Góc nhìn

Đừng trục lợi uy tín, danh dự thương binh

- Thứ Sáu, 11/10/2019, 07:35 - Chia sẻ
Sáng 10.12.2018, nhiều xe ba gác và hàng trăm người tập trung trước cổng VFF đòi vào mua vé xem trận chung kết lượt về AFF Cup. Nhiều người trong số này mặc quân phục, đeo huy chương, tự xưng là cựu chiến binh, thương binh, đòi được vào gặp lãnh đạo VFF để mua vé. Đỉnh điểm là hành động “phi” thẳng xe ba gác vào sảnh trụ sở VFF.

Gần 1 năm sau, trưa 9.10.2019, hình ảnh rất phản cảm này lại tiếp diễn: Rất nhiều người tự nhận là thương binh tụ tập trước cổng trụ sở VFF với mục đích nộp công văn xin vé xem trận Việt Nam với Malaysia thuộc khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 có thái độ quá khích và chống đối... Lý do là bởi VFF chưa thể giải quyết việc đòi quyền lợi mua vé. Số vé trận đấu Việt Nam với Malaysia đã được phân bố nhất định theo từng ngạch và số lượng dành cho đối tượng thương binh không có nhiều...

Chưa vội bàn đến hình thức bán vé của VFF đã phù hợp hay chưa, nhưng hình ảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí là có những hành động quá khích của các cổ động viên, trong đó, nhiều người tự nhận là thương binh là hình ảnh rất phản cảm, khó có thể chấp nhận. Bởi lẽ, việc xây dựng và bảo vệ “thương hiệu bóng đá đẹp” luôn là mục tiêu hướng đến của các cổ động viên chân chính và các cơ quan chức năng. Để có thương hiệu bóng đá đẹp, chỉ các cầu thủ, cơ quan chức năng nỗ lực thôi là chưa đủ mà còn một yếu tố đặc biệt quan trọng đó chính là các cổ động viên. Bởi vậy, dù có đưa ra bất cứ giải thích nào thì việc chen lấn, xô đẩy, có các hành vi quá khích - cốt để có được tấm vé là điều khó chấp nhận. Đó là chưa kể đến việc, trong số những người tự nhận là thương binh này, có bao nhiêu người là thương binh thật, bao nhiêu người giả là thương binh? Bao nhiêu người thực sự có nhu cầu xem trận đấu và bao nhiêu người mua xong rồi bán lại kiếm lời?

Nhu cầu xem bóng đá của các thương binh là có thật. Việc một số người có những hành động không đẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh trân kính của các thương binh cũng là thật. Như tâm sự của nhiều thương binh: Ai cũng muốn có được tấm vé để xem, nhưng chúng tôi không làm vậy. Không thể “cậy” mình là thương binh để yêu sách, đòi quyền lợi phi lý cho riêng mình.

Bóng đá là môn thể thao “Vua” nên sự hâm mộ của khán giả không có lỗi. Lỗi là do người hâm mộ đã không làm cho môn thể thao “Vua” đẹp hơn bởi những hành động phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật.

Giá trị một tấm vé không để ngang bằng với uy tín, danh dự của người thương binh. Bởi vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng nên trục lợi hình ảnh, danh dự, uy tín của thương binh.

Trận cầu Việt Nam - Malaysia đã khép lại với nhiều cảm xúc. Thế nhưng, vẫn còn đó hình ảnh không đẹp.

Khánh Ninh