Đừng tạo thêm áp lực cho thí sinh!

- Thứ Tư, 12/08/2020, 06:02 - Chia sẻ

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) 2020 (đợt 1) lẽ ra đã chính thức khép lại vào ngày 10.8, thì ngày 11.8, tại một số địa phương vẫn có không ít các thí sinh lại phải tiếp tục bước vào kỳ thi “bất đắc dĩ”. Áp lực của kết quả thi cử vốn đã rất nặng nề, tại sao lại để các em lại tiếp tục phải chịu thêm gánh nặng chỉ vì sự thiếu cẩn trọng, do lỗi của giám thị coi thi?

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, đã xảy ra một số "sự cố" ngoài ý muốn. Đó là, tại một phòng thi môn Ngữ văn ở Hội đồng thi Bắc Ninh, các giám thị đã ký nhầm vào ô cán bộ chấm thi chứ không phải cán bộ coi thi. Sau khi phát hiện sai sót này, giám thị đã yêu cầu học sinh làm lại bài thi dẫn đến thiệt thòi về mặt thời gian cho các em. Trong khi đó, tại Điện Biên, ở 7 phòng thi, giám thị coi thi môn Địa lý phát đề chậm, ảnh hưởng đến thời gian bài làm 5 phút mà không có bù giờ. Hội đồng thi tỉnh Điện Biên đã báo cáo Ban Chỉ đạo thi THPT cấp Quốc gia và được hướng dẫn để các em thi lại vào ngày 11.8.

Một sai sót khác lại xảy ra ở Bình Phước, đó là một thí sinh phải thi lại do lỗi của chính em và cả cán bộ coi thi. Thí sinh này đoạt giải học sinh giỏi cấp trường, không được miễn thi môn Địa lý nhưng khi cán bộ coi thi hỏi thì em trả lời được miễn thi. Thầy cô chủ quan không xem lại danh sách thí sinh thi nên thí sinh này đã không thi môn Địa lý… Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có 18 cán bộ coi thi bị xem xét xử lý do đã không thực hiện bảo đảm quy chế trong quá trình tổ chức thi.

Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, sáng 11.8, các điểm thi xảy ra sự cố đã tổ chức thi lại cho các thí sinh. Theo đó, Hội đồng thi tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế cho 1 phòng thi với 7 thí sinh tại điểm thi Trường THPT Yên Phong số 1, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tại điểm thi Trường THPT Phú Riềng (huyện Phú Riềng), Hội đồng thi tỉnh Bình Phước đã tổ chức cho thí sinh duy nhất thi lại bằng bộ đề dự phòng môn Địa lý do nhầm lẫn của cả giám thị và thí sinh; 117 thí sinh ở Điện Biên cũng đã được thi lại môn Địa lý.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm 2019, kỳ thi này cũng đã từng xảy ra sai sót, tại Hội đồng thi tỉnh Lào Cai, cán bộ coi thi ký nhầm tên vào ô cán bộ chấm thi cho 3 thí sinh. Sau thời gian làm bài mới phát hiện ra giám thị này đã cho thí sinh chép lại. Ngay sau khi phát hiện sự việc, cán bộ này đã bị đình chỉ coi thi, đồng thời hội đồng thi đã làm công tác tư tưởng cho 3 thí sinh và tổ chức cho các thí sinh này thi lại.

Để xảy ra sai sót này là sự cố ngoài mong muốn của cán bộ coi thi, cũng như của thí sinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công tác coi thi, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các thí sinh. Bởi lẽ, với các em việc bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT là dấu mốc rất quan trọng, quyết định hướng nghề nghiệp của các em sau này. Do đó, các thí sinh thường dành hết tâm sức vào kỳ thi với một áp lực không hề nhỏ. Việc phải tăng thêm một buổi thi ngoài ý muốn có thể gây nên những xáo trộn tâm lý, thậm chí mệt mỏi cho các thí sinh.

Trước khi thi, các cán bộ coi thi đều đã được phổ biến kỹ về công tác coi thi. Nhưng không hiểu vì lý do gì, các cán bộ coi thi vẫn để xảy ra những sai sót đáng tiếc này. Đáng nói là, sai sót của cán bộ coi thi nhưng chính các thí sinh lại phải chịu thêm áp lực thi cử.

Theo quy định, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi. Cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật. Tùy mức độ vi phạm, người vi phạm công tác coi thi có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác...

Để không còn xảy ra những "sự cố" này, cần xử lý nghiêm các cán bộ coi thi đã có vi phạm. Đừng tạo thêm áp lực cho thí sinh bởi những sai sót của chính những cán bộ coi thi, bởi với các em, kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn đã là một áp lực rất lớn.

Lê Hùng