QH tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2012, nhiệm vụ năm 2013

Đừng nói <i>không có quy định, không có cơ chế</i> mà hãy nói <i>có làm hay không</i>

- Thứ Năm, 01/11/2012, 08:11 - Chia sẻ
Sáng qua, QH tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2012, kế hoạch năm 2013. Nhiều ĐBQH bày tỏ sự đồng tình và ghi nhận thái độ nghiêm túc nhận trách nhiệm, nhận lỗi trước Đảng, trước QH và nhân dân về những thiếu sót, khuyết điểm trong điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng cho rằng, Chính phủ cần nhìn nhận và đánh giá đúng mức sự yếu kém trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Phải chỉ rõ cụ thể là yếu ở đâu? Kém ở chỗ nào? Lĩnh vực nào? Và trách nhiệm cá nhân và tập thể khi để xảy ra những yếu kém đó như thế nào? Đừng nói “không có quy định, không có cơ chế” mà hãy nói là “có làm hay không” – nhấn mạnh điều này, các ĐBQH cũng cho rằng, giải pháp, nhiệm vụ của năm 2013 đã khá rõ, vấn đề bây giờ là quyết tâm, là phương pháp, là cách làm, là chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm trong quá trình ra quyết định, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Đừng nói “không có quy định” hay “không có cơ chế xử phạt” mà hãy nói là “có làm hay không làm”…

Trước hết, tôi hết sức trân trọng thái độ nghiêm túc nhận trách nhiệm và nhận lỗi trước Đảng, trước QH và nhân dân về những thiếu sót, khuyết điểm của Chính phủ tại diễn đàn QH lần này. Tôi cho rằng sự nhận lỗi của Thủ tướng về tất cả những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát, hoạt động, nhất là yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã nói lên sự yếu kém của quản lý nhà nước. Và sự yếu kém đó chính là nguyên nhân cốt lõi của nhiều tổn thất kinh tế và xã hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ không có phần nào phân tích sâu về sự yếu kém trong quản lý nhà nước, không chỉ ra được yếu ở đâu? kém ở chỗ nào? lĩnh vực nào? và trong phần mục tiêu giải pháp cũng chỉ nêu là tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Như trong báo cáo của Chính phủ có thể khẳng định tổn thất to lớn ở hai tập đoàn Vinashin và Vinalines là do buông lỏng quản lý của các bộ vì thực tế để có được sự cho phép hay phê duyệt sử dụng khoản tiền lên đến mấy chục triệu USD là không hề dễ dàng nhưng trong thực tế lại trở nên quá dễ. Tôi cho rằng quản lý nhà nước của chúng ta còn yếu và bộ máy nhà nước có vấn đề. Cơ quan nào cũng có chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định rất đầy đủ, nhưng sai phạm, tổn thất thì cứ xảy ra và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn mà không có một bộ nào chịu trách nhiệm. Liệu có nên gọi đó là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước?

