký giá và kê khai giá chưa làm rõ.

Điểm tiếp theo, trong Điều 15 luôn luôn nói danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn nhưng trong 10 điểm dẫn chứng không có cái nào là dịch vụ đưa vào bình ổn mặc dù bên dưới có điều, khoản là sẽ trình Thường vụ Quốc hội, tôi chưa thấy rõ, nếu không có dịch vụ thì là hàng hóa quy định ở Điều 15.

Một điểm nữa liên quan đến thẩm quyền quy định tại Điều 22 về khung giá cho thuê nhà ở xã hội là thẩm quyền của Chính phủ quyết định. Tôi đề nghị xem xét quy định này. Nhà ở xã hội là trách nhiệm và thực tế nên khuyến khích chính quyền địa phương làm việc này, Chính phủ hỗ trợ chứ không nên làm thay việc của chính quyền địa phương…
 
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình): Rà soát lại những quy định chưa cụ thể, còn mang tính định tính…
 
Giá là vấn đề liên quan và tác động trực tiếp đến mọi người tiêu dùng và đến mọi tổ chức, cá nhân không phân biệt thành phần kinh tế. Về cơ bản giá phải tuân theo các quy luật kinh tế, Nhà nước quản lý, điều tiết giá thông qua các biện pháp kinh tế và tuân theo các quy luật của thị trường, các biện pháp hành chính chỉ áp dụng trong trường hợp đặc biệt và đối với những loại hàng hóa đặc biệt. Chính vì vậy, tôi tán thành với ý kiến cần phải rà soát lại những quy định chưa được cụ thể, còn mang tính định tính rất nhiều trong dự thảo Luật để bảo đảm chỉ can thiệp bằng biện pháp hành chính trong những trường hợp đặc biệt đối với những loại hàng hóa đặc biệt.

Đối với việc đăng ký giá và kê khai giá, cần quy định rõ giữa đăng ký giá và kê khai giá. Vừa rồi giá thuốc tăng nhiều, chúng ta bắt các doanh nghiệp thuốc phải đăng ký giá thuốc, trong khi đó thuốc có hàng nghìn loại mặt hàng thuốc, các doanh nghiệp nói rằng đăng ký giá thuốc tốn kém rất nhiều. Liên quan đến các loại hồ sơ, các cơ quan hành chính nhà nước cũng tốn kém rất nhiều trong việc nhận đăng ký kê khai như vậy. Nếu không làm rõ được giá trị của nó thì tôi cho rằng vừa là vi phạm mà có khi góp phần làm tăng thêm giá thuốc, tăng thêm quản lý hành chính.

Điều 44 quy định về phạm vi hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Trong phạm vi hoạt động thẩm định giá của Nhà nước chưa đề cập đến việc thẩm định giá của nhà nước trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính và pháp luật về tố tụng dân sự theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng…
 
ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang): Nên bổ sung một số mặt hàng vào diện bình ổn giá
 
Về hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá, ngoài các hành vi quy định trong Điều 10 của dự thảo Luật, tôi thống nhất với một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm hành vi bị cấm đó là hành vi cấm bán phá giá, lợi dụng độc quyền để tăng giá, ép giá, cạnh tranh không lành mạnh về giá. Theo giải trình của UBTVQH, mặc dù hành vi bị cấm này đã được quy định trong Luật Cạnh tranh, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, hành vi này đã có rất nhiều vi phạm nhưng chưa xử lý được. Chính vì vậy, dự thảo Luật Giá nên bổ sung vấn đề này.

Về hàng hóa dịch vụ thực hiện bình ổn giá quy định tại Điều 15, Khoản 2 đã đưa 10 loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho sản xuất cũng như đời sống được bình ổn giá, điều này hết sức là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế vừa qua vẫn còn một số hàng hóa liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống thiết yếu chưa được đưa vào bình ổn. Tôi đề nghị đưa mặt hàng sắt và đồ dùng học tập cho học sinh; thuốc bảo vệ thực vật; thức ăn hỗn hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản vào diện được bình ổn giá.

