Tản mạn

Đừng thêm những ngậm ngùi

- Thứ Ba, 25/04/2017, 08:15 - Chia sẻ
Sau cuộc tiễn đưa ngậm ngùi những nghệ sĩ nghèo về nơi chín suối, lòng không khỏi âu lo tự hỏi: Còn bao nhiêu cái chết lặng thầm khác nữa, nằm trong và ngoài con số 70.000 người/năm vì căn bệnh ung thư ở ta? Nếu những “thủ phạm” thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường... vẫn cứ nhơn nhơn đứng đó, làm tan hoang bao “đêm hội Long Trì”...

Chỉ trong chưa đầy mười ngày mà giới sân khấu - điện ảnh Hà Nội đã phải ngậm ngùi tiễn đưa ba nghệ sỹ về nơi chín suối. Tất cả đều chung một căn bệnh: Ung thư. Hai nghệ sĩ: Duy Thanh (Nhà hát Tuổi Trẻ) và Hương Duyên (Nhà hát Kịch Hà Tây) thậm chí còn chỉ đi cách nhau có vài giờ đồng hồ. Đau xót hơn cả, là cả hai nghệ sĩ Hương Duyên và Hoàng Thắng (Hãng phim truyện Việt Nam) đều ra đi khi mà người bạn đời của họ cũng vừa khuất núi chỉ vài năm trước đó (vợ nghệ sĩ Hoàng Thắng cùng mắc căn bệnh quái ác). Cám cảnh hơn, nghệ sĩ Hương Duyên còn để lại hai đứa con thơ dại...

Đời nghệ sĩ không phải lúc nào cũng lấp lánh như chúng ta vẫn thường nghĩ về họ, hay nói đúng hơn, vầng hào quang không chia đều cho tất thảy. Có những đời diễn lặng lẽ với những vai phụ trong những vở kịch, bộ phim ít tiếng vang. Cũng có những diễn viên bị “chết vai” (đóng đinh trong một dạng vai nào đấy nên không dễ gì tung tẩy trong nghề diễn), hay thậm chí còn có thể gọi là diễn viên “một vai”, vì vai diễn ấy gần như là điểm sáng duy nhất trong cuộc đời diễn xuất của họ. Chỉ đến giây phút họ lặng lẽ lìa đời, chúng ta - gồm cả khán giả lẫn bạn nghề mới sực nhớ tới tên họ, và những vai diễn từng giúp sáng màn ảnh, sàn diễn của họ. Nghề bạc, mà cũng nặng tình, là thế...

Tôi từng xem Hoàng Thắng diễn xuất trong bộ phim “Đêm hội Long Trì” của đạo diễn Hải Ninh. Điểm sáng số 1 về diễn xuất trong bộ phim này dĩ nhiên thuộc về nữ diễn viên nổi tiếng Lê Vân (vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ). Nhưng nam diễn viên có gương mặt góc cạnh và ánh mắt đậm chất xi nê này cũng có một vai diễn đáng giá (“cậu trời” Đặng Lân, người em độc ác của Tuyên phi Đặng Thị Huệ). Trong phim Việt, diễn viên thường diễn rất sượng những cảnh ăn chơi sa đọa, nhất là những cảnh ăn chơi của vua chúa ngày xưa, nhưng những màn hóa thân của Hoàng Thắng không gây cảm giác đó. Anh tạo được ác cảm cần thiết cho nhân vật và khiến được nhân vật của mình “bắt vít” được vào bối cảnh phim. Có lần, tôi được thoáng thấy anh ở ngoài đời, khi là thực khách của một nhà hàng trên Hồ Tây mà nghe đâu anh góp vốn. Không nhiều người nhận ra anh là diễn viên. Và anh đã lặng lẽ đứng ở cổng tiễn khách, thậm chí còn dắt hộ xe cho tôi. Hình ảnh đó không hiểu sao cứ vương vất mãi trong tôi, nhất là hôm nghe tin anh mất đột ngột.

Thống kê mới nhất tôi vừa đọc được trên báo là mỗi năm nước ta có khoảng 70.000 người chết vì ung thư, trong đó có hơn 200.000 ca phát hiện mới... Trong những nguyên nhân đã được chỉ ra thì mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định rằng: “Không có căn cứ nói bệnh ung thư chết nhiều là do an toàn thực phẩm”... Vâng, đúng là chẳng thể đổ lỗi hết cho thực phẩm bẩn, vì đời sống lúc này quả thực có quá nhiều hiểm nguy rình rập: Khí thải, môi trường, thậm chí là sóng điện thoại - nghe nói cũng có thể dẫn đến ung thư... Nhưng có thể nói, chưa lúc nào chúng ta khó khăn để có được một bữa ăn ngon đúng nghĩa như lúc này. Vì cái cảm giác tối thiểu nhất là sự yên tâm đã không còn, ngay cả khi bà nội trợ đã “nghiến răng” mua cái gọi là thực phẩm sạch (thường được bán với giá cao gấp 2, gấp 3 lần)... 

Sau cuộc tiễn đưa ngậm ngùi những nghệ sĩ nghèo về nơi chín suối, lòng không khỏi âu lo tự hỏi: Còn bao nhiêu cái chết lặng thầm khác nữa, nằm trong và ngoài con số 70.000 người/năm vì căn bệnh ung thư ở ta? Nếu những “thủ phạm” thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường... vẫn cứ nhơn nhơn đứng đó, làm tan hoang bao “đêm hội Long Trì”...

Lê Quân