Đường về nhà

- Chủ Nhật, 22/01/2017, 19:48 - Chia sẻ
5 nghệ sĩ, được đào tạo bài bản tại nước ngoài, trong đó có những cái tên đã được biết đến ở tầm quốc tế, không hẹn mà cùng, đều tìm về Việt Nam, chắt lọc, soi mình trong nguồn cội Việt, giá trị Việt. “Đường về nhà” vì vậy không còn là khoảng cách địa lý, mà là chiều sâu của tình yêu và tâm thức...

Đạo diễn điện ảnh TRẦN ANH HÙNG: Cái tình của sự “vĩnh cửu”

Mấy năm trở lại đây, đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng xách vali về nước dày hơn, thường là để đồng hành với chương trình “Gặp gỡ mùa thu” - sự kiện điện ảnh thường niên dành cho những nhà làm phim độc lập tại Việt Nam mà anh nhận đứng lớp (thật ra là người truyền cảm hứng cho các nhà làm phim trẻ). Riêng mùa thu 2016, chuyến trở lại Việt Nam của anh còn có thêm dấu son đáng nhớ khác: Eternité (Vĩnh cửu) - bộ phim mới nhất của anh đã được trình chiếu tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, nhân chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande. “Đứa con” mà Trần Anh Hùng đã phải mất tới 6 năm cho nó, tuy không đến được LHP Cannes và LHP Venice như hai bộ phim trước đó của anh là Mùi đu đủ xanhXích lô, nhưng lại đến được với khán giả Việt Nam một cách sớm nhất (cùng thời điểm ra mắt tại Paris).

Từ Pháp, nhà văn Thuận đã dùng từ “mơ màng và bướng bỉnh” khi viết về người đồng hương mà chị “luôn nhìn vào như một tấm gương lớn, một ví dụ đẹp về nghệ thuật”: “Một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Trần Anh Hùng đã ký tên mình lên 6 tác phẩm điện ảnh. Khán giả có thể rất thích hay không thích, nhưng đều phải công nhận rằng, đó là những ý đồ nghệ thuật được tác giả của chúng bảo vệ đến cùng, và Trần Anh Hùng luôn từ chối cái rọ mà người ta muốn anh chui vào”.

Trong phim Vĩnh cửu không có bất kỳ lo âu vật chất nào, và tâm thế chung của các nhân vật dường như đều chấp nhận và thỏa hiệp trước các biến cố. Nhưng để được làm phim, hầu hết là những bộ phim nghệ thuật kén khán giả vì thách thức cách hiểu của họ, con đường và thái độ làm nghề của Trần Anh Hùng, cũng như các nhà làm phim độc lập khác là ngược lại: Từ chối sự thỏa hiệp, và luôn phải sống trong nỗi lo âu: Tiền đâu? Nhiều dự án phải gác lại trong nhiều năm trời (trung bình mất 5 năm cho một dự án) cũng phần nhiều do loay hoay kiếm tìm nhà tài trợ.

Nhưng tình yêu với điện ảnh, bạn nghề và Việt Nam thì theo năm tháng vẫn cứ dày lên, không bị khó khăn cản bước. Kể từ cuộc gặp định mệnh với người con gái gốc Đà Nẵng, nữ diễn viên điện ảnh Trần Nữ Yên Khê vào năm 1985 trên đất Pháp, Hùng và vợ anh từ đó đã làm nên một cặp song hành ăn ý không chỉ trong đời sống mà còn trong những chuyến về lại cội nguồn, bằng những bộ phim thấm đẫm vẻ đẹp của thời gian và hơi thở, tâm hồn Việt: Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng... Những năm gần đây, tuy không còn lấy Việt Nam làm bối cảnh trong những bộ phim không nói tiếng Việt (I come with the rain tiếng Anh, Rừng Na Uy tiếng Nhật, Vĩnh cửu tiếng Pháp), nhưng Hùng và vợ lại về Việt Nam nhiều hơn, vì tới lúc này, mối liên hệ với đất và người đã trở nên mật thiết, không còn lệ thuộc cụ thể vào việc làm phim. “Theo thời gian và độ thẩm thấu từ rất nhiều chất liệu, Việt Nam trong tôi lúc này đã là mùi, là màu, là chất...”, anh nói.