Một ví dụ rất đơn giản nữa là sự buông lỏng quản lý trong lĩnh vực quản lý thị trường. Tình trạng buôn lậu hàng giả đang hủy hoại nền kinh tế. Hệ thống thanh tra chuyên ngành, hệ thống quản lý thị trường rất đầy đủ, rất hùng hậu nhưng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan. Mũ bảo hiểm dởm không đảm bảo chất lượng là một mặt hàng điển hình mà ai cũng thấy trên khắp cả nước nhưng nó vẫn được bán đầy đường. Đừng nói là không có quy định hay không có cơ chế xử phạt mà hãy nói là có làm hay không làm mà thôi. Như vậy, một chủ trương rất đúng của Chính phủ là để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân bị giảm hiệu lực vì có đến 40% người sử dụng mũ bảo hiểm dởm. Trong những ngày QH đang họp, trên đầy các mặt báo nạn gà đầu trọc nhập lậu từ Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đang chỉ đạo và chỉ trích một số cán bộ thú y tiếp tay cho buôn hàng lậu nhưng lực lượng thanh tra chuyên ngành, lực lượng quản lý thị trường và chính quyền các cấp ở đâu, trách nhiệm như thế nào? Mới sáng ngày hôm qua, bản tin tài chính đưa tin về hai doanh nghiệp Thanh Lễ và PV OIL lợi dụng tạm nhập, tái xuất xăng, dầu để đưa hàng nghìn tấn xăng bẩn không đủ tiêu chuẩn ra bán cho người dân. Bộ Công thương khẳng định trách nhiệm của việc đưa xăng bẩn vào lưu thông là trách nhiệm của Bộ Công thương nhưng không chịu trách nhiệm về khâu nhập khẩu vậy mà xăng bẩn vẫn được lưu thông, hậu quả chỉ có người tiêu dùng gánh chịu. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho ý kiến về vấn đề này. Tôi rất lấy làm tiếc vì sự yếu kém trong quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành đã không được nhìn nhận và đánh giá đúng mức trong báo cáo của Chính phủ. Nếu tình trạng yếu kém trong quản lý nhà nước vẫn như hiện nay, bộ máy nhà nước không có gì thay đổi, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức nhà nước không được tăng cường thì tổn thất vẫn xảy ra và có thể nghiêm trọng hơn và tình hình kinh tế - xã hội khó có thể được cải thiện và tốt lên. Tôi đề nghị vấn đề này cần được bổ sung và đánh giá một cách nghiêm túc trong báo cáo của Chính phủ để từ đó đặt ra những giải pháp cụ thể và phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu): Vấn đề bây giờ là quyết tâm, là phương pháp, là cách làm, là chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm trong quá trình ra quyết định, điều hành

Thứ nhất, Báo cáo tình hình KT - XH của Chính phủ đã nêu lên những kết quả đạt được, đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế yếu kém và đã nhận trách nhiệm, xin lỗi nhân dân về những yếu kém đó. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2013 tôi cho là rất tốt nhưng vẫn còn rất chung chung. Nhiều vấn đề đã đặt ra từ lâu, nghe đã quen nhưng không được triển khai hoặc triển khai nửa vời không kiên quyết, chưa mang lại hiệu quả. Hậu quả đã có, nguyên nhân đã rõ, bài học đã được rút ra, chủ trương đã được thống nhất. Vấn đề bây giờ là quyết tâm, là phương pháp, là cách làm, là chống tham nhũng, là chống lợi ích nhóm trong quá trình ra quyết định, điều hành.

Thứ hai, về vấn đề quản lý vàng. Theo Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Nhận định này khác với trình bày của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là cơ chế quản lý vàng bước đầu đã mang lại kết quả cực kỳ quan trọng. Tôi cho rằng, nhận định này vẫn còn có vẻ nhẹ nhàng, còn né tránh trước vấn đề rất nóng trong thời gian qua. Chúng ta đang ngồi đây và ngoài kia hàng đoàn người đang xếp hàng để chuyển đổi, để kiểm định, để có bao bì mới của SJC và chúng ta cứ nói là người dân phải tự bảo vệ mình. Từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý và siết chặt kinh doanh vàng thì thị trường vàng chia làm hai loại: một loại luôn bán sát giá vàng thế giới, còn SJC luôn cao hơn 2 - 3 triệu đồng. Ngày 28.10 họp báo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết SJC chỉ nhận gia công và nhận 5 nghìn đồng phí. Câu hỏi đặt ra là vậy SJC gia công vàng cho ai? Tại sao giá chênh lệch như vậy? Và khoản chênh lệch đó vào túi ai? Ngân sách nhà nước có được hưởng không? Từ khi thực hiện chính sách đã gây tổn thất không nhỏ cho doanh nghiệp kinh doanh vàng, cho người dân phải bù tiền để chuyển đổi nhưng nếu doanh nghiệp nào được chuyển đổi thì được phép đội mũ SJC thì thu lợi rất lớn. Chỉ có ở nước ta, giá vàng mới phụ thuộc vào thương hiệu mà không phụ thuộc vào tuổi vàng. Vì thế những mục đích huy động vàng trong dân không đạt được, các ngân hàng thương mại không huy động được vàng thì phải mua, mua thì nhu cầu tăng, giá tăng thì tác động xấu lên thị trường. Như thế mục đích kéo sát giá thế giới không đạt được, khi ngân hàng thương mại không được kinh doanh vàng thì huy động vàng trong dân cũng sẽ khó khăn. Tôi nghĩ lưu trữ vàng là truyền thống, là tập quán, là mục đích để đề phòng rủi ro cho nên thị trường vàng vẫn tồn tại một cách khách quan. Không thể coi thường thị trường vàng. Tôi đề nghị công khai, minh bạch trong chính sách vàng và các chính sách khác nếu không sẽ càng làm suy giảm lòng tin của người dân và tạo nghi ngờ về động cơ của chính sách quản lý.