Điều 18, thẩm quyền và trách nhiệm với việc áp dụng biện pháp bình ổn giá. Tại Điều này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, của bộ, ngành địa phương trong bình ổn giá. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị sau khi luật ban hành có hiệu lực, đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng phải nghiên cứu triển khai thực hiện sao cho phù hợp, đa dạng về hình thức, nhất là phân phối các mặt hàng bình ổn giá phải thực sự đến tay người tiêu dùng, tức là những đối tượng được thụ hưởng. Trong thời gian qua, Chính phủ cũng áp dụng chính sách này nhưng thực tế đối tượng được thụ hưởng chưa được tiếp cận trực tiếp vì chủ yếu một số mặt hàng này do kênh phân phối chưa hợp lý và một số mặt hàng chỉ được áp dụng tại một số cửa hàng lớn tại một số thành phố lớn, các siêu thị hay một số doanh nghiệp cung ứng hàng hóa. Chính vì vậy, một số đối tượng như người nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên... chưa được trực tiếp thụ hưởng chính sách này. 
  
ĐBQH Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế): Nhà nước phải định giá bán lẻ điện  
 
Tôi đồng ý với việc Nhà nước phải định giá giá bán lẻ của điện, bởi vì chừng nào chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không thể không định giá. Nếu ta “thả” cái này ra thì ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng ngay. Thời gian vừa qua, ngành điện liên tục kiến nghị Chính phủ tăng giá điện và trao đổi đã có sự cân nhắc rất kỹ để Chính phủ từng bước nâng dần lên. Giả sử không quy định giá bán lẻ điện nữa mà để cho ngành điện thì chắc chắn sẽ có một giá hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng, rất phức tạp. Vì vậy, tôi đồng ý Nhà nước phải quy định, tuy nhiên trong dự thảo Luật có nói: "Chính phủ định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân tại Điều 19”.  Tôi băn khoăn về tính khả thi của quy định này. Giá bán lẻ điện bình quân hiểu như thế nào? Chúng ta hiểu là khi ngành điện bán thì bán với nhiều giá cho nhiều đối tượng và sau một thời kỳ thì tính bình quân giá bán bằng cách lấy doanh số bán ra của điện chia cho tổng sản lượng điện đã bán để tính giá bình quân. Nhà nước quản lý thế nào để biết doanh nghiệp đó bán đúng giá quy định của Nhà nước? Tôi thấy quy định này mới nghe thì hợp lý là Nhà nước chỉ quản lý giá bán điện nguồn cung, nhưng nghiên cứu kỹ trong quá trình quản lý để thực hiện vấn đề này thì tôi thấy không khả thi.

Về điểm d, mục 3, Điều 19 là Nhà nước quy định giá tối đa, tối thiểu đối với sản phẩm thuốc lá điếu sản xuất trong nước. Trước hết tôi thấy thuốc lá điếu sản xuất trong nước không nằm trong diện sản phẩm hàng hóa thuộc Khoản 1, Điều 19, tức là không phải là hàng hóa thuộc diện độc quyền của nhà nước sản xuất, cũng không phải là tài nguyên quan trọng, cũng không phải hàng hóa dự trữ quốc gia thì tại sao lại đưa vào diện Nhà nước phải quản lý giá? Đó là một lý do tôi thấy không đúng. Lý do thứ hai, bây giờ đưa sản phẩm thuốc lá điếu vào để quản lý giá, định giá với mức giá tối đa hoặc tối thiểu là nhằm mục đích gì? Tôi nghĩ có một mục đích duy nhất phải chăng qua định giá để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, nếu với mục đích như vậy thì đã có rất nhiều công cụ khác để điều chỉnh như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Thuế. Nếu như qua đây lại thêm một công cụ để điều chỉnh sẽ dẫn đến một hệ quả sau này không xử lý được. Giả sử Nhà nước định giá tối thiểu rất cao để hạn chế người tiêu dùng thì sẽ dẫn đến chênh lệch giá rất lớn cho người sản xuất. Phần chênh lệch giá đó phải chăng lại phải nộp ngân sách nhà nước thì rất rắc rối và sinh ra nhiều chuyện. Tôi đề nghị bỏ quy định này.

Minh Vân lược ghi