Sau 6 phim, mà một nửa trong số đó là về Việt Nam, Trần Anh Hùng cho biết dự án tiếp theo có thể sẽ là bộ phim được gợi hứng từ cuốn sách Thương nhớ mười hai nổi tiếng của Vũ Bằng. Nó là một Hà Nội, một Việt Nam mà anh từng mường tượng qua lời kể của bố mẹ, không phải ở “chiều thẳng đứng” mà là chiều dài, bề sâu của nỗi nhớ niềm thương từ “những buổi ngày xưa vọng nói về”...

Nghệ sĩ violin BÙI CÔNG DUY: Gieo hạt nơi “vùng trũng”

Thấm thoắt, thế mà đã tròn 10 năm Bùi Công Duy về nước. Một quyết định gây sửng sốt vì ở thời điểm đó, chàng trai từng giành giải Nhất Cuộc thi âm nhạc danh tiếng Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ đang đứng trước cơ hội quý giá: Là người nước ngoài đầu tiên được tuyển vào dàn nhạc dây danh tiếng Virtouse Moscow. Vậy mà anh đã bất ngờ từ chối cơ hội đó để xách vali về lại nơi được cho là “vùng trũng” trên bản đồ âm nhạc thế giới, rất dễ khiến một nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế như anh bị cụt hứng, lụi nghề... Thời gian đầu thì đúng là không hẳn ai cũng chào đón sự trở về ấy của anh và cũng không dễ gì tìm kiếm tiếng nói chung, vì những trải nghiệm làm nghề cách biệt. Nhưng sau 10 năm, Duy tự thấy anh không “mất” mà “được” rất nhiều: “Tôi trưởng thành hơn, biết nhiều thứ tôi chưa từng biết, làm được nhiều việc tôi mong muốn làm, và vẫn kết nối được với bên ngoài… Mới hay, môi trường làm nghề chỉ là một phần!”.

Đón người tài, bàn tay nối những bàn tay, môi trường nhạc cổ điển ở Việt Nam vì thế cũng dần được cải thiện đáng kể: Đã có nhiều tên tuổi danh tiếng nhận lời sang “vùng trũng” biểu diễn, một số học sinh có thành tích của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được gửi tiếp ra nước ngoài đào tạo và tìm đúng địa chỉ cần gõ cửa; ngày càng nhiều học sinh đăng ký học tại khoa đàn Dây; khán giả Việt cũng dần hình thành thói quen bỏ tiền mua vé xem nhạc cổ điển... Trong đó, uy tín đã được xác lập trên trường quốc tế của Bùi Công Duy cùng tâm huyết, lòng tự trọng của người trở về chính là một sự bảo đảm.

Dưới tay anh, một thế hệ học trò mới, hứa hẹn những “Bùi Công Duy” trong tương lai gần đã dần hiển thị. Nổi bật là trường hợp của Trần Lê Quang Tiến. Đến với violin ở độ tuổi được cho là muộn, nhưng chỉ sau 2 năm thầy Duy kèm cặp, Tiến đã bất ngờ giành được giải Nhất Cuộc thi violon quốc tế Mozart tổ chức tại Thái Lan (2015) và mới nhất, vào tháng 10.2016 là giải Nhất cuộc thi Violin quốc tế Kazakhstan lần thứ VI, dành cho thí sinh từ 10 - 17 tuổi. Kể từ khi Bùi Công Duy đoạt giải Nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S.Peterbourg năm 1997, tới nay Việt Nam mới có tài năng trẻ giành giải Nhất một cuộc thi violin quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của châu Âu (cả về uy tín, bề dày của cuộc thi đến dàn giám khảo gồm toàn những tên tuổi danh tiếng...). Đây là tài năng trẻ được đào tạo hoàn toàn trong nước, trong một thời gian ngắn kỷ lục. Đỉnh chinh phục tiếp theo trong năm 2017 này của hai thầy trò sẽ là cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ, nơi từng xướng tên Bùi Công Duy nhưng gần 20 năm nay, Việt Nam hoàn toàn vắng bóng...