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh): Phải giải trình rõ căn cứ đề xuất các chỉ tiêu, giải pháp điều hành KT - XH năm 2013 để tạo sự thống nhất trong QH và khi QH đã quyết định thì đó là trách nhiệm của QH

Trong năm vừa qua, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt và đã thực hiện đúng theo mục tiêu tổng quát mà QH đã đề ra là phải kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Xem xét lại tình hình cuối năm 2011 đến lúc này, chúng ta thấy những vấn đề bất ổn và những cơn sốt của nền kinh tế đã cơ bản được kịp thời kiềm chế và duy trì ở mức ổn định hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là trong năm gần đây, liên tục các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, kiềm chế CPI không đạt được như Nghị quyết của QH đặt ra. Tôi cho rằng, cần xem xét lại tại sao có tình trạng này. Có phải do các chỉ tiêu của chúng ta đưa ra thiếu căn cứ, không được phân tích thấu đáo, mang tính chủ quan hay là các chỉ tiêu đưa ra không được dự báo, nắm bắt, đánh giá và các nhân tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thiếu chính xác nên các chính sách, các giải pháp đưa ra không đúng hoặc đưa ra chính sách, giải pháp chung thì đúng nhưng quá trình áp dụng thì các lực lượng không phù hợp gây ra tác động tiêu cực? Từ thực trạng này, tôi đề nghị, đối với việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ năm 2012 thì Chính phủ và các Ủy ban liên quan của QH phải có nghiên cứu, đánh giá sâu sắc hơn về các nguyên nhân và kết quả đạt được cũng như không đạt được. Tập trung vào đánh giá các nhân tố tác động và mức độ tác động vào sự tăng trưởng, mối liên quan giữa các nhân tố, các chỉ tiêu cơ bản và đánh giá tác động của các chính sách, nhất là các chính sách về tài khóa, tiền tệ, cả mặt tích cực và mặt tiêu cực tác động vào việc thực thi trong thời gian vừa qua. Quan trọng hơn là đánh giá mức độ chịu đựng của nền kinh tế đối với những tác động tiêu cực. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các Ủy ban liên quan của QH sẽ cung cấp thông tin, cơ sở thuyết minh cho các đề xuất chỉ tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu liên quan do Chính phủ trình. Ví dụ, Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra 3 mức tăng trưởng khác nhau. Tôi đề nghị phải có những thông tin thuyết minh cụ thể về 3 ý kiến này để có cơ sở QH quyết định. Riêng những vấn đề trong quá trình thảo luận của QH hai ngày nay, tôi đề nghị việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan liên quan của Chính phủ và các Ủy ban của QH phải hết sức khách quan. Trong đó, phải nói rõ nội dung nào tiếp thu, nội dung nào không tiếp thu và lý do tại sao không tiếp thu? Nhất là những ý kiến, đề xuất chính sách, những cơ chế mới, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ mâu thuẫn với nhau. Phải giải trình rõ để tạo sự thống nhất và khi QH quyết định thì đó là trách nhiệm của QH. Khi các nội dung được giải trình rõ ràng, biện pháp được quyết định rõ ràng thì QH cũng có cơ sở để giám sát, Chính phủ triển khai thực hiện cũng dễ và cử tri cả nước cũng có điều kiện hiểu và theo dõi hoạt động của các cơ quan nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội): Cần thành lập một Ban chỉ đạo hoặc một Ủy ban giải quyết nợ xấu của Chính phủ

