Đừng vội chê "kinh tế gia công"!

- Thứ Bảy, 18/07/2020, 06:21 - Chia sẻ
Trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch Covid-19, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không thể tách khỏi tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, phải thu hút FDI chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. 

Nguồn: luatvietnam.vn

Nói cách khác, việc lựa chọn các dự án FDI công nghệ cao, có hàm lượng chất xám công việc và chuỗi giá trị gia tăng cao là điều kiện cần thiết và quan trọng nhất trong cơ hội bứt phá lần này. Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định lập tổ công tác đặc biệt đón “đại bàng” đến Việt Nam, tức ám chỉ những dự án từ các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng.

Mong muốn thu hút FDI chất lượng cao là chính đáng nhưng ở chiều ngược lại phải xem xét Việt Nam liệu đã có đủ những nền tảng cần thiết cho dòng vốn này chưa?

Câu trả lời có lẽ là chưa! Hạ tầng yếu kém, cụ thể là hạ tầng giao thông và năng lượng, tiếp tục là "nút cổ chai" chưa được giải quyết nhiều năm nay.

Một tập đoàn đa quốc gia khi muốn triển khai các dự án có hàm lượng chất xám cao ở nước nào đó, trước tiên, họ sẽ nhìn vào nguồn nhân lực tại đây. Nước ta có lực lượng lao động dồi dào nhưng lại thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trình độ cao để thích nghi với những dự án “cao cấp” cũng như đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của giới đầu tư.

Đó là chưa kể trước khi dịch chuyển sang Việt Nam, các công ty công nghệ lớn trên thế giới cần phải thấy môi trường kinh doanh tại đây khuyến khích đổi mới sáng tạo, cần phải cắt được cơn “đau đầu” về những vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép con...

Những nút thắt nói trên không thể giải quyết trong một sớm một chiều nên thành thực mà nói trong ngắn hạn, Việt Nam khó có thể thu hút nguồn vốn FDI vào những ngành có công nghệ cao và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Một thực tế khác, dù Việt Nam đang mất dần lợi thế nhân công giá rẻ nhưng áp lực giải quyết việc làm vẫn rất lớn. Tính hết quý II.2020, số lao động thất nghiệp là gần 1,2 triệu người; số lao động thiếu việc làm là hơn 1,2 triệu người. Nửa đầu năm nay, cả nước có gần 500 nghìn lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mới đây, Công ty PouYuen cho nghỉ gần 3.000 lao động, công nhân khiến lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kêu trời.

Điều này hàm nghĩa, trước mắt chúng ta vẫn phải ưu tiên những dự án FDI sử dụng nhiều lao động bên cạnh việc hướng tới thu hút nguồn vốn chất lượng cao, chuyển giao và làm lan tỏa công nghệ - một trong những tiền đề để xây dựng được năng lực công nghệ nội địa. 

Nói cách khác, chính sách thu hút FDI cần phải hướng tới sự hài hòa giữa số lượng và chất lượng, giữa ngắn hạn và dài hạn. Trong bối cảnh “bình thường mới”, cùng với việc nhanh chóng gỡ các nút thắt cố hữu để thu hút được nguồn vốn chất lượng cao (trong một tương lai có lẽ không quá gần), chúng ta cũng đừng vội chê gia công, vì thực tế là chúng ta vẫn đang thiếu việc làm và vấn đề này phải được giải quyết.

 

 

 

 

Hà Lan