Trở về trong tâm thế của một người gieo hạt, Bùi Công Duy đương nhiên tin vào những mùa gặt của anh!

Nghệ sỹ jazz NGUYÊN LÊ: Thao thiết về nguồn

Nếu như năm 2015, khán giả trong nước còn được nhìn thấy “phù thủy” Nguyên Lê phiêu cùng cây đàn guitar của mình trên sân khấu Việt, thì 2016 lại ghi nhận những chuyến về nước có phần lặng lẽ hơn của nghệ sĩ jazz tài danh, với những dự án âm nhạc hướng về nguồn cội Việt. Album thứ 18 mới nhất của Nguyên Lê kết hợp cùng nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang - cái tên nổi bật trong giới sáng tác và biểu diễn âm nhạc dân tộc hiện nay tại Việt Nam, có tên “Hà Nội Duo”, được hãng đĩa ACT phát hành ngày 27.1 tới, là kết quả của một trong những chuyến đi về lặng lẽ ấy. Hai con người, hai thế hệ, hai nền văn hóa và môi trường sống khác nhau nhưng đều chung đích đến: Muốn đưa vẻ đẹp thuộc về nguồn cội Việt, truyền thống Việt, giá trị Việt… ra thế giới, bằng những sản phẩm âm nhạc có tính khai phá, thể nghiệm.

“Hà Nội Duo” gồm những sáng tác mới của nghệ sĩ jazz Nguyên Lê, được Ngô Hồng Quang trình diễn bằng các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam; hoặc những bản nhạc Ngô Hồng Quang sáng tác dựa trên dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số Việt, được Nguyên Lê và ban nhạc của ông chơi chủ đạo bằng guitar điện với âm hưởng Bắc Phi... Với “Hà Nội Duo”, thêm lần nữa, “vị phù thủy của âm thanh” lại tiếp tục theo đuổi triết lý âm nhạc mà ông suốt một đời tâm đắc: “Mỗi bản thể đều có đặc trưng và niềm kiêu hãnh riêng của nó, nhưng khi chúng ta pha trộn chúng với nhau, chúng không những không bị yếu đi mà còn mạnh lên, làm phong phú nhau và giúp tạo ra những rung cảm mới...”. Cuộc gặp gỡ với Ngô Hồng Quang vì vậy được Nguyên Lê coi là cái duyên tình cờ mà tất yếu, khi anh là nghệ sĩ trẻ hiếm hoi tại Việt Nam được đào tạo bài bản về nhạc dân tộc, thậm chí còn là dân tộc thiểu số; có thể chơi thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống, đồng thời am hiểu âm nhạc đương đại khi từng có 5 năm tu nghiệp về sáng tác tại Hà Lan...

Nguyên Lê nói rằng ông nhận được từ cha mình - nhà sử học nổi tiếng Lê Thành Khôi nguồn cảm hứng mạnh mẽ trên hành trình hướng sự tò mò ra thế giới, cũng như ẩn sâu trong tâm hồn để nhận ra những điều “bất thường” ở chính mình. Những chuyến trở về Việt Nam (manh nha từ 1995 và mạnh mẽ hơn từ 2011) để tìm kiếm, chia sẻ và kết nối với các nghệ sĩ Hương Thanh, Tùng Dương, Quốc Trung... chính là từ lúc nghệ sĩ người Pháp gốc Việt này nhận ra sự “bất thường” ấy ở mình. Sự “bất thường” của một người nghệ sĩ lớn, sinh ra và thành danh tại Pháp, thụ hưởng trực tiếp những giá trị văn hóa Pháp và được thừa nhận ở tầm quốc tế, nhưng lại luôn đau đáu trong mình câu hỏi: Điều gì mới thực sự cần cho mình? Mình thuộc về đâu, và mình cần hơn cả, cho ai? Câu trả lời hiện đã có: Việt Nam, và những cộng sự trẻ giàu hoài bão tại Việt Nam. Hành trình tìm về nguồn cội của Nguyên Lê lại càng thao thiết và mãnh liệt hơn khi ông phát hiện ra mình mắc trọng bệnh từ năm 2008. Những kiếm tìm trong sáng tạo cũng như kết nối với quê nhà và bạn nghề Việt Nam cùng chí hướng, vì vậy, được Nguyên Lê coi là một “cuộc chạy đua với thời gian”. 