Có thể nói, trong 2 năm vừa qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng chủ động linh hoạt trong điều hành và trình QH xem xét, thông qua rất nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành cũng đã chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường cũng như giải quyết hàng tồn kho. Tuy nhiên, với những nỗ lực đó của Chính phủ và các ngành, các cấp vẫn chưa đem lại những hiệu quả như mong muốn, vẫn còn trên 40 nghìn  doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất trong những tháng đầu năm, kéo theo hàng triệu người mất việc làm, lượng hàng tồn kho tuy giảm nhưng cũng còn đang ở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Lãi suất giảm nhưng với tỷ lệ lãi suất hiện nay vẫn không bảo đảm được hiệu quả khi đưa dòng tiền này tham gia vào sản xuất. Dù còn cao như vậy nhưng thủ tục để tiếp cận với các khoản vay này còn khó khăn, còn nhiều bất cập. Tình hình nợ xấu rất cao và chưa có giải pháp xử lý cụ thể, trong đó một phần do lỗi của Nhà nước trong việc giải ngân từ các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đối với các chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà Chính phủ và QH đã ban hành từ những kỳ họp trước thì doanh nghiệåp cũng rất khó tiếp cận.

Bây giờ làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp? Theo thống kê, hiện nay tổng số vốn ngân sách nợ các doanh nghiệp khoảng 97 nghìn tỷ đồng và chiếm khoảng 50% tổng nợ xấu. Vì vậy, trước hết, ngay trong những tháng cuối năm 2012 và 2013 phải giải quyết vấn đề nợ xấu. Tôi chia sẻ với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng ngành ngân hàng thì không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề nợ xấu. Vì thế, Chính phủ cần thành lập một ban chỉ đạo hoặc một ủy ban để giải quyết nợ xấu. Bên cạnh các giải pháp xử lý mang tính triệt để, đồng bộ và lâu dài thì trước mắt Chính phủ cần chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát tổng hợp, kết hợp với kê khai của doanh nghiệp để xác định đầy đủ giá trị mà vốn ngân sách nhà nước đang nợ doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản và mua sắm công để có giải pháp giải cứu giúp doanh nghiệp, nếu chưa bố trí ngay được nguồn vốn thì có thể có cơ chế để chuyển nợ ngân hàng từ các doanh nghiệp sang Nhà nước. Thứ hai, đề nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn các địa phương thống nhất trên toàn quốc thực hiện việc hỗ trợ tính giá và đơn giản thủ tục miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp theo hướng: cho các doanh nghiệp chủ động lựa chọn việc trả tiền thuê đất 1 lần hay hàng năm, vì trong lúc khó khăn việc trả tiền thuê đất 1 lần cho suất mấy chục năm thuê đất sẽ làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; giá tiền thuê đất của các doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh trong lúc chờ Luật Đất đai đang sửa đổi được thông qua thì các tỉnh lấy giá đất mà HĐND phê chuẩn ngày 1.1 để áp giá chứ không thực hiện việc khảo sát và tính giá lại. Thứ ba là hỗ trợ cho người tiêu dùng bằng cách giảm thuế VAT sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, giảm hàng tồn kho và người tiêu dùng cũng được được hưởng thụ trực tiếp chính sách của Nhà nước.

Nguyễn Vũ ghi: ảnh: T. Bình, Q. Khánh, T. Chi