Tản mạn

Đường đến trường

- Chủ Nhật, 11/08/2019, 08:30 - Chia sẻ
Khi có những chuyện không hay xảy ra, tôi rất nhớ lời dặn của bố tôi, nhà giáo Văn Như Cương: “Rủi ro ở quanh ta, 10cm nước cũng có thể mang lại tại họa cho một đứa trẻ...”. Rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào và có thể đến với bất cứ ai, vậy nên chúng ta luôn phải xây dựng quy trình an toàn nhất có thể để mỗi khi bố mẹ gửi con đến trường, họ có thể yên tâm...

Cách đây 10 năm, ngôi trường tôi quản lý từng đưa ra phương án quẹt thẻ để báo tin cho các bậc phụ huynh. Đại loại là khi con đến trường hay ra khỏi trường, con phải quẹt thẻ và ngay lúc đó, bố mẹ sẽ nhận được tin nhắn là “Con các vị đã đến trường lúc...”, hoặc “con các vị đã ra khỏi trường lúc”... Khi tôi trình phương án quản lý các con, tôi nhớ đã có cả cuộc họp phụ huynh nhà trường, có người nói là tôi đang làm phức tạp vấn đề, muốn thu thêm tiền (dù cái thẻ hồi đó có mấy chục nghìn đồng và bây giờ là 100 nghìn).

Tôi đã phải giải thích với các vị phụ huynh rằng khi học sinh dùng thẻ, các vị nên sử dụng cùng con, ví dụ kiểm soát thời gian từ nhà đến trường để ấn định sau khi tan học thì bao lâu con phải có mặt ở nhà hay sáng sáng con cần phải ra khỏi nhà lúc mấy giờ để kịp giờ vào lớp. Thẻ được tích hợp với thư điện tử nên tối thiểu mỗi ngày phụ huynh sẽ nhận được hai tin nhắn báo giờ con đến trường và giờ các con ra khỏi trường. Con nào hay đi muộn cũng được báo ngay để phụ huynh biết mà điều chỉnh giờ đi học cho con.

Lúc đầu tôi bị phản ứng nhưng sau 1 tháng, phụ huynh bắt đầu điện thoại và nhắn tin khi không thấy tin nhắn báo con đã đến trường hay đã ra về theo lịch học, phụ huynh bắt đầu thấy yên tâm khi có tin nhắn đến và biết con đã an toàn ở trường. Tôi bắt đầu dạy các con cách tuân thủ kỷ luật, phải quẹt thẻ khi đến và về vì ý nghĩa của nó là làm cho bố mẹ yên lòng khi đi làm, yên lòng vì con đã đến trường và được quản lý tại trường một cách chặt chẽ. Ngoài quẹt thẻ, các thầy cô giám thị còn điểm danh hàng ngày để biết chắc con nào đến lớp con nào không (nhỡ các con trót quên quẹt thẻ hoặc ranh ma nhờ các bạn quẹt hộ).

Quản lý các con cẩn thận cũng tốn công sức nhưng khiến tôi thấy an lòng. Tuy nhiên, không khỏi vấp phải phản ứng của phụ huynh. Có con bị  hệ thống báo thường xuyên đi muộn và buộc lòng phải báo về bố mẹ và mời bố mẹ đến làm việc, tìm   phương án để khiến con đi học đúng giờ. Có bố mẹ phản ứng trên các diễn đàn cho rằng hơi tý là thông báo, đi học muộn là chuyện bình thường của học sinh, nhà trường quá khe khắt... Họ không hiểu rằng một tiết lang thang ngoài trường sẽ có bao nhiêu rủi ro xảy đến với con họ (tai nạn, bắt cóc, lạm dụng tình dục...).

Khi có những chuyện không hay xảy ra, tôi rất nhớ lời dặn của bố tôi, nhà giáo Văn Như Cương: “Rủi ro ở quanh ta, 10cm nước cũng có thể mang lại tai họa cho một đứa trẻ, cái đinh rơi trên sàn cũng khiến đứa trẻ bị tổn thương... Đối với con trẻ, khi để con một mình, luôn phải hình dung ra các tình huống bằng câu “nếu... thì” để mà quản lý các rủi ro có thể xảy ra...”. Nhớ lời bố, sau này, từng góc sân trường, tôi đều cố gắng làm cẩn thận, luôn có câu thường trực trong đầu “nhỡ có con vô ý... thì ...”, để làm sao có một môi trường an toàn nhất có thể.

Rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào và có thể đến với bất cứ ai, vậy nên chúng ta luôn phải xây dựng quy trình an toàn nhất có thể để mỗi khi bố mẹ gửi con đến trường, họ có thể yên tâm làm việc và đón con về sau một ngày vất vả...

Văn Thùy Dương