Tiếp đây, Nguyên Lê cho biết, rất có thể ông sẽ bắt tay cùng Tuấn Lê - đạo diễn Việt kiều Đức từng gây dấu ấn với hai vở xiếc đình đám “Làng tôi” và “À ố show”. “Món quà của người già là kinh nghiệm, và sự hiểu biết. Nhưng món quà từ người trẻ là những dòng điện và nguồn năng lượng mới. Đến lúc này, tôi nghĩ mình cần được truyền thêm năng lượng từ người trẻ”, nghệ sĩ jazz tài danh khiêm nhường.

Nghệ sĩ piano PHÓ AN MY: “Lên đồng” với chầu văn, chèo cổ...

Người luôn mang khát vọng mang âm nhạc cổ truyền Việt ra thế giới thêm lần nữa lại khiến khán giả thán phục bằng “Gió” (10.2016) - show diễn cuối cùng trong chuỗi “Đối thoại” được chị mạnh mẽ theo đuổi suốt 5 năm qua. Lần này, là cuộc đối thoại giữa piano và chèo cổ, với tính tương tác được đẩy lên cao hơn. “Gió” không chạy theo cốt truyện (Quan Âm Thị Kính) mà lần theo những chuyển động nội tâm của hai người đàn bà, hai tính cách trái ngược, một bên là biểu tượng của chữ Nhẫn (Thị Kính), một bên là biểu tượng của chữ Khát (Thị Mầu); một người giấu vào trong, một người hiển lộ ra ngoài... Với “Gió”, người nghe cảm nhận được một Phó An My “bão tố” nhưng tinh tế, sâu sắc.

Phó An My, pianist có mái tóc bù xù thường bung lên thăng hoa theo cảm xúc trên những ngón đàn. Ngay những ngày đầu trở về sau khi du học, Phó An My đã luôn là gương mặt ấn tượng, độc đáo, đầy sáng tạo và tràn ngập đam mê. Cuộc song hành nghệ thuật thú vị giữa chị và nhạc sĩ tài năng Đặng Tuệ Nguyên bắt đầu từ năm 2011, kể từ khi tác phẩm “Bóng” (trình diễn piano trên chất liệu âm nhạc dân tộc chầu văn) ra đời. Một ý tưởng cách tân táo bạo, không chỉ trong âm nhạc mà còn cả trong cách bài trí sân khấu. Ngay sau đó là “Lửa” (2014) - trình diễn piano trên chất liệu âm nhạc tuồng...

Người ta bảo chị “điên”, khi đã phải bán nhà trang trải cho những show diễn của mình. Sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật, 3 tuổi, My đã sang Đức học đàn piano. Thế nhưng, hồi mới về nước, đã có lúc chị bỏ cuộc, đi... buôn đồ gỗ. Nuôi con một mình, cộng với việc phải dốc túi cho những show diễn kén khán giả (có chương trình bị lỗ tới cả trăm triệu), cuộc “hành xác”, “lên đồng” của My quả thật nhọc nhằn! “Bất cứ xã hội nào, đời sống nào cũng vậy, khi đưa ra ý niệm mới đều gặp khó khăn, nhất là thời mà nghệ thuật truyền thống rất khó “lấy lòng” khán giả trẻ...” - My nói. Nhưng chị không ân hận vì đã chọn con đường đó và vẫn tự nhận mình là người may mắn. Cái may mắn của một người đã tìm được lối mở cho ngón đàn của mình trên con đường đi tới cái đích trong trẻo và thuần khiết của nghệ thuật.

Đạo diễn trẻ NGUYỄN PHI PHI ANH: Hà Nội, nếu vội thì sao?

Đầu tháng 10.2016, bầu không khí “ngủ đông” cố hữu của sân khấu kịch Thủ đô bỗng được “rã đông” nhờ sức nóng từ dự án HOPE do đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất Nguyễn Phi Phi Anh vừa trở về từ Mỹ. Thuộc về một thể loại bị cho là kén người xem và cực khó xin tài trợ tại Việt Nam (nhạc kịch), lại sử dụng 100% diễn viên không chuyên, nhưng gần 40 suất diễn trong vòng 3 tháng tại Trung tâm Văn hóa Pháp của “chàng trai nhạc kịch” Nguyễn Phi Phi Anh cùng ekip 9X của anh đã luôn kín rạp, thậm chí cháy vé.

Trước khi đến Mỹ theo học chuyên ngành Sân khấu Điện ảnh tại ĐH Hampshire College, “chàng trai nhạc kịch” từng giành được học bổng trung học tại trường Anglo - Chinese School (Independent) của Singapore và có bộ tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore. Trong thời gian học ở Mỹ, nhân những chuyến về nước nghỉ hè, Phi Anh từng kịp gây sốt bằng “món ăn” lạ: Hai vở nhạc kịch Góc phố danh vọng (2012) và Đêm hè sau cuối (2013), mà vừa rồi đã được cậu làm mới và công diễn lại cùng vở nhạc kịch mới Mộng ước không xa vời, trong khuôn khổ dự án HOPE (Mộng ước), kéo dài từ tháng 10.2016 - 1.2017.

Không những thu hút mạnh khán giả trẻ, nhiều suất diễn còn được đón các tên tuổi trong giới nghệ sĩ trước hiện tượng khó bỏ qua này. “Trời ơi là tuổi trẻ, là say mê, là sự trong lành, sòng phẳng chân tình!” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thốt lên - Phi Anh và “đồng bọn” quá giỏi, quá thông minh, gu thẩm mỹ phải nói là đáng nể. Một dòng suối trẻ tươi mát, thanh lành, rất mạnh mẽ!”. Bị thuyết phục tuyệt đối bởi tư duy sân khấu trẻ trung và hiện đại của “chàng trai nhạc kịch”, họa sĩ Lê Thiết Cương tấm tắc: “Chẳng có gì mà tôi không thích! Một trong những cái lý của nghệ thuật đương đại là... sự phi lý. Một trong những cái quyền của nghệ thuật đương đại là không nhất thiết phải trả lời câu hỏi. Cái hay của nghệ thuật đương đại là đặt ra câu hỏi trên thực tế đời sống. Điều đó, còn quan trọng hơn việc đưa ra câu trả lời. Cả hai đặc tính đó, “Đêm hè sau cuối” đều có!”. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại thích chất tự sự ở vở Góc phố danh vọng hơn: “Nó đòi hỏi chân thực, tế nhị, khôn khéo... - Phi Anh đều có cả! Nó là “chân dung” cậu ấy. Dù có đôi chỗ “vụng dại mê sảng”, nhưng vẫn toát lên một phẩm chất nghệ sĩ đáng kính trọng”...

Thừa nhận Phi Anh là “một đạo diễn trẻ có tài, bộc lộ một lòng nhiệt thành canh tân văn hóa”, nhưng một mặt, nhạc sĩ Dương Thụ cũng bày tỏ sự băn khoăn trước cái gọi là “nền tảng văn hóa Việt, nhất là văn hóa âm nhạc dân tộc (dân gian, cung đình, bài hát Việt từ thời tiền chiến đến bây giờ), văn hóa sân khấu dân tộc (tuồng, chèo sân đình)...” ở đạo diễn 9X này. “Có thể bạn ấy biết nhiều, nhưng có lẽ do chưa thực sự sống với nó nên nó chưa thành nền tảng văn hóa cho mình chăng?”.

Sinh năm 1991, chàng trai Hà Nội rất “quái” này còn cả một chặng đường dài phía trước để lấp đầy và bung phá. “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng Phi Anh thì “vội”. Vội, nhưng chưa bao giờ ẩu!

Thủy Lê - Đức Trí
Ảnh: Hellos, Kỳ Anh